Trưởng thôn người H'Mong dành 2 năm thuyết phục dân bản làm du lịch

Thôn Thèn Pả nằm dưới chân cột cờ Lũng Cú bắt đầu kinh doanh dịch vụ lưu trú, du lịch trải nghiệm cho du khách khoảng 2 tháng gần đây. Trưởng thôn Vàng Sính Lùng trước đó đã mất gần 2 năm để thuyết phục bà con chuyển đổi mô hình kinh tế.

Thôn Thèn Pả (xã Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang) nằm dưới chân núi Rồng, sát cột cờ Lũng Cú, được coi là điểm cực Bắc của Việt Nam. Nơi đây vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống lâu đời của người đồng bào dân tộc Mông với những mái nhà ngói âm dương, tường đất độc đáo.

Thèn Pả nổi lên là điểm tham quan của du khách mỗi khi ghé thăm cột cờ Lũng Cú. Khoảng hơn 2 tháng nay, chủ nhân của những ngôi nhà trong thôn bắt đầu chuyển qua kinh doanh dịch vụ lưu trú trải nghiệm.

Ông Vàng Sính Lùng (Trưởng thôn Thèn Pả) cho biết, để chuyển đổi từ làm nương rẫy sang kinh doanh du lịch, ông đã mất 2 năm vận động bà con trong thôn. Đến nay có khoảng 10 hộ bắt đầu đón khách.

"Để làm du lịch bà con cần dọn dẹp nhà cửa, hạn chế chăn nuôi trâu bò quanh khu vực nhà ở. Gia đình tôi là hộ đầu tiên chuyển qua làm mô hình này, bởi thấy mình làm bà con mới tin tưởng làm theo được", ông Lùng nói.

Ông nhớ như in, hồi mới đầu bà con chưa dám bỏ chăn nuôi để làm du lịch. Sau khi ông vận động một thời gian thì dịch Covid-19 bùng phát, không có khách, nhiều gia đình lại quay về chăn nuôi. "Việc thuyết phục bà con càng thêm khó khăn vì họ chưa thấy có thể kiếm tiền từ những ngôi nhà trình tường cũ kỹ", vị trưởng thôn kể.

Đến nay, bà con trong thôn vẫn giữ công việc làm nương rẫy nhưng ngừng chăn nuôi trâu bò gần khu nhà ở, hoặc phải chuyển súc vật đi xa hơn. Bên trong những ngôi nhà truyền thống, tất cả được dọn dẹp sạch sẽ, sẵn sàng đón khách bất cứ lúc nào.

Vàng Thị Sính (22 tuổi) dọn dẹp lại căn phòng để chuẩn bị đón khách. Sính cho biết, khoảng 3-4 tháng trở lại đây cô nghỉ hẳn việc nương rẫy để về kinh doanh du lịch. "Mình thấy làm dịch vụ đỡ vất vả hơn đi nương, kinh tế cũng khá hơn. Khi thấy ổn định, mình quyết định ở nhà để làm du lịch", Sính nói. Cô là người trẻ trong làng nên thay đổi tư duy chuyển sang làm du lịch không quá khó, chỉ cần có người hướng dẫn.

Thèn Pả được thiên nhiên ưu ái cả 4 mùa trong năm. Mùa xuân, màu sắc của hoa đào, hoa lê phủ lên triền núi, đường làng, trong vườn của người dân. Mùa hè là mùa của những nương ngô xanh mướt, ngắm hồ Mắt Rồng nước trong vắt. Đến mùa thu, những thửa ruộng bậc thang lúa chín tạo nên khung cảnh mùa vàng đầy chất thơ. Bước vào mùa đông, bản làng chìm trong sương mù vào sáng sớm.

Một nét đẹp nữa khi tới thôn Thèn Pả là du khách sẽ được hòa nhịp vào cuộc sống thường nhật của những người dân tộc H'Mong, tham gia các hoạt động như dệt vải, nấu rượu...

Trưởng thôn Thèn Pả cho hay, ngay cạnh đây là thôn Lô Lô Chải, họ cũng đã làm du lịch và rất thành công. Đời sống người dân từ đó được cải thiện nhiều. Tôi nhìn vào đó rồi cố gắng thay đổi tư duy kinh tế của bà con. Chỉ mong sao thôn bản mình cũng có thể phát triển kinh tế từ việc làm du lịch để bà con đỡ phải vất vả mà vẫn có của ăn của để.

Bà con trong thôn đã bắt đầu đi vào kinh doanh du lịch song một trong những đau đáu của ông Lùng hiện nay là làm sao để duy trì lượng khách ghé thăm ổn định. Chỉ khi đó, mọi người sẽ tin và duy trì phát triển kinh tế du lịch nơi biên cương phên giậu.

Thạch Thảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/truong-thon-nguoi-h-mong-danh-2-nam-thuyet-phuc-dan-ban-lam-du-lich-2214322.html