Truyền lửa truyền thống cách mạng vùng đất Tây Đô

Với việc thành lập Ban liên lạc truyền thống cựu chiến binh Biệt động TP Cần Thơ, các cựu chiến binh đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện truyền lửa truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Nhiều trường học mang tên những danh nhân, chiến sĩ cách mạng cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục lòng yêu nước cho học sinh, sinh viên, ý thức tiếp nối truyền thống cách mạng hào hùng của vùng đất Tây Đô.

Người truyền lửa cách mạng

Năm 2009, sau khi về hưu, Đại tá Võ Tấn Dũng (sinh năm 1950, nguyên Trưởng phòng Dân quân tự vệ, Bộ Tham mưu Quân khu 9, hiện đang cư ngụ tại phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cùng nhiều cựu chiến binh thành lập Ban liên lạc truyền thống cựu chiến binh Biệt động TP Cần Thơ. Ban liên lạc đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để lưu giữ và kết nối truyền thống cách mạng… Rất nhiều học sinh, sinh viên ở các trường đại học tại TP Cần Thơ đã được nghe ông nói chuyện về truyền thống cách mạng. Vị đại tá hoàn thiện các “giáo án” qua mỗi lần nói chuyện với các bạn trẻ.

Hiện, Đại tá Võ Tấn Dũng đã viết xong 4 cuốn tài liệu tái hiện diễn biến 4 trận đánh lớn của Lực lượng vũ trang TP Cần Thơ trình chiếu trên Power Point làm tài liệu giáo dục truyền thống. Trong đó, trận phòng ngự 6 ngày đêm giữ căn cứ Vườn Mận (ấp Lợi Dũ A, xã An Bình) của lực lượng vũ trang Cần Thơ (từ ngày 28-9 đến 3-10-1970) được minh họa bằng bản đồ sinh động gắn với số liệu cụ thể. Trong 10 năm qua, vị đại tá đã có gần 100 buổi nói chuyện truyền thống cho khoảng 20.000 người ở nhiều xã, phường, trường học…

Trong những câu chuyện kể lại những trận đánh oai hùng năm xưa, vị đại tá không quên truyền lửa cho thế hệ trẻ qua tấm gương những người con ưu tú của đất Cần Thơ như Giáo sư, Viện sĩ, Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (1921-1989). Trong mỗi câu chuyện, ông luôn nhấn mạnh đến những đóng góp của Giáo sư Lưu Hữu Phước với lòng yêu nước cháy bỏng, hòa cùng khát vọng đánh đuổi ngoại xâm của dân tộc. Tên tuổi của Giáo sư Lưu Hữu Phước gắn liền với những hành khúc như Xếp bút nghiên, Mau về Nam, Gieo ánh sáng, Hờn sông Gianh. Giáo sư Lưu Hữu Phước cùng các đồng chí khác được giao nhiệm vụ viết bài hát dành cho Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Và ca khúc Giải phóng miền Nam đã được ra đời trong hoàn cảnh ấy.

Những ngôi trường giàu truyền thống hiếu học

Cũng như bao người, nhà báo, nhà văn Vũ Thống Nhất thường hòa vào dòng người đến cung kính dâng hương mỗi lần lễ giỗ danh nhân văn hóa Bùi Hữu Nghĩa tại Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa hiệu Nghi Chi (1807-1872), quê quán tại thôn Bình Thủy, tổng Vĩnh Định (nay thuộc quận Bình Thủy, TP Cần Thơ).

“Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa đỗ giải nguyên (thủ khoa) khóa thi hương năm 1835 và là một vị quan thanh liêm triều nhà Nguyễn. Khi giặc Pháp chiếm Sài Gòn, dù tuổi cao sức yếu, ông vẫn cùng những sĩ phu yêu nước như Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị… “đánh giặc bằng thơ”, thể hiện tinh thần yêu nước, cổ vũ cho phong trào chống Pháp lúc bấy giờ. Đó là tấm gương sáng cho các thế hệ sau tự hào noi theo, tiếp nối”, nhà văn, nhà báo Vũ Thống Nhất chia sẻ. Mỗi lần đến lễ giỗ danh nhân văn hóa Bùi Hữu Nghĩa, rất đông thầy cô và học sinh Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy) cũng đến dâng hương, dâng hoa. Qua đó chia sẻ niềm tự hào, ý thức noi gương tiền nhân khi được giảng dạy, học tập tại ngôi trường mang tên danh nhân văn hóa đất Tây Đô.

Để ghi nhớ công lao đóng góp của đồng chí Châu Văn Liêm đối với sự nghiệp cách mạng, năm 2017, UBND TP Cần Thơ đầu tư 27 tỷ đồng xây dựng Đền thờ Châu Văn Liêm tại xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai nhằm góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho các thế hệ mai sau.

“Đồng chí Châu Văn Liêm sinh ngày 29-6-1902 tại làng Thới Thạnh, quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) trong gia đình Nho học. Đồng chí là một trong những trí thức Cần Thơ đầu tiên giác ngộ lý tưởng cộng sản. Trải qua quá trình hoạt động cách mạng tuy ngắn ngủi, nhưng những đóng góp của đồng chí cho quê hương và đất nước là rất lớn, in đậm trong lòng mỗi người dân Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung. Tấm gương hy sinh của đồng chí Châu Văn Liêm mãi sáng ngời lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, kiên trung với đất nước, bất khuất trước kẻ thù… Ngày nay, tên của đồng chí Châu Văn Liêm đã gắn liền với tên nhiều ngôi trường, con đường lớn tại một số tỉnh, thành trong cả nước”, đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Cần Thơ, chia sẻ.

Trong dòng chảy truyền lửa cho thế hệ trẻ lòng yêu nước và ý thức tiếp nối truyền thống các tiền nhân, Trường THPT Châu Văn Liêm (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đã có những cách làm hay để giáo dục, giúp học sinh ý thức về truyền thống để tập trung học tập, trở thành người có ích.

“Học sinh vào lớp 10 sẽ đến phòng truyền thống của trường làm lễ bái sư. Ngoài giúp các em tìm hiểu về tài liệu, thông qua các buổi chào cờ, sinh hoạt tập thể… trường đều lồng ghép tìm hiểu, thi viết về nhà hoạt động cách mạng - thầy giáo Châu Văn Liêm (1902-1930). Đầu mỗi năm học, trường tổ chức cho học sinh thi hát Quốc ca và Hành khúc học sinh Châu Văn Liêm. Dịp hè, trường tổ chức cho học sinh ưu tú đi viếng mộ nhà hoạt động cách mạng Châu Văn Liêm (ở huyện Thới Lai). Thầy cô đều ý thức dưới mái trường mang tên nhà cách mạng và tận tình truyền lửa cho học sinh về tinh thần hiếu học, tinh thần đấu tranh cách mạng gắn liền với tiểu sử của ông”, cô Cao Thị Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm, cho biết.

Đây cũng là ngôi trường có số lượng học sinh cuối cấp thi đậu vào đại học hàng năm cao nhất của TP Cần Thơ. Các thầy cô luôn nhắc nhớ học sinh khi mang trên người “thương hiệu” học sinh của trường Châu Văn Liêm, phải phát huy tinh thần của người chiến sĩ cách mạng Châu Văn Liêm, không ngừng nỗ lực, phấn đấu trở thành người có ích cho cộng đồng và xã hội.

CAO PHONG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/truyen-lua-truyen-thong-cach-mang-vung-dat-tay-do-post710429.html