Truy tố vụ sản xuất 9,5 triệu cuốn sách giáo khoa giả

Ông Trần Hùng, cựu tổ trưởng tổ 304 Tổng cục Quản lý thị trường, bị cáo buộc nhận hối lộ 300 triệu đồng.

VKSND Tối cao mới đây đã hoàn tất cáo trạng truy tố vụ án liên quan đến đường dây sản xuất sách giáo khoa (SGK) giả có quy mô cực lớn.

Sản xuất 9,5 triệu cuốn SGK giả

Trong 34 bị can, ông Trần Hùng (cựu tổ trưởng tổ 304, nay là tổ 1444 Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT)) bị truy tố tội nhận hối lộ, Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) tội môi giới hối lộ.

Bị can Trần Hùng. Ảnh: CACC

Bị can Trần Hùng. Ảnh: CACC

Ba cựu cán bộ QLTT bị truy tố tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gồm: Lê Việt Phương (cựu phó đội trưởng), Phạm Ngọc Hải và Thành Thị Đông Phương (đều là cựu kiểm soát viên Đội QLTT số 17, Hà Nội).

29 bị can còn lại bị truy tố tội sản xuất, buôn bán hàng giả, trong đó có Cao Thị Minh Thuận (giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát), Nguyễn Mạnh Hà (phó giám đốc Công ty CP In và văn hóa truyền thông Hà Nội)…

Theo cáo trạng, từ đầu năm đến tháng 6-2021, Thuận cùng đồng phạm sản xuất, nhập kho tổng cộng gần 9,5 triệu cuốn SGK giả với tổng giá trị hơn 260 tỉ đồng. Các bị can đã tiêu thụ hơn 6,3 triệu cuốn, thu lời bất chính hơn 30 tỉ đồng.

Cơ quan tố tụng xác định Thuận là người chủ mưu, cầm đầu, điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất, buôn bán SGK giả tại Công ty Phú Hưng Phát.

Quá trình điều tra, Nguyễn Duy Hải nhận tội, ngược lại ông Hùng không thừa nhận hành vi. Tuy nhiên, VKS khẳng định có đủ cơ sở kết luận cựu tổ trưởng tổ 304 nhận 300 triệu đồng của Thuận thông qua Duy Hải, sau đó hướng dẫn Thuận thay đổi lời khai, đồng thời chỉ đạo tạo điều kiện xử lý vụ việc của Công ty Phú Hưng Phát theo hướng vi phạm hành chính.

Điều này căn cứ vào lời khai của Duy Hải, Thuận, một số người liên quan; biên bản đối chất giữa ông Hùng với Duy Hải và Thuận; sơ đồ xác định vị trí đưa tiền do Duy Hải vẽ; các dữ liệu điện tử trích xuất từ điện thoại của ông Hùng; cũng như kết quả thu giữ điện tín.

“Thực tế vụ việc đã không được chuyển cho cơ quan điều tra để xử lý theo thẩm quyền mà xử lý hành chính. Do vậy lời khai của Trần Hùng không có cơ sở chấp nhận” - VKS kết luận.

Đối với Thuận và Hà, hành vi của hai bị can này có dấu hiệu phạm tội đưa hối lộ và môi giới hối lộ nhưng do đã chủ động khai báo nên được miễn trách nhiệm hình sự.

Từ đầu năm đến tháng 6-2021, Thuận cùng đồng phạm sản xuất, nhập kho tổng cộng gần 9,5 triệu cuốn SGK giả với tổng giá trị hơn 260 tỉ đồng.

Nhận tiền để “bảo kê” sách lậu?

Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng phát hiện hồi tháng 7-2020, Công ty Phú Hưng Phát từng bị Đội QLTT số 17 kiểm tra, thu giữ hơn 27.300 cuốn SGK giả. Biết ông Trần Hùng là người trực tiếp chỉ đạo, Thuận nhắn tin, gọi điện thoại nhờ giúp đỡ, xử lý nhẹ vụ việc.

“Trần Hùng nói đồng ý tha với yêu cầu Thuận phải chỉ ra một số cơ sở in sách lậu” - cáo trạng nêu. Thuận bàn bạc, thống nhất với Nguyễn Mạnh Hà sẽ chi 400 triệu đồng cho ông Hùng. Người được “gửi gắm” chuyển tiền là Nguyễn Duy Hải.

Ngày 14-7-2020, Duy Hải đến gặp ông Hùng, đặt vấn đề. “Trần Hùng đã hướng dẫn Hải bảo với Thuận phải thay đổi lời khai về nguồn gốc số sách Thuận mua bị thu giữ thành sách của người khác mang đến ký gửi” - cáo trạng viết.

Sáng 15-7, Hải cầm 300 triệu đồng do Thuận đưa, đựng trong túi nylon màu đen, đến phòng làm việc của ông Hùng. Tại đây, Hải nói Thuận đưa trước 300 triệu đồng, đồng thời đưa túi tiền cho ông Hùng nhưng ông nói cất đi.

Tiếp đó, Hải gọi điện thoại cho Thuận, rồi đưa máy cho ông Hùng. “Khi nói chuyện, Trần Hùng tiếp tục hướng dẫn Thuận viết lại bản giải trình thay đổi lời tường trình về nguồn gốc số sách bị thu giữ do người khác gửi” - VKS cáo buộc.

Một lát sau, ông Hùng nói có việc bận, bảo hai cán bộ QLTT đưa Hải đi ăn cơm. Khi đi ăn, Hải vẫn cầm theo túi tiền. Đầu giờ chiều, Hải đi cùng hai cán bộ QLTT nêu trên quay lại Tổng cục QLTT. Hải đi lên phòng làm việc của ông Hùng tại tầng ba, đưa cho ông Hùng số tiền 300 triệu đồng.

Cũng theo cáo trạng, vụ việc vi phạm của Công ty Phú Hưng Phát vào tháng 7-2020 có đủ dấu hiệu chuyển cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền. Tuy nhiên, bị can Lê Việt Phương đã chỉ đạo Đông Phương xây dựng hồ sơ, báo cáo đề xuất xử lý hành chính vụ việc theo ý kiến của ông Trần Hùng và nhận 310 triệu đồng tiền “cám ơn” của Thuận.

Bị can Phạm Ngọc Hải được giao nhiệm vụ chủ trì tiêu hủy số sách lậu nhưng đã làm trái công vụ, tự ý trả lại một phần số sách thu giữ và nhận 30 triệu đồng từ Hà.

Hành vi của các bị can đã làm trái công vụ, dẫn đến hậu quả vụ việc vi phạm có dấu hiệu hình sự nhưng chỉ bị xử lý hành chính, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của lực lượng QLTT.

Trước khi giữ chức vụ tổ trưởng tổ 304, ông Trần Hùng từng là phó chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389), phó cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương).

Quá trình công tác, ông Hùng được biết đến với nhiều phát ngôn gây chú ý liên quan đến vụ phân bón giả của Công ty Thuận Phong. Ông từng nói rằng “có người muốn mua tôi 5-10 tỉ đồng để bỏ qua vụ việc”.

Năm 2019, ông Hùng bị Bộ Công Thương phê bình và yêu cầu rút kinh nghiệm sâu sắc trong vụ việc liên quan đến Công ty CP Con Cưng.

TUYẾN PHAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/truy-to-vu-san-xuat-95-trieu-cuon-sach-giao-khoa-gia-post698438.html