'Truyện Hà Ô Lôi' từ góc nhìn văn hóa

'Truyện Hà Ô Lôi' in trong 'Lĩnh Nam chích quái' (chích có nghĩa nhặt nhạnh, thu nhặt; quái có nghĩa lạ, kỳ lạ. Tên sách có nghĩa là thu nhặt những truyện kỳ lạ ở Lĩnh Nam), tập truyện gồm 23 truyện ra đời từ thế kỷ XV do hai tác giả Vũ Quỳnh và Kiều Phú biên soạn từ truyền thuyết và truyện cổ tích.

Học giả Lê Quý Đôn trong “Kiến văn tiểu lục” cho rằng Trần Thế Pháp là người đầu tiên có công biên soạn. Ngay Vũ Quỳnh trong bài tựa “Lĩnh Nam chích quái” cũng khẳng định sách này “viết ra đầu tiên là những bậc tài cao học rộng ở đời Lý, Trần”.

Về sau nhiều tác giả khác tiếp tục biên soạn, chỉnh lý, bổ sung, như đến thế kỷ XVI Nguyễn Hàng soạn và đổi tên sách thành “Thiên Nam vân lục liệt truyện”, tổng số truyện lên đến 70. Đến thế kỷ XIX, một tác giả khuyết danh đổi thành “Mã Lân dật sử”.

Ngày nay truyện phổ biến nhất vẫn là tập của Vũ Quỳnh và Kiều Phú. Như tên gọi, tập sách là những truyện lạ kỳ mang chứa những trầm tích văn hóa rất cần được đào sâu, cắt nghĩa, phân tích để làm phát lộ những ý nghĩa mới. “Truyện Hà Ô Lôi” là một truyện đặc sắc, mà những truyện hay thường đa nghĩa, nhiều cách hiểu. Bài viết này, dưới góc nhìn văn hóa xin đưa thêm một cách lý giải.

Truyện kể viên quan Đặng Sĩ Doanh đi sứ Trung Quốc để vợ Vũ thị ở nhà. Thần Ma La hóa phép giống y thật Sĩ Doanh mà làm chuyện ân ái chồng vợ. Vũ thị đẻ ra một Ô Lôi đen bóng. Ở “Thiên Nam vân lục liệt truyện” sau này kể còn cụ thể, ly kỳ hơn: “Vũ thị sinh một bọc đen, bọc nở ra một bé trai, da đen như mực, vì thế đặt tên là Ô Lôi.

Vì vị thần đó không có họ, bèn lấy chữ Hà làm họ. Ô Lôi tuy đen nhưng nó nhẵn láng như mỡ”. Hình tượng nở ra từ cái bọc thì là một mã, một môtíp quen thuộc trong truyền thuyết, cổ tích. Kể lại cái quen thuộc, phải chăng đó là một nguyên nhân để tập sách này ít được chú ý…

Tại sao thần có tên gọi Ma La? Mang mã văn hóa gì? Có mấy cách hiểu sau, một là liên quan đến nhân vật Đặng Ma La, đỗ Thám hoa năm 1247 đời Trần quê Tốt Động, Chương Mỹ, Hà Tây (cũ); hai là, theo truyền thuyết thì có người đàn bà ướm bàn chân vào vết chân lạ ở gò La nên có thai mà sinh ra nên đặt tên là Ma La, ý nói do con ma ở gò La sinh ra; ba là, hai chữ Ma La có nguồn gốc từ làng Quán La cổ, nay là xã Xuân La, huyện Từ Liêm (cũ), một làng gốc Chàm…

Tranh minh họa Tạ Huy Long.

Tên nhân vật là Ô Lôi có người giải thích theo nghĩa chữ Hán là Sấm Đen (Ô có nghĩa là đen, Lôi có nghĩa là sấm), có liên quan đến Ấn Độ giáo và Phật giáo. Lại có giải thích Ô là đen, còn Lôi là Lồi, để chỉ một nguồn gốc Chăm pa… Có nhiều ý hiểu khác nhau nhưng thống nhất ở chỗ coi truyện này là sản phẩm của giao lưu tiếp biến văn hóa tôn giáo, bản địa-ngoại lai, là sự kế thừa, tích hợp, bổ sung thêm các mã mới của văn hóa dân gian…

Về nội dung truyện đã có nhiều cách giải thích. Theo chúng tôi, cần đưa truyện này vào hệ mỹ học Nho gia để tìm hiểu. Vì sao vậy? Vì tuy có nguồn gốc truyền thuyết cổ tích nhưng truyện được viết lại dưới ánh sáng của mỹ học nhà Nho và sự thật các tác giả biên soạn đều là các nhà Nho tên tuổi, trừ Trần Thế Pháp có tư liệu ít ỏi nhất, sống khoảng trước thế kỷ XV, hiệu Thức Chi, quê Thạch Thất (Hà Nội ngày nay), còn lại tiểu sử đều rõ ràng và nổi tiếng. Mà mỹ học Nho gia có một đặc trưng là hay châm biếm, mát mẻ sâu cay, hay mượn cái này để mỉa mai cái khác.

Tại sao các nhà Nho không sáng tác truyện mới để phục vụ cho ý đồ nghệ thuật của mình? Vì nằm trong truyền thống “Thuật nhi bất tác” (kể lại chứ không sáng tạo mới) thế nên với họ thì cái gì ở thời quá khứ cũng đều hay, đều tốt, đều chuẩn mực hơn hiện tại. Thơ văn cổ đầy rẫy điển cố, điển tích có một phần từ lý do ấy.

Từ góc nhìn này chúng tôi cho rằng, mục đích chính của truyện là phê phán, lên án chuyện dâm sắc. Cũng cần thấy truyền thống văn học Việt Nam không coi trọng tình yêu nam nữ, mà dễ thấy ít có tình yêu đẹp được miêu tả. Đối tượng chính để cười cợt trong truyện tiếu lâm dân gian là chuyện sinh hoạt trai gái, là những bộ phận sinh dục, là những hành vi tục tĩu…

Ngay mối tình Kim - Kiều của cụ Nguyễn Du đẹp như thế mà vẫn có nhà Nho gọi đó là chuyện “tà dâm”, Kiều là “con đĩ”… Người ta nhìn chuyện tình yêu mang tính tiêu cực là “tiếng dâm” với “hoang dâm”, “tà dâm”, “dâm dục”, “đĩ thõa”… Có một nguyên nhân chính là ý thức hệ Nho giáo chi phối sâu sắc đời sống văn hóa làm người ta nhìn chuyện đó một cách lệch lạc, không đúng với bản chất thiêng liêng. Nhất là ở “Truyền kỳ mạn lục” thì truyện dâm sắc còn bị lên án dữ dội hơn nhiều.

Nhân vật “nghịch dị” Hà Ô Lôi mang tính tiêu biểu cho cơ sở tạo tiếng cười là mâu thuẫn, giữa hình thức xấu xí (đen như mực, da bóng như mỡ) với nội dung tốt đẹp (nhanh nhẹn, lém lỉnh, văn chương thi phú, điệu khúc ca ngâm đều hay), được vua yêu quý và các phụ nữ si mê; giữa nội dung với nội dung (không biết chữ mà lại giỏi văn chương).

Hà Ô Lôi như một nghịch lý của cuộc sống, người dân kinh kỳ vừa thích thú với hình ảnh của nó, với việc nó làm, lại vừa sợ nó. Người ta truyền khẩu câu ca: “Mang mang mặt mắt cháy ma lem/ Kẻ Chợ khát, người qua mới thèm/ Nhẫn có hoàng kim thanh sắc ấy/ Mang mang mặt mũi thế soi xem”.

Hình như truyện này muốn đưa ra một quy luật giữa bao nhiêu thuận lý con người ta phải chấp nhận những nghịch lý khó lý giải. Hình tượng Trương Chi cũng đầy mâu thuẫn nhưng là mâu thuẫn của bi kịch nên truyện “Trương Chi” của dân gian chỉ có nước mắt, còn “Hà Ô Lôi truyện” là mâu thuẫn của những bi hài kịch bác học nên truyện này làm người ta thấy cuộc đời vừa đáng buồn, lại vừa đáng cười.

Từ đó mà suy ngẫm về thói nhân tình, ngẫm kỹ lại thấy tiếng cười mang tính phổ quát không chỉ hướng vào một ai, mà còn hướng vào cuộc đời nói chung. Xuất thân nô tỳ lại xấu xí nhưng nhờ hát hay mà được vua yêu, yêu đến mức “đãi như khách quý”, chưa đủ còn được vua coi như báu vật đến mức vua thông báo với triều thần thấy Ô Lôi gian phạm tới nhà ai, bắt được đem trả vua sẽ được đền một nghìn quan, nếu giết chết phải bồi thường một nghìn quan.

Tiếng cười hướng đến trước hết là vua, có năng lực trình độ thẩm mỹ kém, nuông chiều cái xấu, nhỏ nhen (sai Ô Lôi đi quyến rũ Quận chúa - A Kim - để trả thù Quận chúa từ chối gian díu với vua). Cười các phụ nữ chỉ biết yêu bằng tai mà không biết yêu bằng mắt (Ô Lôi quyến rũ nhiều phụ nữ, cả Quận chúa lá ngọc cành vàng, giàu có, sang trọng, rất đẹp, rất kiêu căng, dám từ chối cả vua), mê muội mà yêu khi dư luận cả kinh thành ồn ào…

Cười mọi người nói chung bị thanh sắc cám dỗ mà cứ để một “hiện tượng” Ô Lôi tác oai tác quái, thậm chí còn lấy đó làm thích thú thỏa tính hiếu kỳ… Cười Minh Uy Vương quan to trong triều, quyền hành (là anh ruột hoàng hậu Vi Từ) mà nham hiểm (khi Ô Lôi gian dâm với con gái mình, ông ta chưa giết Ô Lôi ngay, mà bẩm vua đã giết để tạo ra một vụ án giả, đưa vua vào “việc đã rồi”), tàn bạo (giết Ô Lôi bằng cách cho vào cối dùng chày giã chết)…

Dĩ nhiên cười Ô Lôi tham dâm sắc đến chết, là tay sai, nô lệ của vua, vua sai gì làm nấy… Chưa đủ căn cứ để khái quát hình tượng Ô Lôi là biểu trưng cho quan hệ Vua – Ô Lôi là quan hệ nghệ thuật phục vụ quyền lực (như có ý hiểu) nhưng rõ ràng hình tượng Ô Lôi mang tính đa nghĩa, hấp dẫn, mời gọi người đọc. Dưới góc độ tiếng cười thì truyện này là một nụ cười dân chủ đặc sắc, độc đáo trong văn học trung đại Việt Nam.

Chi tiết cắt nghĩa Ô Lôi hát hay là do Lã Đồng Tân nhổ nước bọt vào mồm Ô Lôi lúc nhỏ cần nhìn nhận dưới góc độ mã biểu trưng. Trong nhiều nền văn hóa, “nước bọt” là biểu tượng cho tính thiêng gắn liền với năng lực nói năng hoạt bát. Ở một vài truyện cổ của ta và Trung Quốc có chi tiết “uống hết một mo đờm” của ông tiên thì trở thành giỏi giang, nhất là về mặt ăn nói.

Trong truyện Lã Đồng Tân là một ông tiên tức biểu trưng cho Đạo giáo thần tiên, tức Ô Lôi là sản phẩm của tinh thần Đạo giáo. Như vậy truyện là sự giao thoa của các tôn giáo Nho, Phật, Đạo, cả Ấn Độ giáo. Ô Lôi chết là sự thắng thế của Nho giáo trước Đạo giáo?!

Truyện có “mẫu gốc” từ văn hóa dân gian, đến lượt nó lại trở thành “mẫu gốc” cho sau này. Ví như tục trước khi cô dâu vào nhà chồng thì người ta lấy chày giã thật mạnh, thật to vào cối, rồi bắt cô dâu bước qua cối giã gạo. Ngoài một tín ngưỡng phồn thực (chày dương, cối âm) còn là quan niệm sự đuổi tà ma chuyện dâm dục để đôi vợ chồng mãi chung thủy!

Nguyễn Thanh Tú

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/truyen-ha-o-loi-tu-goc-nhin-van-hoa-522861/