'Truy tìm tung tích ảo' - Phim 1 triệu USD về mạng xã hội nguy hiểm

Bộ phim sáng tạo của đạo diễn trẻ Aneesh Chaganty rất thành công trong việc mang đến lời cảnh báo về những nguy hiểm tiềm ẩn nhắm đến giới trẻ trên mạng xã hội.

Trailer bộ phim 'Searching' Tác phẩm giật gân được kể qua màn hình điện thoại, máy tính, camera an ninh... khi một người cha đi tìm kiếm cô con gái bị mất tích.

Thể loại: Tâm lý, kịch tính
Đạo diễn: Aneesh Chaganty
Diễn viên chính: John Cho, Michelle La, Debra Messing
Zing.vn đánh giá: 8/10

Searching vốn ra mắt khán giả Bắc Mỹ từ cuối mùa hè và đón nhận vô số lời ngợi khen từ báo chí, khán giả quốc tế.

Searching lấy bối cảnh tại thành phố San Jose, bang California, Mỹ. Sau khi người vợ Pamela (Sara Sohn) qua đời vì bạo bệnh, David Kim (John Cho) phải một mình nuôi dưỡng cô con gái Margot (Michelle La) nên người.

Một ngày nọ, Margot xin phép bố cho phép mình ở lại qua đêm tại nhà bạn để làm bài tập nhóm. Nhưng cho đến suốt ngày hôm sau, cô bé không hề trở về nhà, và dường như cũng không tới trường.

Tin rằng con gái mình đã mất tích và có thể đang gặp nguy hiểm, David quyết định cầu cứu lực lượng cảnh sát khu vực để tìm kiếm Margot. Song, mọi nỗ lực của người cha hay nữ thanh tra tận tụy Rosemary Vick (Debra Messing) dường như đều bế tắc.

Không chịu đầu hàng số phận, người cha đơn thân quyết tâm tự truy lùng tung tích cô con gái yêu dựa trên những thông tin mà anh thu thập được trên các trang mạng xã hội mà Margot từng tham gia.

Lối dựng phim độc đáo, ấn tượng

Điểm thú vị nhất của bộ phim chỉ tiêu tốn đúng 1 triệu USD để sản xuất vì toàn bộ cảnh quay trong Searching đều diễn ra trên màn hình máy tính mà nhân vật David Kim sử dụng.

Tác phẩm vẫn có sự hiện hữu của ngoại cảnh nhằm giới thiệu cho người xem bối cảnh, hay thậm chí là cảnh đẹp của San Jose. Tuy nhiên, tất cả đều chỉ là ảnh chụp hoặc video nghiệp dư quay bằng điện thoại.

Toàn bộ cảnh quay trong phim đều diễn ra trên màn hình vi tính.

Lối dựng phim thể hiện dụng ý nghệ thuật rất rõ ràng: khi tầm nhìn bị đóng khung và thu hẹp, người xem buộc phải chú ý đến tiểu tiết. Không chỉ David Kim, khán giả cũng như bị thôi thúc phải động não để tìm ra chân tướng vụ việc.

Thực chất, góc nhìn thông qua màn hình vi tính từng xuất hiện trong phim kinh dị Unfriended (2014). Nhưng đến Searching, phong cách được đẩy lên tầm cao mới. Cả UnfriendedSearching đều khai thác chủ đề mạng xã hội, nhưng nếu phim đầu chỉ tập trung phần hù dọa, thì tựa phim mới lại khơi gợi nên nhiều cảm xúc khác nhau.

Đó có thể là những khoảnh khắc ấm lòng khi David Kim trân trọng xem lại ảnh chụp của hai cha con cùng người vợ quá cố, hoặc cũng có khi là phân đoạn hài hước về sự “mù công nghệ” của David.

Phim cũng khắc họa về nỗi sợ có thể trở thành sự thật bất cứ lúc nào của các bậc phụ huynh, còn người trẻ thì lại thường phớt lờ. Đó là trong lúc truy cập mạng xã hội và kết thân với “bạn ảo”, giới trẻ có thể vô tình tự chuốc họa vào thân. Ngoài đời thực, rất nhiều cá nhân đã lợi dụng mạng xã hội làm phương tiện để lừa đảo.

Aneesh Chaganty chỉ đạo John Cho trên trường quay Searching.

Có thể thấy, Searching thành công trong việc pha trộn hai thể loại tưởng chừng không liên quan là gia đình và giật gân. Sự tinh tế và chỉn chu trong từng khung hình, qua việc sử dụng nhiều hình ảnh thay cho lời thoại, giúp tạo nên một kịch bản hấp dẫn.

Khi nhìn lại chân dung của đạo diễn Aneesh Chaganty, người yêu điện ảnh phải ngả mũ thán phục khi anh còn rất trẻ (sinh năm 1991), và Searching mới là dự án điện ảnh đầu tiên của anh.

Tìm con sẽ rất gian nan, nếu không phải là… Liam Neeson

Mô-típ đi tìm con gái bị mất tích hoặc bắt cóc từng xuất hiện và trở nên quen thuộc qua loạt phim hành động Taken. Nên từ trước khi ra mắt, Searching được gọi vui là “phiên bản số hóa của Taken”. Thậm chí, có fan còn đùa rằng nếu cô gái trong phim là con của Bryan Mills (Liam Neeson), phim có lẽ sẽ chỉ kéo dài 5 phút.

Nhưng thay vì là người hùng có kỹ năng chiến đấu điêu luyện cùng vô số ngón nghề sát thủ như Bryan Mills, David Kim chỉ là một ông bố bình thường. Do đó, quá trình truy lùng tung tích Margot của anh trải qua rất nhiều khó khăn, nhiều lúc tưởng như không thể thành công.

Vì con cái, các bậc phụ huynh sẽ sẵn sàng làm tất cả.

Song, sự “yếu đuối” của David Kim giúp làm nổi bật lên sự thật không thể phủ nhận rằng tình yêu thương con cái có thể giúp bậc cha mẹ mạnh mẽ hơn gấp bội. Tuy không rành về công nghệ, nhưng Kim vẫn nhẫn nại thu thập mọi thông tin và các mối quan hệ của Margot thông qua chiếc máy vi tính do cô bé để lại.

Người xem sẽ phải ngạc nhiên và thán phục trước sự kiên trì và các suy luận của David nhằm truy cập vào các trang cá nhân của con gái anh.

Dù không có lấy một phân cảnh hành động, Searching vẫn cuốn hút người xem bằng một kịch bản nhiều nút thắt. Song, việc David Kim tìm ra các đầu mối cũng như chân tướng kẻ đứng đằng sau tất cả có thể chưa làm hài lòng khán giả khó tính, bởi hành trình của anh vẫn còn quá nhiều điều may mắn, thuận lợi.

Trong giai đoạn “trỗi dậy” của các mạng xã hội, Searching giống như lời cảnh tỉnh đầy tinh tế và không hề giáo điều dành cho khán giả trẻ. Trên hết, tác phẩm còn lồng ghép thông điệp giàu tính nhân văn về tình thân gia đình, cũng như những bất cập sinh ra từ khoảng cách thế hệ.

Phim đang được trình chiếu trên toàn quốc dưới tựa Truy tìm tung tích ảo.

Phúc Nguyễn
Ảnh: Sony

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/truy-tim-tung-tich-ao-phim-1-trieu-usd-ve-mang-xa-hoi-nguy-hiem-post896426.html