Truyện ngắn: Duyên đủ

Lao Động Cuối tuần xin giới thiệu truyện ngắn mới nhất của Nhà văn Nguyễn Trọng Tân: 'Duyên đủ'.

“Thao Giang nước độc lâm u. Hùm beo trấn ải, sói tru trăng mờ...”. Vùng đất ấy kẹp giữa dòng chảy của hai con sông lớn Thao Giang, Đà Giang. Từ thời hồng hoang nó đã được coi là lãnh địa của hùm beo và sói dữ. Không người sinh tụ. Có chăng chỉ ngoài bìa rừng thấp thoáng bóng lính canh với đám tù lưu đầy khổ sai. Đó là những kẻ phạm trọng tội chỉ có đường chết. Chỉ còn đường chết mới bị đầy lên Thao Giang sống với hổ.

Tuần trăng già cuối năm Ất Mùi (1095) ở Thao Giang xảy ra sự lạ. Hôm ấy đám hùm beo bỗng nhớn nhác hỗn loạn như động rừng. Chúng hực lên vón cục vào nhau lao về các vòm hang hun hút cheo leo lưng núi. Tiếng sói tru thê thiết thâu đêm. Mỗi lần chúng ngửa cổ lên, mặt trăng lại mờ mịt thê lương.

Mây đen dồn ứ. Hãi hùng tột độ. Quang cảnh chẳng khác gì ngày tận thế. Đám lính canh xua tội đồ vào các ngăn trại cài chặt then. Suốt đêm cả lính với tù đều run bần bật không hiểu chuyện gì sắp xảy ra.

*

Canh ba một ngày đầu xuân năm Canh Dần (1050), Trần Thị ở trang Ngô Xá, Quế Dương mơ giấc mơ hãi hùng. Có ngôi sao to như cái đấu từ trên trời sa xuống. Nó chói lòa khiến bà phải nhắm mắt lại. Ngôi sao ấy nhằm vào giữa bụng Trần Thị mà chui vào. Tỉnh dậy, bà vừa mừng vừa sợ kể cho chồng.

Chồng Trần Thị là một nhà nho, bấm tay nhẩm tính rồi reo lên: “Điềm lành đấy mình ơi”. Đủ tháng đủ ngày Trần Thị hạ sinh một bé trai đẹp như thiên thần. Ông bà mừng khôn xiết đặt tên con là Thịnh. Lê Văn Thịnh. Thịnh cầm tinh con hổ, lớn lên ở vùng quê nghèo Ngô Xá như bao đứa trẻ khác.

Đến tuổi đi học cậu bộc lộ tư chất thông minh hiếm có. Năm tuổi đã hiểu lễ nghĩa, biết kính trên nhường dưới. Mười hai tuổi đọc hết kinh sách. Nhìn sao trời biết thiên văn, ngắm thế đất tường địa lý. Người dân trong vùng bảo Thịnh là “Hổ thần” là “Nhân kiệt trời Nam”.

Cuộc sống tưởng cứ hanh thông như thế trong sự nuôi dạy yêu thương của cha, mẹ và đùm bọc của dân làng thì tai họa ập đến. Ông đồ Lê Thành trúng gió cấm khẩu. Chưa đầy tuần trăng ông đã trút hơi thở trên tay vợ con. Quá đớn đau cô quạnh, quả phụ Trần Thị cũng đi theo chồng.

Thịnh như cái nhà không nóc trơ trọi lúc vừa tròn mười tám tuổi. Trên đầu lồng hai chiếc khăn tang Thịnh cứ vật vã đập mặt xuống đất mà kêu trời. Máu hòa nước mắt suốt mấy ngày liền. Ba năm mặc áo xô đi chân đất chịu tang cha mẹ. Một mực tiếc thương cung kính. Đoạn tang, Thịnh rời Ngô Xá về quê mẹ ở Từ Sơn dạy học. Đằm mình vào cuộc sống lam lũ của dân nghèo, Thịnh có một hành trang không chỉ trên sách vở mà còn hiểu lẽ đời một cách sinh động thực tế nhất.

Năm Ất Mão (1075), Lý Nhân Tông mở khoa thi Minh kinh bác học kén chọn người tài giúp vua trị nước. Lê Văn Thịnh về Ngô Xá thắp hương song thân xin vào Thăng Long dự thi. Đi tới gần sông Đuống thì trời tối. Thịnh nghỉ qua đêm ở một quán ven đường. Chủ quán là người tướng mạo phi phàm. Trang phục, hành trạng của ông ta chẳng ra đạo sĩ chẳng ra người xuất gia tu hành. Nhưng hỏi đến thì kiến văn muôn phần viên mãn.

Thấy khách còn trẻ tuổi mà cốt cách nhu mì, nói năng lễ độ khoan hòa thì mến lắm. Đêm ấy hai người đàm đạo rất khuya. Thịnh hỏi: “Chẳng hay chuyến này về kinh dự thi kết quả thế nào?”. Chủ quán mỉm cười với tay lấy cái que chống phên cửa sổ.

Ánh trăng như làn sóng bạc ùa vào. Trầm ngâm nhìn người khách trẻ rồi buông một câu cụt lủn: “Nhân duyên gặp thời”. Một lúc sau, Thịnh lại hỏi: “Nước nhà đang buổi thịnh trị, người quân tử lập công danh ra sao? Hậu vận họa phúc thế nào?”.

Chủ quán bảo: “Nhân duyên hòa hợp. Mọi pháp hữu vi đều do nhân duyên hòa hợp mà thành. Trăng no vằng vặc đấy. Vực đen thăm thẳm đấy...”. Lê Văn Thịnh thấy lạnh ở sống lưng. Cảm giác lo lắng bồn chồn. Mồ hôi rịn ra chỗ chân tóc.

Chủ quán cầm hai bàn tay Thịnh lật ngửa lên lướt qua lướt lại trên mười ngón tay. Mắt chợt sáng chợt tối, miệng nói vu vơ: “Hư hư thực thực. Vô ngã tính không. Tất cả đều là mộng ảo. Duyên đủ. Duyên đủ”. Lê Văn Thịnh muốn hỏi thêm thì chủ quán rũ áo đứng dậy vào nhà trong.

Giọng rơi văng vẳng: “Chẳng sinh cũng chẳng diệt/ Chẳng thường cũng chẳng đoạn/ Chẳng một cũng chẳng khác/ Chẳng lại cũng chẳng ra”(*). Lê Văn Thịnh mê đi từ lúc nào. Sáng hôm sau tỉnh giấc không thấy chủ quán đâu. Thịnh vào Thăng Long dự thi và năm ấy đỗ đầu được vinh danh Trạng nguyên khai khoa nền nho học nước Việt lúc mới 25 tuổi.

Nhà văn Nguyễn Trọng Tân sinh năm 1949, quê Cao Xá, Lâm Thao, Phú Thọ; nguyên Phó trưởng Ban sáng tác, Q. Tổng biên tập Tạp chí Văn học nước ngoài (Hội NVVN). Ông đã có 18 tác phẩm (truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký); được tặng nhiều giải thưởng văn học.

*

Vua Lý Nhân Tông húy Càn Đức trị vì lâu nhất triều đại nhà Lý. Năm ông lên sáu tuổi thì vua cha Lý Thánh Tông băng hà. Lý Càn Đức được đưa lên kế ngôi với sự bảo trợ chấp chính của mẹ là Linh nhân thái hậu Hoàng Thái phi Ỷ Lan và Thái úy Lý Thường Kiệt.

Năm Lê Văn Thịnh đỗ Trạng nguyên, vua Lý Nhân Tông mới tròn mười tuổi. Thịnh được cho vào triều dạy vua học. Tuổi trẻ tài cao Thịnh được cả Hoàng Thái hậu và quan Thái úy yêu mến. Chỉ sang năm sau Lê Văn Thịnh đã được tấn phong chức Thị lang bộ binh.

Con đường hoạn lộ rộng thênh thang, Thịnh thỏa sức thể hiện tài trí của mình. Chín năm giúp đời, Lê Văn Thịnh đã có công lớn dâng vua các chính sách cải cách triều chính như: Định các chức quan văn võ, quan hầu cận, các chức tạp lưu; Định chính sách thu tô và quản lý điền địa; Chia các chùa chiền trong nước thành ba hạng; Tổ chức thi tuyển người vào Hàn lâm viện...

Thịnh còn nổi lên như một nhà quân sự và ngoại giao thiên tài. Cuộc chiến tranh chống Tống lần thứ hai 1075 - 1077 của nhà Lý tuy thắng lợi, nhưng mối hận thù giữa hai bên cứ dai dẳng mãi. Đại Tướng nhà Tống là Quách Quỳ chiếm một vùng đất rộng lớn ở châu Quảng Nguyên, Cao Bằng, chuẩn bị binh mã báo thù. Lúc ấy Thịnh mới gần ba mươi tuổi. Ông thảo một bức thư gửi cho Quách Quỳ. Lời lẽ nghiêm trang có tình có lý.

Lê Văn Thịnh phân tích lẽ thiệt hơn nếu hai bên cứ đối đầu và cái thế bất lợi trông thấy của nhà Tống khi đó. Chữ nghĩa của Thịnh mềm mại mà sức công phá chẳng khác gì tên đạn. Đọc thư của sứ giả nhà Lý, Quách Quỳ toát mồ hôi lập tức lui binh. Năm sau, khi mối bang giao với nhà Tống đã có chiều êm thuận, Lê Văn Thịnh được vua Lý Nhân Tông cử làm sứ thần dẫn đầu một phái bộ sang nhà Tống đòi đất. Vẫn với phong thái đĩnh đạc, kiến văn uyên thâm, lời lẽ nhu mì mà rành rọt lý tình, Lê Văn Thịnh đã thuyết phục Hoàng đế nhà Tống trả lại sáu huyện thuộc châu Quảng Nguyên, Cao Bằng cho nhà Lý.

Vua Tống hết sức kính phục tài năng của Lê Văn Thịnh, ban chức Long Đồ các đãi chế và ca ngợi Trạng nguyên Lê Văn Thịnh là vị sứ giả vô song có một không hai. Lê Văn Thịnh nổi lên như một ngôi sao sáng nhất trong triều chính nhà Lý khi ấy. Mười một năm rời mảnh đất nghèo Ngô Xá, ở tuổi ba mươi mốt, Lê Văn Thịnh đã leo lên đến tột đỉnh danh vọng: Thái sư đầu triều.

Nhà Lý đến thời Lý Nhân Tông với các chính sách hoàn chỉnh và tiến bộ đã ổn định đường lối cai trị. Phật giáo trở thành Quốc đạo. Đứng đầu việc suy tôn Phật giáo là Hoàng Thái phi Ỷ Lan và nhà vua đương triều. Nho giáo cũng được phát triển và người đại diện không ai khác là Trạng nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh.

Phá Tống, bình Chiêm đất nước trở lại thanh bình. Việc chấn hưng giáo dục, văn hóa, tôn giáo tiến hành mạnh mẽ. Nhiều chính sách mà Lê Văn Thịnh chắp bút cũng được đem ra áp dụng trong thời bình. Các luồng tư tưởng bộc lộ va đập nhau. Quyền lợi của giới quan lại, nhà giàu bắt đầu bị xem xét lại... Triều đình Lý Nhân Tông phải đối mặt với những mâu thuẫn phe phái nảy sinh.

Tháng 11 năm Ất Hợi (1095), nhân buổi thanh bình, vua Lý Nhân Tông ngự xem đánh cá ở hồ Dâm Đàm, phía Tây thành Thăng Long. Tiết trời đầu đông mịt mù sương khói. Bỗng trong chốn mờ ảo ấy có tiếng mái chèo bơi gấp. Vua lệnh phóng lao. Sương tan, lộ ra trên thuyền một con hổ lớn nhe nanh múa vuốt. Lão ngư phủ tên Mục Thận cạnh đấy tung lưới trùm lên con hổ thì nó hóa hình thành Thái sư Lê Văn Thịnh. Lúc ấy triều đình mới tá hỏa.

Lê Văn Thịnh đội lốt hổ hòng giết vua cướp ngôi. Người ta mới nhớ trước đấy Lê Văn Thịnh có nuôi một tên đầy tớ người nước Đại Lý ở trong dinh. Tên này có biệt tài phù phép người thành hổ để mua vui. Lê Văn Thịnh học được mẹo đó. Tội giết vua đứng đầu thập ác, phải tru di tam tộc. Nhưng Lê Văn Thịnh là người có công lớn với nhà Lý lại là thày học của vua nên chỉ bị khép án chung thân lưu đày.

Miệng lưỡi thế gian phân tâm lắm. Người thì bảo Thịnh oan: “Thật là cay đắng ngậm ngùi/ Chữ tai kia vận vào người tài hoa”. Kẻ thì giễu: “Muốn làm hổ thì cho lên Thao Giang sống với hùm beo”. Chuyện Thịnh mưu hại vua cứ u u minh minh chẳng biết đâu mà lần. Nghe nói Thịnh vướng vào âm mưu trả thù của đám hôn quan. Bọn quan tham và lũ nhà giàu bị mất quyền lợi bởi các chính sách của vua do Thịnh chắp bút đã dựng lên thảm án này.

Lại có chuyện Thịnh đứng đầu phái Nho giáo đối đầu với trào lưu Phật giáo đang phát triển mạnh do Hoàng Thái phi và Lý Nhân Tông khuyến khích... Ngồi ở cái ghế Thái sư đầu triều tột đỉnh vinh quang, lại tài trí hơn người Thịnh hiểu nghĩa lễ, dại gì giết vua để hại thân mình. Nhưng chẳng một người nào dám bênh Thịnh.

Tội giết vua không ai thoát nổi cái chết kể cả hoàng thân quốc thích. Vậy mà Lê Văn Thịnh chỉ bị lưu đày, họ hàng vô sự. Thằng đầy tớ nước Đại Lý cũng trốn mất tăm mất dạng. Vụ án hồ Dâm Đàm thật giả khó phân, để lại bao nhiêu điều nghi hoặc trong dân chúng.

Tuần trăng cuối cùng năm ấy một cũi tù đặc biệt đưa “Con hổ” lớn Lê Văn Thịnh lên Thao Giang.

*

Làng Điềng, Thuận Thành xứ Kinh Bắc chiều muộn mùa thu năm Mậu Dần (1098) xuất hiện một người đàn ông tiều tụy như kẻ hành khất. Ông lão chưa đến 50 nhưng tấm thân trĩu oằn xuống. Chợ lúc ấy đã vãn người. Gió hun hút thổi. Ông lão mệt mỏi ngả lưng trên cái sạp tre trong một quán bỏ không rồi chìm vào cơn mộng mị. Trong mơ có người lay ông lão dậy:

“Cụ đi đâu mà nằm ở đây? Trời sắp tối rồi”. Ông lão thấy một dị nhân tiên phong đạo cốt. “Dạ, tôi về trên Quế Dương. Đường còn xa mà sức thì kiệt”. Dị nhân lại bảo: “Trông cụ mệt lắm. Để tôi kiếm bát cháo hoa cụ ăn cho lại sức”. Ông lão cảm động lắm.

Dị nhân đi một thoáng đem về lưng tô cháo to, khói lên nghi ngút. Ông lão xoay tô cháo húp vòng quanh một cách ngon lành. Dị nhân lại hỏi: “Cụ còn muốn ăn gì nữa không?”. Ông lão bảo: “Tôi thèm một khúc cá nướng”.

Dị nhân bước ra khỏi lều và chẳng bao lâu đã đem tới một con cá chép tươi rói. Lửa được nhóm ngay trong quán. Hai người đàm đạo chuyện thế sự. Hình như họ có nhắc đến vụ án hồ Dâm Đàm kinh thiên động địa mấy năm trước mà người đời cho rằng nó đầy chuyện oan khuất.

Dị nhân bảo: “Oan, không oan tất cả chỉ là cơn mộng mị trong giấc chiêm bao. Phúc họa vô thường. Phật dạy trên đời mọi sự an vui, khổ đau, oan trái thực chất đều quy về một chữ “không” mà thôi. Ngay đến con người cũng từ nhân duyên hòa hợp của tinh cha huyết mẹ, của vật chất áo cơm rồi công chăm bẵm dạy dỗ mà thành.

Nhưng thực chất con người ấy cũng là mộng ảo cả. Đời là bể khổ. Đời vốn mong manh, vô thường cần chi phải cố chấp chuyện oan khuất, khổ đau, sinh tử...”. Ông lão chắp tay đa tạ những lời chỉ bảo của dị nhân. Giấc ngủ lại bập bùng ập đến.

Tinh mơ hôm sau người dân làng Điềng đi chợ sớm hốt hoảng thấy một ông lão chết trong ngôi quán chợ. Theo định lệ của triều đình, người hành khất lang thang chết ở đâu thì địa phương đó phải lo chuyện ma chay. Các chức sắc địa phương lục tìm trong cái bị mà ông lão mang theo. Họ sửng sốt tá hỏa khi biết người chết là Thái Sư, Trạng nguyên Lê Văn Thịnh. Không ai bảo ai tất cả những người có mặt cùng sụp cả xuống mà lạy. Họ khóc thương cho bậc đại quan xấu số.

Vậy là chỉ hơn hai năm chịu án lưu đày, Thái sư đã được tha bổng. Ngài lần về quê và hóa ở chợ Điềng vào đúng lúc tuần trăng tỏ. Hôm đó nhằm ngày 12 tháng 8 âm lịch. Cả làng Điềng bỏ phiên chợ để làm ma quan Thái sư. Khi họ quay lại chỗ ông nằm thì xảy ra chuyện kỳ lạ. Một ụ mối to như đống rơm đã phủ kín thi thể ông lão. Một ngôi mộ kết. Người chết như thế thiêng lắm.

Dân làng bàn nhau cứ để yên vậy mà xây gạch trùm lên. Đám ma Thái sư to nhất vùng. Ông được tôn làm Thành hoàng làng Điềng. Sau làng ấy đổi tên thành Đình Tổ. Hàng năm dân làng tổ chức Hội Đình Tổ vào đúng ngày Trạng nguyên Lê văn Thịnh quy tiên. Trong lễ cúng bao giờ cũng có món cháo hoa và cá nướng.

Sau ngày Thái sư Lê văn Thịnh về thần, ở quê hương Ngô Xá và ở nơi ông ngả lưng mà không bao giờ trở dậy, mọc lên rất nhiều công trình thờ phụng. Người đời ngợi ca vinh danh ông một phần vì tài năng xuất chúng, nhưng có lẽ cũng vì ông là hiện thân của sự oan khuất. Dân chúng bao giờ cũng cảm thông và đứng về phía người yếu thế, bất hạnh.

Còn theo như Phật dạy mọi chuyện đều do duyên sinh mà ra. Con người Lê Văn Thịnh từ lúc chào đời thông minh dĩnh ngộ, hiếu nghĩa, tài năng thần đồng tới chuyện tai bay vạ gió đều cũng bởi do hội đủ các mối nhân duyên ấy mà thành. Nó như làn gió thoảng ghé trọ trần gian. Gió bay đi đem theo mọi điều ái ố hỷ nộ ở đời.

Với Thái sư Lê Văn Thịnh, cái còn lại mãi là tiếng thơm mà đời chiêu tuyết cho ông: “Bắc Triều phục sứ vô song sĩ/ Nam quốc khai khoa đệ nhất nhân”(**).

(*) Một đoạn “kệ” trong Trung quán luận của Đức Bồ tát Nagarjuna

(**) Câu đối trong đền thờ ông ở làng Đình Tổ.

NGUYỄN TRỌNG TÂN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/truyen-ngan-duyen-du-636862.ldo