Trường Xuân(Quảng Ninh): Phát triển kinh tế vườn rừng giúp nông dân thoát nghèo

Trường Xuân là một xã miền núi của huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình hình kinh tế của đồng bào nơi đây đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Đại đoàn kết)

Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà đặc biệt là chú trọng vào việc phát triển kinh tế vườn rừng; nhờ vậy đời sống của người dân đang được cải thiện, nhiều hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu trên quê hương mình.

Với tổng diện tích tự nhiên trên 15.000 ha, Trường Xuân xác định kinh tế vườn rừng là một thế mạnh, làm “đòn bẩy” để phát triển kinh tế nên trong những năm qua chính quyền xã Trường Xuân đã xây dựng đề án, có nhiều chủ trương và ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế trang trại vùng gò đồi. Vì vậy, sau khi chủ trương của chính quyền địa phương được tuyên truyền sâu rộng đi vào lòng dân cộng với việc hậu thuẫn của chính quyền các cấp đã tạo điều kiện tối đa để người dân tiếp cận cũng như bắt tay trong phát triển kinh tế vườn rừng, vườn đồi. Người dân nơi đây đã tốt công tác bảo vệ rừng tự nhiên, khoanh nuôi rừng tái sinh, trồng mới nhiều diện tích rừng kinh tế, kết hợp với xây dựng các mô hình kinh tế đưa nhiều giống cây, con mới vào sản xuất. Đến nay Trường Xuân đã có gần 2.000 ha rừng trồng các loại, trong đó có nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Cao su, keo, bạch đàn, thông, tràm…cho thu nhập bình quân mỗi ha trên 40 triệu đồng/năm. Ngoài ra, hiện nay toàn xã cũng đã xây dựng được 12 mô hình trang trại kinh tế vườn rừng như trang trại nuôi nhím, trồng rừng kết hợp nuôi hươu, trang trại kinh tế vườn rừng tổng hợp chăn nuôi trâu, bò… Đặc biêt, là nghề nuôi ong lấy mật ở Trường Xuân đang phát triển rất mạnh, đến nay toàn xã đã có 60 hộ nuôi ong với khoảng trên 500 đàn ong cho sản phẩm 2,8 tấn mật/năm. Ước tính mỗi năm đàn ong này cho người dân thu nhập 450 đến 500 triệu đồng.

Nhờ kinh tế vườn rừng ngày càng phát triển nên nền kinh tế của xã miền núi này có những bước tiến rõ rệt, đời sống của người dân dần được cải thiện, nhiều hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương mình.

Như gia đình ông Dương Văn Hồng ở thôn Kim Sen, là một trong những hộ gia đình đầu tiên tham gia phát triển kinh tế vường rừng với diện tích trên 25 ha trồng keo, bạch đàn mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ông Hồng cho biết: đất đai ở đây rất phù hợp với cây công nghiệp dài ngày như cao su, bạch đàn, tràm, keo…nên dù vốn đầu tư ít nhưng vẫn phát triển tốt và cho lợi nhuận cao. Không chỉ có gia đình ông Hồng mà rất nhiều hộ gia đình khác như gia đình ông Trần Xuân Lập ở thôn Kim Sen, gia đình ông Hồ Soa ở bản Khe Dây (xã Trường Xuân) cùng với nhiều hộ gia đình khác cũng ăn nên làm ra và thoát nghèo bền vững nhờ biết phát huy thế mạnh kinh tế vườn rừng.

Ông Trần Văn Anh - Chủ tịch UBND xã Trường Xuân cho biết: Phát triển kinh tế xã hội các vùng dân tộc thiểu số, vùng miền núi, gò đồi là một trong những chủ trương lớn của Đảng ta, do nắm bắt được chủ trương này nên trong những năm qua chính quyền địa phương đã có nhiều chủ trương khuyến khích người dân nơi đây phát triển kinh tế vườn rừng. Là một xã miền núi tuy điều kiện còn gặp rất nhiều khó nhưng từ khi người dân nơi đây biết áp dụng khoa học kỹ thuật, biết phát huy thế mạnh của địa phương xây dựng nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả nên đến nay kinh tế xã nhà dần được khởi sắc. Mở ra một hướng đi mới làm giàu cho đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều, xóa bỏ phong tục tập quán sản xuất lạc hậu độc canh thoát khỏi cái đói, cái nghèo./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=490970&co_id=30179