Truyền 'lửa' những điệu múa nghệ thuật Khmer cho các bạn trẻ

Cùng với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hiện nay một số chùa Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cũng chú trọng phối hợp với ngành chức năng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Đặc biệt là việc mở lớp truyền 'lửa' những điệu múa nghệ thuật miễn phí cho con em phật tử, nhằm tạo sân chơi bổ ích và góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống trong cộng đồng người Khmer.

Góp sức giữ gìn nghệ thuật múa truyền thống

Đã hơn 2 tháng nay, cứ vào mỗi buổi chiều tối, cho dù thời tiết có mưa thất thường, nhưng bằng tình yêu nghệ thuật múa truyền thống, anh Thạch Sà Rạt diễn viên của Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng vẫn vượt chặng đường hơn 20km đến chùa Chanh Sophond Prêk On Đơk (Cần Đước), xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) để truyền “lửa” những điệu múa cho hơn 60 học viên là con em phật tử trong bổn đạo theo học.

Lớp dạy múa dân gian tại chùa Chanh Sophond Prêk On Đơk, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) thu hút đông đảo các em theo học. Ảnh: THẠCH PÍCH

Đứng quan sát và chỉnh sửa từng động tác, điệu múa cho các học trò của mình, anh Thạch Sà Rạt cho biết: “Sau những buổi tập luyện cùng anh chị em trong Đoàn Nghệ thuật Khmer, cứ vào chiều tối, tôi tranh thủ thời gian đến điểm chùa để truyền dạy những điệu múa dân gian cho các em yêu thích nghệ thuật múa. Có những em lần đầu tiên tham gia dù chưa biết gì về động tác múa cơ bản, nhưng các em đều có tinh thần đam mê học hỏi, chăm chỉ, chịu khó luyện tập từng động tác. Điều đó làm cho tôi cảm thấy rất vui và xua tan mỏi mệt”.

Người Khmer từ khi còn nhỏ đã thấm sâu vào tâm hồn những điệu múa dân gian học từ ông bà, cha mẹ, người thân, bạn bè. Hiện nay, loại hình múa dân gian vẫn được gìn giữ và lưu truyền rộng rãi trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân tộc Khmer. Đặc biệt vào những dịp lễ, Tết truyền thống của dân tộc, hay nghi thức mừng nhà mới, đám cưới, người Khmer thường tổ chức múa hát tập thể, tạo nên không khí giao lưu phấn khởi, đoàn kết trong cộng đồng.

Anh Thạch Sà Rạt cho biết thêm: “Người Khmer có 2 loại hình múa, đó là: múa sinh hoạt cộng đồng (múa dân gian) và múa sân khấu cung đình (múa rô băm). Múa dân gian với những động tác thoải mái, lạc quan, yêu đời và luôn có tính chất hóm hỉnh. Còn múa sân khấu cung đình (múa rô băm) rất uyên thâm, trang trọng và mang tính cổ kính. Tại lớp dạy múa này, tôi đang truyền đạt những động tác từ cơ bản của múa dân gian (rom-vong, lăm-leo, sa-ra-van…) đến động tác nâng cao. Hiện các em đã tập luyện được hơn 10 bài cơ bản. Tôi cảm thấy rất hài lòng về các học trò của mình”.

Phát huy và lan tỏa

Có năng khiếu và yêu thích nghệ thuật múa dân gian Khmer từ khá sớm, nhưng do không có ai chỉ dẫn nên đến khi nghe tin tại chùa Chanh Sophond Prêk On Đơk có mở lớp dạy múa miễn phí cho con em phật tử, em Sơn Thị Mộng Trúc, nhà ở ấp Cần Đước rất phấn khởi. Em Trúc cho biết: “Trước đây, mỗi khi đi đám cưới, hay lễ trong chùa, thấy anh chị, bạn bè tham gia múa cộng đồng mà bản thân không biết múa, em rất buồn. Đến khi biết chùa có mở lớp dạy múa miễn phí, em rất háo hức và mạnh dạn đăng ký theo học. Hiện em tập luyện được hơn 2 tháng và múa được những điệu múa truyền thống, em cảm thấy rất vui và tự tin hơn”.

Cùng chung niềm đam mê nghệ thuật múa, em Thạch Thị Thêu, ngụ ấp Cần Đước, cũng tranh thủ sau khi tan ca về liền cùng bạn bè trong xóm đến chùa tập luyện những điệu múa dân gian. Em Thêu chia sẻ: “Thời gian học mỗi đêm bắt đầu từ 18 giờ đến hơn 20 giờ. Lần đầu tập các động tác múa cũng khó khăn lắm, nhức mỏi cơ thể. Sau một thời gian tập luyện, giờ em đã biết các điệu múa cơ bản. Em sẽ quyết tâm theo học điệu múa cung đình, để sau này tham gia đội múa của chùa phục vụ bà con trong dịp lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer”.

Hiện nay, không chỉ riêng ở chùa Chanh Sophond Prêk On Đơk mà một số chùa Khmer trên địa bàn tỉnh cũng quan tâm đến việc mở lớp dạy múa miễn phí và thu hút đông đảo con em phật tử tham gia học. Điển hình như: chùa Serey Techo Mahatup (chùa Dơi), phường 3 (thành phố Sóc Trăng) có khoảng 60 em; chùa Pôthi Thum Phđau Pên (Lao Vên), xã Viên Bình (huyện Trần Đề) có hơn 30 em; chùa Bâng Kro Chắp Thmây, xã Tân Hưng (huyện Long Phú) có gần 100 em; chùa Ôchum Aram Prêk Chêk, xã Vĩnh Quới (thị xã Ngã Năm) có hơn 30 em theo học…

Anh Thạch Sà Rạt, diễn viên của Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng đang chỉnh sửa động tác múa cho các em. Ảnh: THẠCH PÍCH

Trong trang phục dân tộc rực rỡ sắc màu, tiếng nhạc rộn ràng vang lên, em Thạch Thị Tường Vy, ở phường 9, thành phố Sóc Trăng cùng các bạn diễn uyển chuyển hòa mình vào những điệu múa tập thể rất mềm mại và duyên dáng, thu hút nhiều ánh mắt dõi theo tại sân chùa. Tường Vy cho biết đã tham gia đội múa chùa Serey Techo Mahatup được 3 năm nay. Từ khi biết múa đến nay, em cảm thấy rất vui, nhất là cùng đội múa của nhà chùa đi biểu diễn phục vụ, giao lưu với anh, chị em ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn Thanh Liêm, từ năm 2021 đến nay, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Thời gian qua, việc một số chùa trên địa bàn tỉnh tổ chức mở các lớp dạy múa miễn phí, hay nhạc ngũ âm cho con em phật tử đã tạo sân chơi bổ ích, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc Khmer.

THẠCH PÍCH

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/truyen-lua-nhung-dieu-mua-nghe-thuat-khmer-cho-cac-ban-tre-67175.html