Truyền lửa cách mạng cho thế hệ trẻ

Dịp kỷ niệm 43 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2018), nhiều cơ quan, đơn vị ở TP Hà Nội đã tổ chức các hoạt động giáo dục tinh thần cách mạng cho thế hệ trẻ. Qua đó, giúp các em hiểu thêm về sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh, bồi đắp ngọn lửa truyền thống cách mạng.

Khách tham quan triển lãm "Ngày thống nhất đất nước".

Phía sau thềm điện Kính Thiên (Di tích Hoàng thành Thăng Long) có một tòa nhà một tầng ẩn dưới những tán cây. Ðó là nhà D67. Phía bên dưới còn có hầm trú ẩn. Những ngày này, công chúng có dịp tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử ngôi nhà khi Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức triển lãm "Ngày thống nhất đất nước" chính tại ngôi nhà và hầm D67. Ở chủ đề "Tổng hành dinh cho ngày toàn thắng", Ban tổ chức giới thiệu những hình ảnh, hiện vật về vai trò của nhà và hầm D67. Ðây là nơi Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã có nhiều cuộc họp quan trọng trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Trong đó, ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị đã họp và quyết định thực hiện chiến dịch tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Triển lãm có rất nhiều hiện vật, tư liệu quý của các đồng chí lãnh đạo được lưu giữ cẩn trọng như: "Thư vào Nam" của Tổng Bí thư Lê Duẩn, "Cuộc tổng tiến công nổi dậy đại thắng mùa xuân năm 1975" của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, "Sức mạnh lòng dân" (bản viết tay) của Thượng tướng Trần Văn Trà... Triển lãm còn giới thiệu những đồ dùng để ghi chép, liên lạc, chỉ huy chiến trường… trong cuộc kháng chiến..., làm sống lại những giờ phút lịch sử của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương trong việc đưa ra những quyết định trọng đại liên quan vận mệnh dân tộc...

Triển lãm "Ngày thống nhất đất nước" tái hiện không khí tại Sài Gòn và Thủ đô Hà Nội trong ngày 30-4-1975. Tại Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh) là quá trình đoàn quân Giải phóng tiến về thành phố, tiếp quản hệ thống chính quyền và quân đội, an ninh; thành lập Ủy ban Quân quản giữ vững trật tự toàn thành phố. Tại Hà Nội là niềm vui, sự phấn khởi của nhân dân Thủ đô trong ngày đại thắng. Ban tổ chức cũng đem đến những câu chuyện lịch sử về cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ qua 48 phơi tem bưu chính. Cùng gia đình tham quan Hoàng thành Thăng Long trong dịp nghỉ lễ, chị Vũ Hoài Thu (phố Ðội Cấn, quận Ba Ðình) cho biết: "Tôi rất bất ngờ khi được biết có một di tích cách mạng quan trọng nằm trong di tích Hoàng thành Thăng Long. Các hiện vật của các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Quân đội cho thấy các đồng chí có lối sinh hoạt, làm việc rất giản dị".

Nếu như triển lãm "Ngày thống nhất đất nước" tập trung vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ thì với 250 hiện vật, tư liệu, hình ảnh, Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò giúp công chúng có cái nhìn sâu hơn về lịch sử qua triển lãm "Chân trần, chí thép" được tổ chức tại đây. Mở đầu của trưng bày là nội dung "Theo dấu chân Người". Những hình ảnh, hiện vật, tư liệu giúp công chúng nhìn lại tư tưởng chỉ đạo, con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua. Tư tưởng, hành động của Người là cội nguồn làm nên chiến thắng của nhân dân Việt Nam trước mọi kẻ thù mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Thấm nhuần tư tưởng cách mạng, những lớp học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được tôi luyện qua khó khăn, gian khổ, đưa cách mạng Việt Nam giành thắng lợi. Trưng bày đã giới thiệu "Chất thép" của những chiến sĩ cách mạng kiên cường, họ đã biến nhà tù thực dân, đế quốc thành nơi rèn luyện, đào tạo ra lớp lớp cán bộ lãnh đạo xuất sắc cho cách mạng Việt Nam. Các nhà tù: Hỏa Lò, Sơn La, Côn Ðảo, Khám Lớn, Lao Thừa Phủ… chính là những "trường học đặc biệt", giúp các chiến sĩ cách mạng trưởng thành, nắm vững, vận dụng sáng tạo đường lối của Ðảng, của Bác Hồ và trở thành những vị tướng "nhân - trí - dũng". Công chúng sẽ hiểu thêm về cuộc đời cách mạng của những vị tướng trong lòng dân như các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Văn Tiến Dũng, Chu Huy Mân, Hoàng Văn Thái…

Phần cuối của trưng bày là nội dung Bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, với những hình ảnh, hiện vật thể hiện ý chí sắt đá của nhân dân Việt Nam: kiên cường chiến đấu, lập nên những chiến công vĩ đại, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Ngoài nội dung chính về chủ đề chân trần, chí thép, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò còn trưng bày hai tổ hợp: "Mốc son Ðiện Biên Phủ - 1954" thể hiện khí thế sục sôi của lực lượng dân quân sử dụng xe đạp thồ để trở thành phương tiện vận chuyển vũ khí, lương thực, nhu yếu phẩm tiếp tế cho các chiến sĩ và "Sử vàng đại thắng - 1975", tái hiện trạm giao liên - nơi dừng chân trên đường hành quân vượt Trường Sơn của hàng triệu người lính. Thượng tá Ðào Văn Hà, nguyên cán bộ Công an TP Hà Nội cho biết: "Là người yêu lịch sử, tôi đã sưu tập được một số hiện vật về cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Dịp này, tôi phối hợp Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đem đến công chúng những hiện vật lịch sử này, để mọi người cùng hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc".

Các định dịp kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước là dịp để ôn lại quá khứ hào hùng, giáo dục tinh thần cách mạng cho thế hệ trẻ, tại Hà Nội, nhiều cơ quan, đơn vị đã có các hoạt động "tiếp lửa" truyền thống; nhiều trường học đã tổ chức tham quan các di tích cách mạng. Qua đó, giúp thế hệ hôm nay, nhất là thế hệ trẻ hiểu thêm về lịch sử hào hùng của dân tộc, công lao của lớp người đi trước, bồi đắp ngọn lửa truyền thống cách mạng.

GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/36259302-truyen-lua-cach-mang-cho-the-he-tre.html