Trượt đại học, tôi đi làm bảo vệ để chờ làm lại từ đầu (phần 3)

Sau khi nhận được tin báo đỗ đại học, không có chỗ cho việc vui mừng, việc tôi cần làm đầu tiên đó là hoàn thành lời hứa với chú tôi - đưa ông vào Nam thăm bố. Cả chú và bố đều đã mất, tôi đạp xe 1.300km đưa chú đến thăm bố tại Đắk Lắk.

Chiếc xe đạp song hành cùng tôi trong chuyến đạp xe xuyên Việt cùng chú vào thăm ba.

Trước khi chú tôi mất, mùng 2 Tết Giáp Ngọ 2014, tôi vào chúc tết chú. Trong cuộc trò chuyện, chú cháu tôi có hứa với nhau nếu năm nay tôi đỗ đại học, sức khỏe chú tốt, tôi sẽ cùng chú vào Nam "thăm" bố tôi.

Gia đình tôi trong một lần đi du lịch.

Sáng mùng 4 tết, tôi đang ngủ mê ngủ mệt vì hôm qua ôn bài quá khuya, mẹ tôi chạy về gọi: “Hùng ơi! Dậy ngay, dậy ngay, chú Trường Anh mất rồi!”. Tôi không tin vào tai mình, mới đây thôi chú vẫn đến nhà dặn dò hai anh em tôi phải biết yêu thương và giúp đỡ mẹ, không được ăn chơi đua đòi...

Cả đêm hôm ấy, tôi ngủ cạnh quan tài của chú, ngủ cùng người em trai của bố tôi - chú Trường Anh, chú đã đi mà lời hứa của tôi vẫn chưa thực hiện được. Sáng hôm sau, vì chú tôi không có con trai nên tôi thay các em đội khăn tang đi lùi đưa chú ra nghĩa trang.

Chú tôi đã mất nhưng lời hứa vẫn còn, tôi cần phải thực hiện lời hứa đó. Không muốn làm một người thất tín nên những ngày sau đó, tôi lao vào học, ánh đèn và con chữ đã soi sáng tâm hồn tôi, dìu dắt tôi đi qua những năm tháng tăm tối nhất của cuộc đời.

Bởi thế mà khi nhận được tin báo đỗ đại học, việc tôi cần làm đầu tiên là hoàn thành lời hứa của mình. 10 ngày sau khi đỗ đại học, tôi vẫn rửa bát để nhận tròn một tháng tiền lương (2.000.000 đồng). Tôi mang theo số tiền đó, tiếp tục đạp xe về quê. Ngày 13.8.2014 mẹ ốm, tôi ở nhà chăm sóc mẹ đến hết 14.8, ngày lễ Vu Lan của tôi đã trôi qua như vậy.

Hành trình cùng chú vào thăm ba của tôi do vậy bắt đầu vào ngày 15.8. Điểm khởi đầu của chuyến đi là quán hoa của mẹ, nơi mẹ ngủ gần 20 năm ngoài vỉa hè để nuôi hai anh em tôi.

Ngày đầu tiên, từ Hưng Hà (Thái Bình) đến TP. Thanh Hóa, tôi đạp được 130km. Nhìn thấy lá cờ sau lưng tôi phấp phới: “Hoàng Sa, Trường Sa trong trái tim tôi – Xuyên Việt” đang dừng đèn đỏ ở khu vực Quảng trường Lê Lợi, một người trung tuổi khoảng độ 40, chạy xe máy tiến sát gần tôi. Sau khi hỏi han về chuyến đi của tôi, anh có nhã ý mời tôi về nhà ăn cơm và ngủ lại.

Tôi ở Quảng trường Lê Lợi trong chuyến hành trình đạp xe xuyên Việt ngày đầu tiên.

Buổi tối hôm đó, một người tôi không hề quen biết, sau khi ăn cơm anh đã dẫn tôi đi thăm Quảng trường Lê Lợi, Cầu Hàm Rồng... những địa danh gắn liền với mảnh đất Thanh Hóa anh hùng. Rất nhiều tâm tư nên khi trở về, trước khi đi ngủ tôi có hỏi anh: “Anh ơi, anh dẫn một người không quen biết vào nhà như em, anh có sợ không?”, anh không nói mà chỉ mỉm cười thật tươi và chúc tôi ngủ ngon.

Tôi đã kết thúc một ngày dài như thế ấy. Tôi, ngoài tấm chứng minh thư mang theo người, không ai có thể biết tôi đã từng là một đứa trẻ ăn trộm tiền của mẹ đi chơi game, một cậu học sinh suốt ngày chơi bi, thả diều và lười học... Vậy mà anh, đã tin tưởng tôi, không những cho tôi ăn mà còn cho tôi ngủ nhờ; anh không tin tôi có thể là một người xấu, lấy tài sản và làm hại gia đình anh.

Hóa ra những điều tôi được học trước đó là có thật, “Chiếc lá cuối cùng” (O. Henry), “Cô bé bán diêm” (Andersen)... là có thật. Đó không phải là sự tưởng tượng, mà mọi điều tốt đẹp trong cuộc đời này đều tồn tại nếu tôi luôn tin tưởng và luôn hành động để biến nó thành sự thật.

Câu chuyện sẽ được tiếp tục vào phần sau.

Trường Hùng

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/truot-dai-hoc-toi-di-lam-bao-ve-de-cho-lam-lai-tu-dau-phan-3-625751.ldo