Trường tư không được dạy học trước 1 tháng

Cùng hệ thống giáo dục phổ thông, các trường công lập và tư thục cần thực hiện thời gian học tập như nhau, ngày 5/9 tựu trường. Trường tư thục không được quyền dạy học trước 1 tháng so với trường công.

Mong muốn có thêm thời gian nhiều hơn 4 tuần

Bộ GD&ĐT đã thống nhất trong cả nước ngày 5/9 khai giảng năm học 2020 - 2021. Các cơ sở giáo dục không được tổ chức dạy học trước ngày khai giảng, sớm nhất là 1/9. Bộ sẽ xem xét sửa đổi Thông tư 13/2011/TT-BGDĐT ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục cho phù hợp hơn.

Khi biết thông tin này, các chủ tịch hội đồng, hiệu trưởng trường tư thục ở Hà Nội đã gửi thư kiến nghị khẩn cấp tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tỏ rõ băn khoăn, tới đây có được bổ sung thời gian học tập 4 tuần/năm như quy định trong Thông tư 13/2011/TT-BGDĐT?

 Các trường tư mong muốn có thêm thời gian tổ chức hoạt động hè bổ ích.

Các trường tư mong muốn có thêm thời gian tổ chức hoạt động hè bổ ích.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về câu chuyện trường tư được bổ sung thời gian học tập không quá 4 tuần/năm, Chủ tịch HĐQT trường Phổ thông Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) Nguyễn Thị Hiền cho biết: "Các trường tư, ngoài thực hiện mục tiêu giáo dục của Bộ GD&ĐT còn có chương trình riêng. Mục tiêu của trường tôi là đào tạo con người phát triển toàn diện, không chỉ giỏi về kiến thức mà phải giỏi về kỹ năng, hướng đến công dân toàn cầu. Muốn vậy, trường tăng cường dạy ngoại ngữ nhiều hơn so với số tiết Bộ GD&ĐT quy định, và tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm khác. Nếu không thì phụ huynh chẳng cho con học trường tư".

“Chúng tôi muốn tập trung học sinh (HS) trước 4 tuần để tổ chức các hoạt động trải nghiệm, dạy chương trình riêng. Trong nhiều năm, thực hiện đúng yêu cầu của Bộ GD&ĐT, chúng tôi không dạy trước chương trình. Mặc khác, các phụ huynh cũng có nhu cầu cho con đến trường sớm vì môi trường an toàn cao hơn khi ở nhà không có người trông, ăn uống bảo đảm” - bà Hiền cho hay.

Các lãnh đạo trường tư khác cho rằng, nếu trường tư phải nghỉ hè 3 tháng, khó có thể triển khai các chương trình riêng, nhất là trường chất lượng cao. Ngoài ra ảnh hưởng đến tài chính, khi không có nguồn thu mà vẫn phải trả lương cho giáo viên, nhân viên. Không giống trường công, trường tư phải tự lo về tài chính, cơ sở vật chất, tuyển sinh... nhưng vẫn đảm bảo phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục. Trường tư đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của Nhân dân, giúp nhà nước giảm gánh nặng ngân sách. Vì thế, lãnh đạo các trường tư mong muốn có thêm thời gian tổ chức hoạt động hè bổ ích hoặc giữ nguyên quy định tại Khoản 3, Điều 14 của Thông tư 13.

Trường tư được trang bị kỹ năng

Câu chuyện trường tư có nên tựu trường sớm hơn trường công 4 tuần, nhận được nhiều bàn luận của các phụ huynh, đa số cho biết không nên. Mọi người muốn HS trường công và tư tựu trường cùng thời gian để các con được nghỉ hè.

“Nhà tôi, con học trường công, tư, rất đau đầu mỗi khi sắp xếp thời gian đi chơi, du lịch, về quê. Trường tư không cần thiết phải có thêm 4 tuần để dạy chương trình riêng. Nếu thực sự muốn, nhà trường có thể sắp xếp trong thời gian học chính khóa” – chị Nguyễn Thanh Hiền có con học trường tư ở quận Hà Đông cho hay.

Các em học sinh tham dư thi vào lớp 6 trường THCS Marie Curie Hà Nội sáng 12/7/2020.

Trường công hay tư đều thực hiện một chương trình giáo dục cho nên HS trường tư cũng cần được nghỉ hè đúng mức. Chứ không phải trường tư có thêm 1 tháng để dạy học sớm hơn, thu tiền của phụ huynh. Từ quan điểm này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị các trường tư thực hiện quy định dạy học văn hóa từ ngày 1/9. Thông tư 13 không thể quy định vô lý: Trường tư được tổ chức học sớm hơn 4 tuần/năm nhưng không được thu học phí.

“Theo tôi, nên điều chỉnh Thông tư 13 theo hướng thời gian học tập trường của HS trường tư giống trường công. Kỳ nghỉ hè, phụ huynh có nhu cầu cho con học kỹ năng (bơi lội, múa hát...) thì thỏa thuận với nhà trường. Thông tư không cần quy định 4 tuần hay bao nhiêu ngày” - ông Nhĩ nêu ý kiến.

Đồng tình phản đối trường tư không được dạy học sớm hơn 4 tuần, nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An đề nghị trước khi ban hành thông tư mới, Bộ GD&ĐT nên đánh giá tác động của Thông tư 13 tới HS, phụ huynh, giáo viên, quản lý.

“Trường tư nên được tổ chức trang bị kỹ năng, sinh hoạt hè cho HS. Nếu không nhiều HS không có chỗ chơi, ở nhà cắm mặt vào điện thoại dẫn đến trầm cảm; đã có những trường hợp đáng tiếc xảy ra như đuối nước, bị bắt cóc. Như thế bố mẹ không yên tâm làm việc..” - bà Bùi Thị An nói.

Từ những phân tích trên, bà Bùi Thị An và các chuyên gia giáo dục khác đề nghị Bộ GD&ĐT giữ nguyên quy định Thông tư 13 cho trường tư có thêm 4 tuần để tổ chức trang bị kỹ năng và được thu phí mức nhất định. Có thể, mở rộng đối tượng áp dụng HS mầm non. Nhưng thực hiện thống nhất toàn quốc trường công và tư khai giảng đúng ngày 5/9. Dứt khoát trường tư không được dạy trước chương trình.

Thủy Trúc

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/truong-tu-khong-duoc-day-hoc-truoc-1-thang-389646.html