Truyền cảm hứng bằng lối sống đẹp

Trên mảnh đất mà đào xuống vỉa tầng nào, người ta cũng tìm thấy dấu vết của vô vàn cuộc tranh đấu, để giành và giữ quyền sống, quyền tự quyết cho dân tộc. Để rồi, có nhận định cho rằng, sự nghiệp đấu tranh cho các quyền cơ bản ấy, hay để giải phóng dân tộc này khỏi họa xâm lăng trong thế kỷ XX, vốn đã vượt lên trên ý nghĩa của một cuộc chiến đấu ở một đất nước nhỏ bé. Bởi lẽ, từ cuộc chiến này, những chân lý mới của thời đại mới đã được chứng minh.

Đền thờ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa). Ảnh: l.D

Căn nguyên nào đã giúp dân tộc Việt Nam làm nên những điều được ví như kỳ tích? Phải chăng như ai đó đã nói, Việt Nam là một đất nước chứ không phải một cuộc chiến, với bề dày lịch sử và những bài học, mà ít người chịu bỏ thời gian để học. Hay như lý giải của Larry Berman - tác giả cuốn hồi ký nổi tiếng “X6 - Điệp viên hoàn hảo”, là bởi “lòng yêu nước của người Việt Nam chưa bao giờ là một bí mật, nhưng tất cả những kẻ xâm lược xưa nay đều không tính đến, không đặt thành yếu tố để so sánh lực lượng. Họ không bao giờ rút ra được bài học, cho nên tất cả bọn họ đều thua”!

Con người ta được sinh ra và gắn kết với gia đình, với nơi chôn rau cắt rốn, với bản quán quê hương và rộng hơn là gắn kết với cội nguồn dân tộc mình, bằng vô số sợi dây liên hệ vừa hữu hình, vừa vô hình. Và lòng yêu nước cũng hình thành, thấm dần và thấm sâu vào ý thức, tư tưởng, tình cảm, ý chí, hành động của đa số họ. Dẫu rằng loại tình cảm đặc biệt ấy, vốn không phải “đặc quyền” của riêng dân tộc Việt Nam. Thế nhưng, dường như khi nảy nở và bám sâu vào lòng dân tộc này, nó mới được thấu hiểu và thực hành một cách trọn vẹn nhất, được phát lộ trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất và bằng một niềm tin lớn lao, cùng lòng quả cảm vĩ đại nhất. Lòng yêu nước gọi tên đặc trưng tính cách dân tộc và phẩm giá làm người của mỗi người dân Việt Nam! Có lẽ chiêm nghiệm được điều đó mà một sử gia phương Tây đã phải cảm thán rằng, ở Việt Nam không có người tầm thường và họ đều là những anh hùng trong chiến tranh.

Dẫu vậy, những người từng đi qua hai cuộc chiến, lại chẳng mấy ai tự xưng mình là anh hùng. Khi tôi hỏi chuyện Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Xuân Sinh (phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa), ông không hề nhắc lại những năm tháng chiến đấu, càng không nói đến chiến công của cá nhân mình. Bởi theo ông, dân tộc ta từ khi có Đảng đã tiếp nối truyền thống hào hùng của cha ông, để làm nên nhiều chiến thắng vĩ đại. Và rằng, thắng lợi cuối cùng dân tộc ta là thành quả tất yếu của một dân tộc luôn kiên gan, bền chí chiến đấu và không run sợ trước bất kỳ kẻ thù nào, dù hung hãn nhất. Tâm nguyện của ông là sớm có một tượng đài chiến thắng, sao cho tương xứng với những cống hiến, hy sinh to lớn của quân và dân Thanh Hóa, cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Song, thiết nghĩ, những người từng đi qua hai cuộc chiến khốc liệt và trường kỳ, dù còn hay mất, đều xứng đáng là một “tượng đài chiến thắng”!

Dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình. Bởi vậy, chiến thắng trong cuộc trường chinh thế kỷ, chống lại những tên đế quốc, thực dân sừng sỏ nhất thế kỷ XX, cũng chính là chiến thắng của khát vọng hòa bình. Cái cây hòa bình mà dân tộc ta đã giành, giữ và vun đắp suốt mấy chục năm qua, vốn được ươm mầm từ những mỡ màu bùn đất, của bươn chải nhọc nhằn trộn lẫn trong máu và nước mắt của hàng triệu người con cần lao, bị dập vùi trong nghịch cảnh, nhưng chưa bao giờ đầu hàng số phận.

Họ có thể là những người mà tên tuổi đã tạc vào lịch sử, bằng vô số chiến công. Nhưng họ cũng là những con người chỉ để lại một dòng tên ngắn, dăm chữ về ngày sinh tháng mất và quê hương, trên phần mộ mình. Họ là những liệt sĩ còn chưa xác định danh tính, còn nằm lại nơi rừng sâu vực thẳm, làm bạn với gió núi mây ngàn. Họ là những người đã để lại chiến trường một phần máu thịt, hay suốt phần đời còn lại phải chiến đấu với bệnh tật, với bom đạn còn găm trong thân thể. Họ là những người mẹ, người vợ đã khóc lòa con mắt, đã chịu đựng nỗi đau cắt thịt của kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh. Họ còn là những thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và hàng triệu con người vô danh, nhưng chính họ đã tạc thành tên đất nước.

Cũng vì yêu chuộng hòa bình mà con người ta sẵn sàng tha thứ và hàn gắn, sẵn sàng khép lại quá khứ để sống cho hiện tại và hướng đến tương lai. Thương binh hạng 1/4 Nguyễn Mạnh Hùng (thị trấn Tĩnh Gia, huyện Tĩnh Gia), đã chia sẻ với tôi câu chuyện đầy xúc động của bản thân ông. Rời quân ngũ, “tài sản” theo ông về quê là thương tật và những cơn đau triền miên. Tưởng chừng, cuộc sống khốn khó sẽ ăn mòn hết sức lực và nhuệ khí của người thương binh nặng. Thế nhưng, ông đã chứng minh điều ngược lại, rằng càng trong nghịch cảnh, thì ý chí vượt khó của con người càng trở nên mạnh mẽ. Nhờ ý chí và bản lĩnh được tôi luyện trong chiến trường, ông đã mày mò tự học, tự thực nghiệm và áp dụng thành công nhiều sáng kiến trong trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ đó, kinh tế gia đình ngày càng khá giả và những sáng kiến cùng kinh nghiệm của ông, đã nhận được sự quan tâm từ nhiều cấp, ngành, địa phương.

Với người thương binh ấy, có một phương châm sống đã được ông thực hành gần như trọn vẹn suốt mấy chục năm qua. Đó là thương binh thời hậu chiến “không nên có tư tưởng công thần” và thương binh giữa thời bình “lấy lao động là phương thuốc xoa dịu đau đớn thể xác”! Mỗi thương binh như ông Hùng, ví như cánh chim không mỏi. Họ đã bay lướt qua nỗi đau thể xác, bằng đôi cánh không lành lặn, để truyền cảm hứng cho chúng ta về một lối sống đẹp. Đó là phải sống sao cho có ích với từng giây, từng phút được sống. Đồng thời, tấm gương người thương binh ấy cũng là minh chứng cho một điều minh triết đến giản dị. Đó là mỗi người đều có một năng lực của riêng mình, bất kể người đó lành lặn hay tật nguyền.

Nhiều cựu binh tôi từng được gặp, không ai nói nhiều về quá khứ. Có lẽ với họ, nó đã trở thành một phần máu thịt, một phần tư tưởng, hay một phần cốt cách làm người. Để rồi, dù không nhắc nhớ lại, thì những hồi ức ấy vẫn cứ hiện hữu trong cuộc sống mỗi người. Điều khiến họ trăn trở nhiều hơn là thực tại đời sống và những mối lo toan thường nhật. Với thương binh hạng 3/4 Lê Ngọc Vây (xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh), điều khiến ông luôn băn khoăn là việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công, phải thật sự đúng người và đúng với những đóng góp, hy sinh của họ. Gần 7 năm thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Thanh Hóa đã xác nhận mới cho hàng nghìn trường hợp người có công là cán bộ lão thành cách mạng, liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng...

Mặc dù vậy, vẫn còn những “khoảng lặng” thời hậu chiến, với không ít câu hỏi còn bị “treo” lại, liên quan về giải quyết chính sách cho người có công và thân nhân họ. Đó là những liệt sĩ đã ra đi 30-40 năm vẫn chưa tìm được nơi chôn cất; là tình trạng thực hiện chính sách sai đối tượng, trong khi vẫn còn nhiều người tham gia kháng chiến, nhưng không đủ giấy tờ chứng minh; là những người chịu ảnh hưởng của chất độc hóa học nhưng chưa được hưởng chế độ. Cùng với đó là hệ thống chính sách ưu đãi người có công, mặc dù được xây dựng khá đầy đủ, song công tác quản lý, giám sát việc thực hiện chính sách – có nơi, có lúc - vẫn còn những bất cập... Tất cả những băn khoăn, trăn trở của những cựu binh, đang chờ câu trả lời từ những nhà hoạch định chính sách và quản lý, thực hiện chính sách.

Tương lai được kiến tạo từ sự kết hợp hài hòa giữa quá khứ với hiện tại. Những cựu binh, người có công – bằng tinh thần trách nhiệm và lối sống đẹp – đang góp vào tương lai những hạt giống của mầm thiện, sự tin tưởng vào lẽ công bằng và khát vọng hòa bình vững chắc cho dân tộc.

Chiến tranh đang lùi ngày một xa, để trở thành một phần ký ức hay phần quá khứ của dân tộc. Song, có những con người, những nhân chứng, những số phận đã lấy chính máu xương hay một phần thân thể mình, để trải nghiệm cái đoạn thời gian bất thường ấy, lại chưa bao giờ và không bao giờ trở thành phần ký ức bị quên lãng...

Khôi Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/bao-hang-thang/truyen-cam-hung-bang-loi-song-dep/104879.htm