Truy số tiền 'thất lạc' trong 6,7 tỷ đồng bồi thường oan sai cho cụ Trần Văn Thêm

Trong số tiền 6,7 tỷ đồng được bồi thường oan sai, cụ Trần Văn Thêm đã tự nguyện chia cho người ủy quyền 40% giá trị số tiền được bồi thường để làm từ thiện và chia cho con cháu.

Công an huyện Yên Phong (Bắc Ninh) đang làm rõ nội dung tố cáo của ông ông Trần Văn Sáu (trú tại xã Yên Phụ, huyện Yên Phong) liên quan đến những lùm xùm xung quanh khoản tiền bồi thường oan sai của cha mình là người tù oan sai Trần Văn Thêm.

Cụ Trần Văn Thêm lên tiếng về số tiền bồi thường oan sai 6,7 tỷ đồng

Trong đơn tố cáo, ông Sáu cho biết TAND Cấp cao tại Hà Nội chấp nhận bồi thường cho cụ Thêm số tiền 6,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi đi lấy tiền về đến nhà, cụ Thêm chỉ còn 4 sổ tiết kiệm với tổng trị giá 2 tỷ đồng và 100 triệu tiền mặt. Sự việc đang gây xôn xao dư luận.

Là người bị ông Sáu nêu trong đơn tố cáo chiếm đoạt số tiền bồi thường của cụ Thêm, mới đây, tại biên bản làm việc ngày 13/7/2019, ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Giám đốc công ty luật Hòa Lợi (Hà Nội) được cụ Thêm có giấy ủy quyền trong việc giải quyết bồi thường oan sai khẳng định:

“Sau 03 ngày Tòa án cấp cao chuyển tiền bồi thường của cụ Thêm vào tài khoản cá nhân của tôi theo ủy quyền, tôi đã cùng cụ Thêm và 1 người cháu của cụ là anh Trần Văn Được (người trực tiếp đưa cụ Thêm đi kêu oan nhiều năm) đến Ngân hàng Agribank Bình Phú – Thạch Thất để rút toàn bộ số tiền giao cho cụ Thêm, trước sự chứng kiến của anh Được. Cùng lúc đó, cụ đứng ra lập 6 sổ tiết kiệm tiền gửi tại ngân hàng, mỗi sổ 500 triệu đồng. Sau đó, cả 3 người chúng tôi về phòng công chứng quốc dân Thạch Thất để xác nhận việc giao tiền”.

Ông Hòa nói rõ thêm, Tại trường THPT Phan Huy Chú – Thạch Thất, cụ Thêm đã giao cho ông này 1 sổ tiết kiệm để đề phòng trường hợp phải nộp thuế thu nhập và 2,6 tỷ đồng như thỏa thuận trong giấy ủy quyền ngày 10/8/2016.

Cụ thể, trong giấy ủy quyền của cụ Trần Văn Thêm ngày 10/8/2016 nêu rõ: “Tôi tự nguyện ủy quyền cho ông Hòa được thay tôi sử dụng 40% giá trị số tiền được bồi thường để làm từ thiện giúp cho những người tàn tật có hoàn cảnh khó khăn và bị oan sai như tôi. 60% giá trị còn lại, ông Hòa đem về cho tôi và các con tôi, kể cả trong trường hợp tôi đã qua đời”.

Ngoài ra, cụ Thêm còn cho anh Được số tiền 200 triệu đồng có sự chứng kiến của ông Hòa (không lập giấy). Số tiền còn lại cùng với 05 sổ tiết kiệm, cụ Thêm và anh Được đi ô tô mang về Yên Phong – Bắc Ninh. Đến thời điểm hiện tại, ông Hòa cho rằng mình đã làm tròn trách nhiệm với cụ Thêm trong việc đề nghị giải quyết minh oan, đòi bồi thường và giao trả tiền bồi thường cho cụ, có sự chứng kiến của anh Được và xác nhận của phòng công chứng.

Nói thêm về 01 sổ tiết kiệm trị giá 500 triệu đồng cụ Thêm gửi ông Hòa, ông Hòa cho biết: Theo giấy ủy quyền lập ngày 03/07/2019, cụ Trần Văn Thêm cho cháu đích tôn là Trần Tuệ Lâm sổ tiết kiệm số mà cụ Thêm gửi ông Hòa. Ông Hòa sẽ chờ cụ lên nhận thì sẽ giao trả lại sổ cho cụ. Về việc này, cháu của cụ Thêm là anh Lâm cũng đã nhất trí.

Là người trong cuộc, anh Trần Văn Được cho biết về số tiền còn lại: “Sau khi cùng cụ Thêm mang tiền từ trường THPT Phan Huy Chú về đến thị xã Từ Sơn – Bắc Ninh, tôi cùng cụ Thêm vào rút 1 sổ tiết kiệm 500 triệu đồng. Cùng với số tiền mặt mang về, cụ Thêm cho tôi 1.150.000.000 đồng. Như vậy, tổng số tiền cụ cho tôi tại trường và trên đường về là 1.350.000.000 đồng, tương đương với 20% giá trị tổng số tiền được bồi thường mà cụ đã thỏa thuận với tôi bằng giấy viết tay. Việc này cả gia đình và các con cháu cụ đều biết”.

Cụ Trần Văn Thêm cũng đã trả lời, quá trình nhận tiền bồi thường oan sai, cụ có thỏa thuận với ông Nguyễn Văn Hòa sẽ chia 40% số tiền được bồi thường để trả công. Với số tiền này, cụ Thêm đã làm 6 sổ tiết kiệm (trị giá mỗi sổ 500 triệu đồng), còn lại là tiền mặt, cụ cũng đã chia cho con cháu.

Tư Viễn

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/truy-so-tien-that-lac-trong-67-ty-dong-boi-thuong-oan-sai-cho-cu-tran-van-them-a441774.html