Truyền kì thi quốc tế: Các hoa hậu ở đâu khi những siêu mẫu 'đem chuông gõ xứ người'?

Có rất nhiều hoa hậu - chủ nhân của chiếc vương miện danh giá tại các 'đường đua' nhan sắc cấp quốc gia đều vắng mặt tại các cuộc thi quốc tế, nhưng ngược lại là sự 'thế chỗ' của những gương mặt người đẹp khác...

Ở Việt Nam có hai cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia nổi bật và thu hút đông đảo công chúng, đó là Hoa hậu Việt Nam và Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam - nơi… danh chính ngôn thuận nhất để tìm ra chủ nhân của chiếc vương miện danh giá và cử đi thi quốc tế.

Đại diện nhan sắc Việt trên đấu trường sắc đẹp quốc tế là cả một vinh dự cho bất kì cô gái nào. Vì thế, ở các quốc gia, hàng loạt những cuộc thi lớn đều để tìm ra ứng viên xuất sắc nhất, đại diện cho đất nước đi “chinh chiến” trên “đường đua” thế giới. Ưu tiên đầu tiên nhất là dành cho các hoa hậu. Thế nhưng, ở Việt Nam, không ít hoa hậu… khước từ cơ hội và vinh dự này, vắng mặt hoàn toàn trong các cuộc thi quốc tế mà nổi bật là các Hoa hậu Việt Nam.

Thùy Dung, Thu Thảo, Ngọc Hân, Kỳ Duyên…

… bốn nhiệm kì hoa hậu liên tiếp sau Mai Phương Thúy đều “vắng bóng” tại các đấu trường nhan sắc thế giới.

Mai Phương Thúy và Đỗ Mỹ Linh là hai đại diện gần nhất xuất hiện tại Miss World, giữa hai nhiệm kì này là Hoa hậu của các năm 2008 - Trần Thị Thùy Dung, 2010 - Đặng Thị Ngọc Hân, 2012 - Đặng Thu Thảo, 2014 - Nguyễn Cao Kỳ Duyên đều không thi quốc tế, mà thay thế lần lượt bởi các người đẹp sau: Dương Trương Thiên Lý - Miss World 2008, Nguyễn Ngọc Kiều Khanh - Miss World 2010, Võ Hoàng My - Miss World 2012, Nguyễn Thị Loan - Miss World 2014.

Hoa hậu cấp quốc gia… ở nhà, còn các cô gái Á hậu hoặc người đẹp khác lại lên đường đi thi, là vì đâu? Không ít khán giả tò mò: Vì sao Hoa hậu lại không thi quốc tế? Vậy thì Hoa hậu đã trọn vẹn trọng trách trong nhiệm kì của mình chưa? Mỗi Hoa hậu lại có một cách giải thích khác nhau trước dư luận, nhưng tựu trung vẫn không thể thỏa mãn hoàn toàn “lấn cấn” trong lòng người hâm mộ, vốn luôn kỳ vọng các sân chơi nhan sắc đình đám, uy tín nhất là nơi chọn người đi thi quốc tế xác đáng nhất.

Chính những “lấn cấn” này mà công chúng có quyền hoài nghi: Liệu có một “quy tắc ngầm” nào đó trong việc cử người đại diện Việt Nam đi thi mà không cần thông qua sân khấu lớn của đêm chung kết các cuộc thi nhan sắc quốc gia?

Đại diện nổi bật những năm gần đây mà người ta nhắc nhiều tại đấu trường quốc tế là Lan Khuê, Nguyễn Thị Loan, và mới nhất là Minh Tú. Điểm chung giữa ba nhan sắc này là đều sở hữu kinh nghiệm dày dặn trên sàn catwalk, ngoại hình chuẩn, gương mặt ấn tượng và đều… không phải là Hoa hậu. Nếu như Lan Khuê là Hoa khôi Áo dài, Nguyễn Thị Loan đoạt Á hậu 2 Hoa hậu các dân tộc Việt Nam thì Minh Tú thậm chí chưa từng dấn thân một cuộc thi hoa khôi, hoa hậu nào, mà chỉ giành loạt giải thưởng cao tại các “đường đua” người mẫu, trong đó ấn tượng nhất là vị trí Á quân Asia's Next Top Model.

Vậy, lý do gì cho “hiện tượng” hoa hậu ở nhà mà siêu mẫu đi thi quốc tế này?

Đầu tiên có thể thấy, đó chính là sự thiếu hụt kỹ năng và ngoại hình của các chủ nhân chiếc vương miện. Tiêu chí lựa chọn hoa hậu khác nhau xảy ra sự “lệch pha”: Nếu Việt Nam chú trọng khuôn mặt, và rất khó để có thể tìm ra một người vẹn toàn cả gương mặt lẫn hình thể thì các nhan sắc thế giới luôn chiếm trọn ưu thế về vẻ ngoài nóng bỏng, “chuẩn không cần chỉnh” đến từng centimet đường cong. Vì thế, có những nhan sắc châu Á lọt thỏm như những… cô búp bê xinh xắn giữa dàn hoa hậu chiều cao “khủng” và thân hình bốc lửa đến từ đại diện mạnh của các nước khác.

Ngoài ra còn chính là sự thiếu hụt kỹ năng, nổi bật trong đó là tiếng Anh, đa phần hoa hậu Việt không được trang bị tiếng Anh trước đăng quang. Điều này là trở ngại lớn để “chinh chiến” quốc tế. Catwalk hay toàn bộ những kỹ năng cần thiết khác: giao lưu, thuyết trình, thu hút công chúng… đều không được đào tạo chuyên nghiệp. Ở các nước, đặc biệt là các “cường quốc nhan sắc” như Philippines, Venezuela đã có từ rất lâu các “lò luyện hoa hậu” để đào tạo từ bé những cô gái nuôi giấc mộng này, vì thế, tiến đến những cuộc thi vào độ tuổi 18, họ đã được trang bị và ăn-ngủ-thở trong mọi kỹ năng để trở thành hoa hậu. Dù dấn thân lần đầu tiên nhưng họ chưa bao giờ là những “amateur” trên bất kì sàn catwalk của cuộc thi sắc đẹp nào. Luôn trong tinh thần chiến binh, luôn sẵn sàng mọi giây mọi phút chính là phương châm chiến thắng giúp các quốc gia này “chiếm spotlight” và sở hữu số lượng hoa hậu thế giới nhiều nhất trên bản đồ nhan sắc quốc tế.

Từ những thực trạng trên cho thấy xu hướng lựa chọn những siêu mẫu đã có tên tuổi đi thi là một cách làm khá thuyết phục. Bởi lẽ, xét về hình thể, những cô gái cao trên 1,75 m với số đo ba vòng chuẩn này ít nhất cũng tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. Hơn nữa, thế mạnh quan trọng nhất của họ chính là kinh nghiệm dày dặn, bộ thành tích đáng nể và sức ảnh hưởng công chúng trước khi dấn thân vào các đấu trường quốc tế.

Một mùa nhan sắc nữa lại đến, cùng dõi theo dàn đại diện mới của Việt Nam tại các cuộc thi quốc tế và chờ đón bước đột phá của họ trong hành trình sắc đẹp rực rỡ, đáng nhớ!

Ái Kỳ

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/giai-tri/truyen-ki-thi-quoc-te-cac-hoa-hau-o-dau-khi-nhung-sieu-mau-dem-chuong-go-xu-nguoi-3805502.html