Truyền dịch khi mệt mỏi, ốm sốt - ẩn họa khôn lường từ sự thiếu hiểu biết

Không biết từ khi nào mà suy nghĩ ốm, sốt, mệt mỏi thì truyền nước, đạm, đường sẽ giúp phục hồi sức khỏe nhanh.

Cái chết của cháu N.G.B. 22 tháng tuổi, ngụ tại thôn Lại Hoàng, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội mới đây do liên quan đến việc truyền dịch khiến nhiều người hết sức bàng hoàng. Khi dư luận còn chưa hết hoang mang thì vụ việc bé 6 tuổi tử vong khi đang truyền dịch tại Bệnh viện Đa khoa Hải Phòng đã thực sự khiến nhiều người đặt câu hỏi về việc truyền dịch cho trẻ cũng như người lớn khi ốm đau, mệt mỏi.

Trên thực tế không ít người đã và đang sử dụng biện pháp truyền dịch tại nhà như một “cứu cánh” mỗi khi ốm, sốt hoặc cơ thể mệt mỏi. Không hiểu biết, không chuyên môn, không rõ khả năng đáp ứng của cơ thể… khiến cho phương pháp truyền dịch trở thành sự đe dọa sức khỏe, tính mạng người sử dụng.

Truyền dịch nhất thiết phải có chỉ định của bác sĩ. Ảnh: SKĐS

Bệnh nhân “chỉ định” để được truyền dịch mỗi khi ốm, sốt, mệt

Nguyên nhân của sự việc trên vẫn đang chờ các cơ quan chức năng điều tra làm rõ, và trường hợp của bé B. là do bác sĩ chỉ định. Tuy nhiên, đã có nhiều bài học đắt giá cho việc người dân thường có thói quen, cứ ốm, sốt là tự ý truyền dịch, thậm chí có người còn “yêu cầu” nhân viên y tế cho truyền dịch để nhanh khỏe.

Một bác sĩ công tác tại trạm y tế thuộc Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, ông rất hay được bệnh nhân mỗi khi ốm, sốt đến trạm y tế, thậm chí đến nhà xin được “truyền nước, truyền hoa quả, truyền đạm” để nhanh khỏe. Ông đã giải thích, tuy nhiên do những lần trước đó những bệnh nhân này khi ốm sốt hoặc thậm chí hơi mệt mỏi được truyền dịch thấy khỏi nhanh lại đỡ mệt nên nhiều người đã bỏ ngoài tai.

Mới đây, đầu tháng 10 các bác sĩ BV Việt Nam Thụy Điển, Uông Bí đã phải cấp cứu cho một người phụ nữ 56 tuổi vì bị sốc phản vệ độ III, tiên lượng rất nặng do tự ý ra hiệu thuốc mua nước hoa quả để truyền dịch tại nhà.

Theo như lời kể của bệnh nhân này, trước đây mỗi khi mệt mỏi bà thường ra mua nước hoa quả hoặc gọi nôm na là “chai đạm” và về nhờ cháu có biết chuyên môn về cắm dịch truyền làm giúp. Lần này cũng vậy, nhưng sau cắm kim được khoảng 10 phút, bà thấy trong người khó chịu, mệt mỏi, buồn nôn, rét run. Gia đình vội vàng đưa đến viện. Các bác sĩ cho biết rất may người phụ nữ này đến việc kịp nên đã được các bác sĩ cấp cứu và xử trí kịp thời nếu không không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Quan niệm sai lầm!

PGS.BS. Hoàng Công Đắc, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Medlatec, cho hay dịch truyền có nhiều loại tùy theo tác dụng, trong đó phổ biến là loại cung cấp đường, muối và chất điện giải như glucose 5%, 10%; đạm cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng...

Hiện tượng sốc và tử vong do truyền dịch không phải hiếm. Nguyên nhân phụ thuộc vào việc người bệnh truyền chất gì vào cơ thể, có kèm thuốc hay không. Chẳng hạn, trong trường hợp vừa tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ chỉ định truyền đạm ngay, bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao, thậm chí tức thì.

Bệnh nhân đang mất nước, điện giải, cô đặc máu mà truyền đạm sẽ gây sốc dẫn đến tử vong. Trong trường hợp này, bác sĩ phải truyền nước sinh lý để vận hành cơ thể, đào thải tốt rồi mới truyền đạm hoặc các dịch khác.

Nếu bệnh nhân sốt cao trên nền viêm phổi, truyền nước sẽ làm tràn ngập phổi, gây phù phổi cấp, không thể cứu chữa. Bệnh nhân cao huyết áp, bệnh tim cũng không thể truyền dịch bừa bãi vì nguy cơ tai biến”, PGS Đắc phân tích.

PGS Đắc lo ngại khi nhiều người cho rằng truyền nước giúp cơ thể khỏe hơn hoặc hạ sốt nhanh hơn. Vì vậy, nhiều người dân tự mua nước sinh lý về truyền và dẫn tới tử vong.

Trong tất cả các trường hợp truyền dịch, thầy thuốc phải tiến hành đo huyết áp, nhịp tim, phổi, tìm hiểu cơ địa,… rồi mới truyền dịch.

Đồng quan điểm, TS. Tô Vũ Khương, Chủ nhiệm khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện 103, cũng cảnh báo truyền dịch phải theo chỉ định của bác sĩ để loại trừ các khả năng xảy ra tai biến.

Trong trường hợp bắt buộc phải truyền, bác sĩ cần tính toán kỹ lượng, loại dịch, tốc độ chảy.

Tai biến nguy hiểm nhất người bệnh có thể gặp phải khi truyền dịch là sốc phản vệ do tốc độ truyền quá nhanh, cơ địa bệnh nhân dị ứng với thành phần trong dịch hoặc do nhiễm trùng, chệch ven.

Lúc này toàn thân người bệnh sẽ cảm giác lạnh, rét run, sắc mặt tái nhợt, vã mồ hôi, khó thở, đau ngực và nguy cơ tử vong rất nhanh. Sốc phản vệ có thể xảy ra ngay khi bệnh nhân được chỉ định truyền tại bệnh viện lớn. Nếu xảy ra tại gia đình thì nguy cơ tử vong càng cao hơn vì xử lý chậm.

Khi nào nên truyền dịch?

Theo PGS Hoàng Công Đắc, việc truyền dịch có tác dụng trong các trường hợp bệnh cụ thể.

- Nhóm cung cấp chất dinh dưỡng bao gồm dung dịch glucose các loại 5%, 10%, 20%, 30% và các dung dịch chứa chất đạm, chất béo và vitamin chỉ nên được truyền cho những đối tượng phẫu thuật, suy dinh dưỡng, không ăn được bằng đường miệng, không tiêu hóa được thức ăn…

- Nhóm cung cấp nước, các chất điện giải như dung dịch lactate ringer, natri clorua 0,9%, bicarbonate natri 1,4%... dùng trong trường hợp mất nước, mất máu khi bị tiêu chảy, bỏng, ói mửa, ngộ độc.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, việc tiêm, truyền tại nhà là vô cùng nguy hiểm, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ: Tai biến nặng nhất có thể tử vong do sốc phản vệ, nhiễm trùng máu, quá tải dịch gây phù phổi, suy hô hấp, suy tim. Vì vậy người dân tuyệt không được tự ý tiêm, truyền dịch tại nhà để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Thu Hà t/h

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/met-moi-dau-om-la-truyen-dich-an-hoa-tu-su-thieu-hieu-biet-521662.htm