Truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa: Những thách thức cần phải tháo gỡ

Truy xuất nguồn gốc đã được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, hoạt động này còn mang tính khép kín, chưa thống nhất do tem truy xuất chưa thống nhất về nội dung, hình thức…

Trong bối cảnh hội nhập, doanh nghiệp Việt có những cơ hội nhưng cũng đầy trở ngại khi tiếp cận thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước bởi sự xuất hiện của sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Bên cạnh đó, thị trường quốc tế ngày càng khắt khe với các sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam. Để hàng xuất khẩu có thể mở rộng thị trường, đặt chân đến những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… đặc biệt là nông sản cần đảm bảo yêu cầu, quy định đưa ra từ phía nước nhập khẩu, trong đó có vấn đề truy xuất nguồn gốc (TXNG).

Tại Việt Nam, thực trạng tem truy xuất QR code chưa được chuẩn hóa về nội dung và hình thức, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc chưa được thực hiện thống nhất, bài bản và có hệ thống gây nên những hoài nghi về tính chất và hiệu quả của các hệ thống truy xuất nguồn trên thị trường.

Để hiểu rõ hơn về việc tại sao phải TXNG, thực trạng và thách thức của doanh nghiệp Việt, cùng lắng nghe chia sẻ của bà Nguyễn Thị Mai Hương, Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn Hợp quy (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ KH&CN)

Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn Hợp quy (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ KH&CN)

Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn Hợp quy (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ KH&CN)

Tại Việt Nam TXNG là hoạt động còn khá mới, thưa bà Hương TXNG được các quốc gia trên thế giới triển khai từ khi nào và vì sao phải TXNG cho sản phẩm hàng hóa?

TXNG được các quốc gia trên thế giới triển khai từ lâu rồi. Ví dụ, ở Mỹ năm 2002, Luật chống khủng bố sinh học đã quy định về lưu trữ, hồ sơ truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Hay ở châu Âu, năm 2005, yêu cầu các nước thành viên trong EU phải thực hiện TXNG. Ở Úc, năm 2017 đã bắt đầu thực hiện hoạt động TXNG với sản phẩm, hàng hóa (SPHH); ở Nhật, 2005, bắt đầu thực hiện hệ thống TXNG ở thịt bò…

Có 3 lý do để thực hiện TXNG. Thứ nhất, đây là chìa khóa để tạo niềm tin cho khách hàng. Vì người tiêu dùng muốn thông tin về SPHH phải minh bạch, chống gian lận thương mại.

Thứ hai, TXNG là xu thế thị trường, giúp các bên liên quan truy cập thông tin chính xác, thuận lợi nhất.

Thứ ba, TXNG là chìa khóa để thâm nhập vào những thị trường khó tính.

Bà đánh giá như thế nào về thực trạng hiện nay nhiều cơ sở sử dụng tem TXNG nhưng thực tế chỉ cung cấp những thông tin rất đơn giản. Theo bà, quy trình để thực hiện TXNG theo đúng tiêu chuẩn sẽ được thực hiện như thế nào?

Ở VN, hoạt động TXNG đã được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau, ví dụ: ISO 9000, ISO 22005… Tuy nhiên, hoạt động TXNG còn mang tính khép kín, chưa thống nhất và “loạn tem”…

Nguyên nhân do tem truy xuất chưa thống nhất về nội dung, hình thức; sự truy xuất mới chỉ là mã nội bộ, chỉ có khả năng truy xuất trong hệ thống đơn vị đó, chưa có tính mở để kết nối với bên ngoài. Cuối cùng, chưa có quy định về trách nhiệm của các bên liên quan.

Theo tôi, quy trình thực hiện TXNG cần phải thực hiện các bước:

Thứ nhất, cần khảo sát, thu thập thông tin cần TXNG.

Thứ 2, thiết lập thông tin dữ liệu về TXNG

Thứ 3, về đơn vị cung cấp giải pháp thì phải thiết lập hệ thống TXNG, bao gồm: nội dung thiết lập dữ liệu, chức năng lưu giữ, chức năng sử dụng dữ liệu…

Thứ 4, sau khi xây dựng hệ thống TXNG thì phải đào tạo các đơn vị thực hiện theo hệ thống phần mềm.

Thứ 5, đưa vào vận hành thực hành.

Là đơn vị được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì triển khai Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG. Thưa bà Hương, đến nay Đề án này đã được Tổng cục TCĐLCL triển khai như thế nào?

Tổng cục đã tham mưu lãnh đạo bộ kí, ban hành kế hoạch triển khai đề án 100. Kế hoạch tập trung 5 nhiệm vụ giải pháp, cụ thể: hoàn thiện văn bản pháp luật, tài liệu hướng dẫn về TXNG; nghiên cứu, ứng dụng hệ thống TXNG thống nhất trong cả nước; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới để đảm bảo hoạt động TXNG có hiệu quả; thúc đẩy hoạt động hợp tác liên quan đến TNXG và thiết lập xây dựng, vận hành cổng TXNG quốc gia.

Tổng cục đã và đang phối hợp với các công ty giải pháp, nghiên cứu công nghệ mới trong đó có Blockchain, IoT, bigdata… Bên cạnh đó, nghiên cứu để xây dựng cổng TXNG quốc gia, trước mắt là nhóm rau, củ quả… Thời gian sắp tới, quý I/2020, chúng tôi sẽ ban hàng những tiêu chuẩn mới về TXNG.

Trước nhu cầu của thực tiễn, việc xây dựng cơ sở pháp lý cũng như tiêu chuẩn chung cho hoạt động TXNG đã được cơ quan quản lý triển khai như thế nào?

Để quản lý hoạt động TXNG thì phải có văn bản quy phạm pháp luật. Hiện, Tổng cục đã xây dựng thông tư để quản lý hoạt động TXNG. Bên cạnh đó, cũng cần phải rà soát các văn bản quy phạm pháp luật khác, ví dụ: văn bản về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tiêu chuẩn chất lượng…

Bên cạnh đó, Tổng cục cũng thành lập ban kĩ thuật, tiểu ban kĩ thuật hoặc nhóm công tác để xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về TXNG. Hiện chúng tôi cũng đã nghiên cứu về các tiêu chuẩn TXNG của GS1 toàn cầu, để xây dựng tiêu chuẩn đầu tiên đáp ứng ứng yêu cầu chung về TXNG, hội nhập quốc tế…

Ngoài ra, ban kĩ thuật cũng nghiên cứu những bộ tiêu chuẩn khác về năng lực; TXNG về rau quả…

Thảo Nguyên

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/truy-xuat-nguon-goc-xuat-xu-hang-hoa-nhung-thach-thuc-can-phai-thao-go-d165971.html