Truy nguồn gốc để thu hồi căn nhà 400 tỷ đồng của Phan Sào Nam nhờ dì ruột đứng tên

Phan Sào Nam - Chủ tịch HÐQT công ty VTC online, trùm đường dây đánh bạc đã bị bắt - có căn nhà mặt tiền ngay trung tâm TPHCM với giá hàng trăm tỷ đồng. Căn nhà này vẫn có thể thu hồi để phục vụ công tác điều tra, cho dù người đứng tên không phải là Phan Sào Nam.

Căn nhà trị giá 400 tỷ của Phan Sào Nam nhờ dì ruột đứng tên.

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Phú Thọ, bước đầu cơ quan điều tra xác định tài sản của Phan Sào Nam gồm: 5 ôtô, 800 tỷ đồng, 5 tài khoản tổng số tiền hơn 76 tỷ đồng, một số bất động sản tại TP Hồ Chí Minh, trong đó có căn nhà mặt tiền có diện tích gần 900m2 ở đường Lê Quí Đôn, quận 3. Căn nhà này, được Phan Sào Nam nhờ dì ruột đứng tên mua từ nguồn tiền hoạt động tổ chức đánh bạc qua mạng.

Khi còn thời “hoàng kim”, Phan Sào Nam đã chuyển cho dì ruột 270 tỷ để nhờ mua căn nhà này. Theo giới kinh doanh bất động sản, hiện căn nhà có giá trị không dưới 400 tỷ đồng.

Căn nhà này đang cho một doanh nghiệp thuê kinh doanh nhà hàng với giá thuê khoảng 100 triệu/tháng.

Từ nguồn thu bất chính từ hoạt động tổ chức đánh bạc qua mạng, ông trùm Phan Sào Nam đã nhờ dì ruột là Phan Thu Hương (sinh năm 1961, ở Hà Nội) mua nhiều bất động sản để hợp thức hóa một phần thu nhập từ hoạt động tổ chức đánh bạc. Khu đất mặt tiền ở số 45 Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM là một trong những tài sản được hình thành từ phạm tội mà có, do vậy theo quy định pháp luật cần phải được thu hồi.

Trao đổi với PV báo Lao Động, luật sư Trương Thị Hòa - Đoàn Luật sư TPHCM - cho biết, trên giấy tờ pháp lý, căn nhà trên không phải Phan Sào Nam đứng tên mà nhờ dì ruột đứng tên. Như vậy, xét về lý, căn nhà nhà này thuộc quyền sở hữu của dì ruột Nam.

Đối tượng Phan Sào Nam - trùm đường dây đánh bạc 10.000 tỷ đồng đã bị bắt.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra sẽ có trách nhiệm điều tra làm rõ căn nhà này được hình thành từ nguồn tiền nào. Nếu được hình thành từ nguồn tiền hoạt động phi pháp đánh bạc của Phan Sào Nam, cơ quan chức năng vẫn được phép thu hồi cho dù người đứng tên không phải là đối tượng Nam.

Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TPHCM - phân tích: Trong các vụ án, một khi tài sản của đối tượng phạm tội được chuyển cho người khác đứng tên thì sẽ gây khó khăn hơn cho công tác điều tra của các cơ quan chức năng.

Theo quy định của pháp luật, những tài sản phi pháp dạng này đều thuộc diện buộc phải thu hồi. Do vậy, các cơ quan chức năng liên quan sẽ điều tra đến tận gốc căn nhà của dì ruột Phan Sào Nam đứng tên có phải được hình thành từ nguồn tiền của Phan Sào Nam chuyển mua không. Sau khi điều tra, nếu căn nhà này thực chất là tài sản của Phan Sào Nam thì các cơ quan chức năng đủ cơ sở pháp lý để thu hồi.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu trao đổi với PV báo Lao Động.

Một thẩm phán Tòa án Nhân dân cấp cao tại TPHCM cho hay, nhiều đối tượng trong các vụ án kinh tế, đánh bạc, tham nhũng,... thường chuyển tài sản của mình cho người khác đứng tên. Tuy nhiên, khi xét xử, tòa sẽ yêu cầu cơ quan điều tra, viện kiểm sát làm rõ số tiền các đối tượng phạm tội mà có để tòa ra phán quyết. Sau khi bản án có hiệu lực, Cục thi hành án sẽ truy thu đủ nguồn tiền phi pháp này cho dù các đối tượng tẩu tán dưới bất kỳ hình thức nào.

Được biết, tài sản phi pháp của Phan Sào Nam không chỉ phân tán trong nước mà cả phát tán ra nước ngoài. Hiện Bộ Công an đang phối hợp với VKSND Tối cao thành lập một chuyên án phối hợp với Cảnh sát quốc tế (Inerpol) tại Singapore để thu hồi số tiền 3,5 triệu USD cùa Phan Sào Nam đã chuyển vào nước này.

Huân Cao

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phap-luat/truy-nguon-goc-de-thu-hoi-can-nha-400-ty-dong-cua-phan-sao-nam-nho-di-ruot-dung-ten-630901.ldo