Truyền dịch xem nhẹ mạng sống

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, liên tiếp 2 ca tử vong do truyền dịch. Đã có nhiều vụ tử vong do sốc phản vệ khi truyền dịch được báo chí phản ánh nhiều trong thời gian qua nhưng người dân vẫn thờ ơ, coi nhẹ mạng sống của mình.

Truyền dịch như con dao 2 lưỡi (ảnh minh họa).

Mệt là... truyền dịch

Giữa tháng 10, bé N.G.B (22 tháng tuổi, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội) tử vong sau khi truyền dịch khoảng 5 phút tại phòng khám tư của bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc (392 đường Ngô Gia Tự, quận Long Biên, Hà Nội). Theo người nhà bệnh nhi, chiều 15.10, cháu có biểu hiện sốt, tiêu chảy.

Đến chiều 16.10, sau khi thấy con uống thuốc không khỏi, bố mẹ cháu B đã đưa cháu đến phòng khám của bà Nguyễn Thị Kim Cúc khám.

Sau khi khám, bà Cúc trực tiếp truyền dịch cho cháu. Sau khoảng 5 phút, thấy con tím tái, có biểu hiện sốc. Sau khi sự việc xảy ra, bác sĩ Cúc chạy từ trên gác xuống, gọi xe cấp cứu đến Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Hà Nội nhưng cháu đã không qua khỏi.

"Cháu B 22 tháng. Chỉ mới đây thời tiết thay đổi, cháu mới bị ốm. Đây là lần đầu tiên cháu phải truyền dịch”, người nhà cháu B cho hay.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, phòng khám của bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc có đủ giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám được phê duyệt gồm sơ cứu, khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh nội khoa thông thường, không làm các thủ thuật chuyên khoa.

Cùng ngày, tại Hải Phòng một bé gái 6 tuổi đã có biểu hiện bị co giật và tử vong sau khi truyền dịch.

Bệnh nhi tử vong tại Bệnh viện Đa khoa quận Lê Chân, Hải Phòng khi đang trong quá trình cấp cứu. Bệnh nhi được người nhà đưa tới nhập viện trong tình trạng người mệt mỏi, mắt trùng, môi khô, đi ngoài và nôn nhiều.

Qua thăm khám cho cháu bé, các bác sĩ chuẩn đoán cháu bị nôn nhiều, ỉa chảy và mất nước nặng nên đã tiến hành truyền bù nước điện giải kết hợp thở ôxy, ủ ấm tại phòng cấp cứu, sau đó chuyển sang phòng lưu bệnh nhân ở bên cạnh. Trước khi tiến hành truyền bù nước điện giải, các bác sĩ đã kiểm tra và xác định nhịp tim của cháu bình thường (110 lần/phút), phổi thông khí kém.

Tuy nhiên, sau khoảng 40 phút truyền bù nước thì cháu H. có biểu hiện bị co giật nên êkip trực đã tiến hành các biện pháp chống sốc, đồng thời gọi cấp cứu 115 để phối hợp cấp cứu nhưng cháu bé đã tử vong trước khi cấp cứu 115 đến nơi.

Trước đó chưa lâu, các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân Vũ Thị Bai (56 tuổi, ở Kinh Môn, Hải Dương) trong người khó chịu, mệt mỏi, buồn nôn, rét run. Bệnh nhân đã tự mua 1 chai dịch và nhờ người truyền hộ. Sau khi cắm kim truyền được khoảng 10 phút, bà Bai thấy trong người có biểu hiện trên. Gia đình vội vàng rút kim truyền và ngay lập tức đưa bà Bai nhập Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh). Bà Bai nhập viện trong tình trạng sốc phản vệ độ III, tiên lượng nặng. Ngay lập tức các bác sĩ bệnh viện đã tiến hành cấp cứu cho người bệnh.

Theo lời kể của gia đình, bà Bai vốn thể trạng hay ốm yếu, thấy vài người mách truyền dịch, truyền nước sẽ nhanh khỏe nên thi thoảng mệt mỏi là bà ra hiệu thuốc mua và về nhờ người truyền nước tại nhà. Lần này, bà Bai tự mua chai dịch màu vàng vì thấy bảo là nước hoa quả gì đó sẽ khỏe nhanh.

Truyền dịch – con dao 2 lưỡi

Truyền dịch là một kỹ thuật y tế đưa một lượng lớn nước và hoạt chất có tác dụng dược lý để tiêm trực tiếp vào mạch máu qua đường tĩnh mạch. Truyền dịch rất cần thiết và là biện pháp cấp cứu trong nhiều trường hợp.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội): Kỹ thuật tiêm truyền phải do nhân viên y tế đã qua đào tạo thực hiện và chỉ được tiến hành tại các cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện cấp cứu đề phòng sốc phản vệ. Việc lạm dụng truyền dịch khi chưa thật sự cần thiết hoặc truyền dịch không đúng quy định đã gây ra nhiều vụ chết người do bị sốc phản vệ không thể cấp cứu.

Tại Việt Nam, việc truyền dịch được diễn ra rất dễ dàng, và tiếp tay cho hội chứng này là các cơ sở y tế tư nhân. Mặc dù Bộ Y tế chỉ cho phép phòng mạch tư truyền dịch trong tình trạng nguy cấp như cấp cứu, tụt huyết áp, ngộ độc… nhưng thực tế, tại nhiều phòng mạch, nhà thuốc, cứ bệnh nhân có yêu cầu là bác sĩ sẵn sàng truyền.

Thậm chí người chỉ học qua sơ cấp để có giấy phép bán thuốc cũng tự tin thực hiện việc truyền dịch. Một số người hành nghề tư nhân vì lợi nhuận nên không tư vấn cho bệnh nhân mà vẫn nhận lời, thậm chí dẫn dụ để bệnh nhân truyền dịch. Bệnh nhân thì không biết hoặc coi nhẹ tính mạng còn thầy thuốc thì phớt lờ thông tin dịch truyền là loại dung dịch hòa tan chứa nhiều chất khác nhau, được xem là thuốc đặc biệt và cần kê đơn nên việc truyền dịch cứ diễn ra.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng phân tích thêm, về nguyên tắc truyền dịch tốt cho sức khỏe nhưng không được phép lạm dụng. Truyền dịch cũng có quy định chặt chẽ. Nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố như thể bệnh, dịch được truyền, liều lượng, tốc độ…

Bệnh nhân mất nước cần bù lượng dịch đã mất ở một số bệnh như tiêu chảy, bệnh nhân bị bỏng nặng, bệnh nhân sốt cao mất nước… Bệnh nhân ăn uống kém, suy kiệt, bệnh nhân sau phẫu thuật tiêu hóa và một số trường hợp đặc biệt có chỉ định của bác sỹ. Mục đích của truyền dịch là để nuôi dưỡng bệnh nhân, bù đủ lượng dịch mà cơ thể đã bị mất để đảm bảo thể tích tuần hoàn duy trì huyết áp và lượng nước trong các mô của cơ thể.

Nếu truyền dịch đúng thì tốt cho sức khỏe nhưng nếu sai nguyên tắc sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Khi sử dụng dịch truyền để truyền cho bệnh nhân trong bất cứ trường hợp nào cũng cần phải lưu ý nguy cơ bệnh nhân có thể bị sốc. Nếu không xử trí kịp thời bệnh nhân có thể tử vong.

Hiện nay đã có nhiều tai biến do dịch truyền gây ra, nhất là khi truyền dịch với mục đích bồi bổ cơ thể, đẹp da, bù nước. Điều cần cảnh báo là truyền dịch tuy là một thủ thuật y tế rất thông dụng, có thể thực hiện tại các trạm y tế, nhưng không an toàn tuyệt đối như nhiều người lầm tưởng. Trái lại, nó có rất nhiều nguy cơ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Không phải ai cũng truyền dịch được và không phải lúc nào truyền dịch cũng là lựa chọn hàng đầu.

Nguy cơ lây nhiễm các bệnh như HIV/AIDS, viêm gan siêu vi B, C là rất cao qua con đường truyền dịch, nếu việc truyền dịch bừa bãi không đúng quy cách, không được vô trùng.

“Cần rất thận trọng đối với bệnh nhân lớn tuổi, có độ lọc thận yếu, bệnh nhân tim mạch hay có bệnh lý về não khi truyền dịch chứa chất điện giải. Việc truyền dịch để hạ sốt trẻ em cần phải cân nhắc kỹ. Trước khi truyền dịch, người bệnh phải khám, làm xét nghiệm, xác định đúng nguyên nhân gây bệnh”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo.

Các tai biến khi truyền dịch có thể xảy ra từ nhẹ đến nặng. Nhẹ thì gây sưng phù, đau tại vùng tiêm truyền. Nặng hơn có thể gây viêm tĩnh mạch nhất là khi truyền các loại nước biển ưu trương. Nhưng một tai biến nguy hiểm có thể đến bất ngờ, đó là phản ứng toàn thân. Lúc đó, bệnh nhân cảm giác rét run, sắc mặt tái nhợt, vã mồ hôi, khó thở, đau ngực. Khi gặp tình huống này, phải được nhân viên y tế có chuyên môn, kinh nghiệm xử trí kịp thời nhằm tránh những diễn tiến nguy hiểm hơn.

Hiện có khoảng trên 20 loại dịch truyền, chia thành ba nhóm cơ bản khác nhau dành cho các đối tượng khác nhau.

- Nhóm cung cấp chất dinh dưỡng dành cho đối tượng phẫu thuật, suy dinh dưỡng, không tiêu hóa được thức ăn bao gồm dung dịch glucose các loại 5%, 10%, 20%, 30% và các dung dịch chứa chất đạm, chất béo và vitamin.

- Nhóm cung cấp nước và các chất điện giải dùng trong trường hợp mất nước, mất máu (tiêu chảy, bỏng, ói mửa, ngộc độc...) như dung dịch lactate ringer, natri clorua 0,9%, bicarbonate natri 1,4%...

- Nhóm đặc biệt như huyết tương tươi, dung dịch chứa albumin, dung dịch dextran, haes-steril, gelofusin hay dung dịch cao phân tử... chỉ dùng trong các trường hợp cần bù nhanh chất albumin hoặc lượng dịch tuần hoàn trong cơ thể.

Chính vì những công dụng đặc biệt của dịch truyền nên trước khi truyền dịch, bạn phải được bác sĩ khám, xét nghiệm và kê đơn.

HÀ LÊ

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/suc-khoe/truyen-dich-xem-nhe-mang-song-637857.ldo