'Truyền lửa' tình yêu văn hóa dân tộc cho học viên

Một buổi sáng, chúng tôi bước đi giữa khuôn viên khu B của Trường Sĩ quan Chính trị nằm trong thành cổ Bắc Ninh rêu phong, trầm mặc.

Khu giảng đường chạy dài dưới bóng cổ thụ xanh hút mắt. Về trường lần này, chúng tôi may mắn được tham dự giờ giảng rút kinh nghiệm môn Cơ sở văn hóa Việt Nam do Thiếu tá Lê Thị Huyền, Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học xã hội (Khoa Văn hóa, Ngoại ngữ) đảm nhiệm.

Trong không gian lớp học thoáng đãng, cô Huyền đang lên lớp cho các học viên Đại đội 1, Hệ 2. Cô mở đầu bài giảng bằng video ngắn giới thiệu về tục mời trầu của người quan họ cùng câu hỏi: “Tục mời trầu có phải là biểu hiện cụ thể của bản sắc văn hóa dân tộc không?”. Câu hỏi nhận được nhiều ý kiến trao đổi từ học viên. Sau khi lắng nghe các ý kiến, cô Huyền giải thích: “Ngôn ngữ, trang phục, phong tục tập quán, lễ nghi, ăn, uống… là những biểu hiện phong phú và đa dạng của bản sắc văn hóa dân tộc. Người Việt nói chung thường coi trọng việc mời trầu bởi "miếng trầu là đầu câu chuyện", nhưng với người quan họ, trầu cau còn là biểu hiện của triết lý, phong cách, cũng là thể hiện tình cảm ý nhị, độc đáo. Nghĩa là, nó đã được nâng lên thành giá trị văn hóa của dân tộc…”.

 Một giờ lên lớp của Thiếu tá, giảng viên Lê Thị Huyền, tháng 10-2019.

Một giờ lên lớp của Thiếu tá, giảng viên Lê Thị Huyền, tháng 10-2019.

Tiếp đó, cô có thêm những gợi mở cho học viên bước vào nội dung bài giảng “Văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam”. Giọng cô ấm áp, truyền cảm hứng cho người học.

Ngồi bên chúng tôi, Đại tá, TS Trần Minh Chiến, Chủ nhiệm Khoa Văn hóa, Ngoại ngữ, cho biết: “Nền tảng văn hóa là yếu tố cơ bản góp phần bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực cán bộ chính trị. Những giờ giảng được đầu tư công phu, chất lượng cả về nội dung và phương pháp sư phạm như của cô Huyền giúp học viên có thêm nhiều kiến thức và chú tâm hơn với văn hóa dân tộc”.

Về khoa công tác từ năm 2004, cô Huyền được giao nhiệm vụ giảng dạy môn Lịch sử dân tộc và Cơ sở văn hóa Việt Nam. Trong quá trình giảng dạy, cô tự đặt cho mình câu hỏi: “Làm thế nào để góp phần bảo vệ, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc? Và đặc biệt phải gắn giá trị ấy với việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị như thế nào?”. Những câu hỏi đó là động lực thôi thúc cô Huyền và các đồng nghiệp tìm tòi, đổi mới, nâng cao chất lượng giờ giảng. Những giờ giảng ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường hoạt động trao đổi nhóm, trò chơi tìm hiểu văn hóa-lịch sử, nghiên cứu thực tế tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia… lần lượt xuất hiện tạo sức cuốn hút cho học viên khi tiếp cận kiến thức văn hóa dân tộc.

Sự cố gắng của cô Huyền được khẳng định bằng những con số ấn tượng. Trong 5 năm (2014-2019), cô đã giảng dạy 2.300 tiết môn Lịch sử dân tộc và Cơ sở văn hóa Việt Nam, biên soạn 2 giáo trình, 3 tài liệu dạy học, là thành viên 1 đề tài khoa học cấp Bộ Tổng Tham mưu đạt loại xuất sắc. Cô Huyền cũng là giảng viên giỏi cấp trường 6 năm liên tục. Ghi nhận những thành tích đã đạt được, cô Huyền đã được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân, 4 Bằng khen của Tổng cục Chính trị, 1 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Trước khi chia tay, chúng tôi hỏi cô Huyền: “Trong suốt thời gian dạy học, điều gì làm cô vui nhất?”. Cô chia sẻ chân thành: “Với tôi, niềm vui rất đơn giản. Có lần sau giờ làm việc, tôi bỗng nhận được điện thoại của học viên đã ra trường. Nghe kể mới biết, đồng chí ấy đang xử lý công việc có liên quan đến kiến thức văn hóa nên nhớ cô và những giờ học nhiều kỷ niệm. Chỉ vậy thôi cũng đủ hạnh phúc và cảm thấy nghề giáo mình đang theo đuổi có thêm nhiều ý nghĩa”.

Bài và ảnh: NGUYÊN ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/truyen-lua-tinh-yeu-van-hoa-dan-toc-cho-hoc-vien-602932