Truyện ngắn: Hội chứng chim sơn ca

Có một điều thuộc dạng nhận thức phổ biến, nhưng ít người để ý và công nhận. Đó là cái đẹp, nó thực sự là một đặc tính rất nhạt nhòa, chung chung. Một người đẹp là một người nhận được sự tán thưởng của hầu hết công chúng. Và vì vậy, những cái đẹp thuộc về người đó có một mẫu số chung tiềm ẩn trong nhận thức của mọi người. Mời nghe đọc bài

Người ta có thể sửng sốt, chết lịm đi trong niềm ngưỡng mộ vô bờ trước một gương mặt đẹp nào đó, nhưng khi bị buộc phải miêu tả, phải hình dung, nó đẹp ở chỗ nào, thì người ta sẽ vấp phải một bức tường kính, ngăn cản sự nắm bắt của ý thức.

Nghĩ về Hoài, tôi luôn có cái ấn tượng não nề đó. Chìm trong một bong bóng xà phòng khổng lồ, bềnh bồng, cho đến khi "bụp", và vỡ tan.

"Thế là thế nào? Mày bảo anh ấy đẹp, nhưng lại không nhớ nổi, là sao?", Linh vừa nhìn tôi vừa hút một cái rột. Ly cà phê sữa của nó đã cạn, chỉ còn chút đá nhỏ leng keng.

Tôi nhớ mình từng ngồi cùng Hoài hôm nọ, trong một buổi tối thế này. Anh uống cà phê, nhìn tôi mỉm cười dịu dàng. Anh có gương mặt vô cùng thanh nhã. Mắt đẹp, môi đẹp, miệng cười đáng yêu. Khi nhìn nghiêng, sống mũi thanh tú không thể tưởng. Nhưng tôi chỉ biết có thế, không thể nói thêm gì được. Quả thật, cái sự đẹp của anh nói riêng, và của mọi người nói chung, dường như là một thứ gì thật thiếu sắc thái, khó diễn tả...

"Ừ", tôi gật đầu, tiếc nuối. "Chỉ có thế thôi, chẳng thể nhớ nổi".

Tôi khuấy ly cà phê sữa của mình. Mải nghĩ ngợi, nó đã tan cả, nước đằng nước, sữa đằng sữa, cà phê đằng cà phê, thành một thứ hổ lốn chẳng ra gì nữa. Một thứ nhạt phèo. Ấy vậy mà chúng tôi cũng đã hò hẹn gần nửa năm.

"Dù sao cũng kỳ lạ", tôi ngẩn ra một lúc, "Nếu mày bảo tao kể Phan như thế nào, thì tao có thể mường tượng ra mồn một".

Linh thở hắt ra, xoay mắt một vòng, kiểu "biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Kế đó, phẩy phẩy tay, kiểu "dẹp chuyện đó qua một bên". Rồi ngoắc anh bồi định gọi thêm một ly nữa. Tôi chống cằm chờ đợi.

Bỗng nhiên có nhu cầu nghĩ ngợi, tôi thử đào bới trong ký ức mơ hồ.

***

Phan không đẹp. Tôi nghĩ vậy. Hắn cao và gầy, có nét cười rất chểnh mảng. Tóc tai bờm xờm lâu ngày không cắt không chải. Tôi thích nhất những lần đè hắn ra chải đầu. Hắn ngọ ngoạy trên ghế, vẻ vừa ngại ngùng xấu hổ vừa giống trẻ con, hở tí là tìm cách vụt chạy đi. Tôi ấn vai hắn bắt ngồi xuống, tay hăm hở ghì cái lược răng to hết cỡ. Những đoạn tóc rối, tôi phải nghiêng người thật sát, chạm vào xương vai hắn rất cứng.

Phía sau đám tóc rối nùi ấy, hắn đang bặm môi. Cứ như thể khi hắn gồng mình thì tóc sẽ chịu duỗi ra hay sao ấy. Một gương mặt gầy gò trên có hai con mắt to, dưới là hai quầng mắt đen thiếu ngủ.

Tệ hơn, khi Phan ngồi trước dương cầm, hắn không có vẻ đĩnh đạc cần thiết của những nghệ sĩ dương cầm độc tấu. Người hắn quá cao so với cây đàn, hoặc có thể hắn thích làm ra vậy. Lưng hắn còm còm, mắt đăm đăm về phía trước, nơi giá để nhạc (dù nhiều khi chẳng có bản nhạc nào ở đó cả), những ngón tay dài thanh mảnh mổ như mổ cò trên những phím đàn cũ màu ngà.

Một lần tôi đến nhà, phát hiện hắn đang đàn trong bóng tối. Phía sau lưng là khung cửa sổ màu xanh xám phờ phạc của bầu trời dưới ánh trăng. Lưng hắn cong, tạo một góc với cây đàn như một chữ D ngược.

Lần đó, tôi lẳng lặng ngắm hắn, trong một đêm tháng tư đầu hạ. Trời chuyển sang một thứ oi nồng ngột ngạt. Từng thanh âm của dương cầm vang trong đêm tối.

Hắn như một loài chim chỉ hót về đêm, rồi sẽ thảng thốt giật mình khi bình minh đến. Ánh mặt trời phơi trần, ảo giác huyền diệu thành hiện thực trần trụi tầm thường. Mấy ai biết sơn ca thực ra chỉ là một loài chim nhỏ xám nâu, với đôi mắt láo liên đầy sợ hãi.

***

Nhà Phan ngay sát nhà tôi. Trong một dãy nhà nhỏ cho thuê không cao không thấp, trong một khu đất không thành thị cũng chả nông thôn. Đường đến trường hay công sở đều xa, nhưng được cái chi phí rẻ. Phía sau là một cánh đồng, thật ra là một khoảnh đất thì đúng hơn, đầy cỏ lau và cây dại.

Tôi ở cùng một đứa con gái rất thờ ơ, đi đi về về, hầu như chẳng ngó ngàng gì đến tôi, nên tôi cũng đáp lại như thế. Được chia sẻ tiền nhà với một đứa như thế cũng khỏe, khỏi lôi thôi.

Phan thì ở một mình, hẳn một cái nhà riêng, dù nhìn hắn thì hẳn ai cũng nghĩ: "Cái gã như vậy thì kiếm cơm thế quái nào?".

Quả thật hắn chả biết cách kiếm ăn.

Phan lúc bảo mình là sinh viên trường nhạc, lúc lại bảo không. Khi thì bảo hắn đã bỏ học, tự bươn chải. Cũng chả biết hắn thực sự học cái gì. Cũng có những tối cuối tuần hắn đi chơi nhạc cho các tụ điểm ca nhạc nhỏ, hoặc các quán cà phê. Chả nghe hắn nói gì về nhạc lý. Có muốn kiểm tra thì tôi cũng mù tịt, chỉ biết đại khái vài cái tên: Bach, Mozart, Chopin... Hắn cười vào mặt tôi. Cái cười kêu lách chách trong không trung, vang vào mấy bức tường nhà rêu phong cổ lỗ.

Đồ đạc trong phòng cũng đơn giản. Một cái CD cassette và hai bộ loa đáng đem bán ve chai để ở góc phòng. Cạnh đó là một cái nệm lún (nó chỉ lún ở đúng một chỗ và cứng ngắc ở tất cả những chỗ còn lại). Một cái gạt tàn thuốc thủy tinh (tử tế và đẹp đẽ, quà tôi tặng). Góc phòng ngay chỗ cửa sổ là cây đàn dương cầm (thứ duy nhất có giá trị).

Ngoài ra còn một góc bếp, nơi trú ẩn êm đềm của bọn nhện, và sách báo tập nhạc thì vung vãi mọi nơi. Gác cũng có đấy, nhưng chất đầy những thứ không tên của chủ nhà hoặc người thuê trước, cũng có khi chính hắn cũng vứt đại lên đó những thứ đã chán chường...

Ban đầu tôi cũng có ý định dại dột là dọn dẹp sạch sẽ cái ổ của Phan. Chỉ một tuần, rồi đâu lại vào đấy. Cứ như là sự mất trật tự bản thân nó đã là một thứ trật tự riêng vậy. Tôi không thể cứ hở tí là dọn dẹp giặt giũ như một cô bồ ngoan ngoãn thực sự. Như vậy tôi thấy mình có vẻ yếu yếu sao đó. Nhưng đôi lúc tôi cũng không tránh khỏi việc vùng vằng giận dỗi.

"Thì đừng dọn dẹp nữa. Tôi có khiến Phương đâu". Hắn thọc tay vào đám tóc rối mù, ngoáy thêm một độ rối nữa, mắt lờ đờ nhìn tôi. Hắn có vẻ uể oải mệt mỏi, sau một đêm mất ngủ. Và tôi im.

Từ khi gặp Phan, tôi ngạc nhiên nhận ra, ở một số người, hình như có một thứ ma lực kỳ lạ. Như Phan đối với tôi, hễ hắn giương cặp mắt có vẻ yếu ớt nhìn tôi, thì tôi chẳng còn có thể phiền trách gì hắn được nữa. Phan như có một bản năng của trẻ nhỏ, của một con vật yếu ớt, cái cách hắn phản ứng (không biết vô tình hay cố tình) trước cơn giận của tôi, như một cái gì nhói vào tim, khiến tôi không còn sức để mà bùng nổ nữa.

***

"Em là một cô gái rất nghiêm túc và rất tốt...".

Hoài nhìn thẳng vào tôi, mắt anh lúc nào cũng rất đen và long lanh như cười. Tôi rất ngại nhìn thẳng anh. Vì thường vẻ đẹp của anh khiến tôi thấy chói mắt.

Tôi cười mỉm, rụt rè. Chúng tôi ngồi trong một quán ăn rất ồn ào. Một quán với những món khá ngon. Tiếng đũa muỗng vang lên như tiếng nhịp của một thứ nhạc kỳ quái.

Hoài nói tiếp: "Anh rất thích em".

Nhằm ngay lúc thứ nhạc ấy lên cao trào, tiếng của anh chìm vào khoảng không đầy mùi xào nấu. Nhằm lúc âm thanh hỗn độn, tôi giả tảng mình đang chìm trong thứ mùi vị nêm nếm rất khéo của món ăn.

"Thứ thịt này lạ nhỉ. Em chưa từng nếm qua". Tôi chăm chú nghiên cứu một mảnh kẹp giữa hai đầu đũa.

"Thịt cừu đấy".

"Hả?", tôi hơi ngạc nhiên. "Em cứ tưởng người ta chỉ lấy lông cừu thôi chứ?".

"Thì lông". Hoài bật cười. Anh cười trông rất đáng yêu, hai bên mắt có những đường nheo lại. "Lông đi đằng lông mà thịt đi đằng thịt. Cái nào cũng xài cả. Tận dụng triệt để đấy".

"Thế cừu đen thì để làm gì?". Tôi nghĩ ngợi. "Lông đen thì đâu dùng vào việc gì được nhỉ".

"Sao biết được. Anh có nuôi cừu đâu".

"Lạ nhỉ!".

"Mà có chuyện gì với em và cừu đen chứ?".

"À không. Có gì đâu. Em hỏi thế thôi".

***

Một chiều tháng chín. Trời nổi gió như sắp có giông. Mây kéo đen như những đám bọt khổng lồ bịt kín bầu trời. Mặt trời bỏ đi. Tôi vội sang nhà Phan để nhắc hắn đóng cửa sổ, tránh cho cây dương cầm khỏi cuộc tàn sát của nước mưa. Ở cổng ra vào, tôi chạm mặt một người đàn ông.

Ông chừng ngoài năm mươi, vẻ rất đứng đắn sang trọng. Áo sơ mi trắng kẻ sọc thanh lịch. Quần tây đen cắt may đúng kiểu. Dù lớn tuổi, khổ người ông rất vừa vặn. Khuôn mặt có vẻ tràn đầy hạnh phúc. Thứ duy nhất dường như lạc lõng và gây ấn tượng trên tôi nhất là đôi mắt to, hơi quá to.

Cả hai lướt qua nhau, gật đầu chào lấy lệ. Rồi ông bước thẳng tới chỗ chiếc xe hơi đậu bên góc khuất của hàng rào, không hề quay lại. Một chiếc xe màu đen, cũng lịch sự không kém chủ nhân của nó.

Tôi thấy Phan đang ngồi trên nệm, đúng ngay chỗ lún. Trông hắn ta có vẻ thê thảm một cách buồn cười. Trong tư thế đó, đầu gối hắn co lên tới vai, và hai tay hắn chống cằm, khuỷu ép sát vào hông. Tôi hất mặt, tỏ ý tỏ vẻ hỏi về người đàn ông gặp khi nãy.

Phan lầm bầm: "Ông già tôi đấy".

Rồi Phan rũ hết tay chân, thở ra, trông như con thú ốm.

"Phương!".

"Gì?".

"Có thể ôm tôi tí được không?". Thật lạ là câu này nói ra từ Phan thì rất bình thường, hiển nhiên, như trời mưa thì nước rơi xuống vậy. Tôi bước tới, ngồi xuống tấm nệm. Và Phan khẽ dịch người khỏi chỗ lún, ngả vào tôi như thân cây đổ. Mái tóc rối phủ đầy trên đùi tôi nghe nhột nhạt. Và theo phản xạ, tôi lấy tay vuốt mái tóc ấy. Lúc đầu là để vén nó qua một bên. Sau là để vuốt ve nó, kế là nhẹ nhàng vuốt lên cái trán bướng bỉnh của Phan.

"Ông ấy là một con cừu trắng".

"Hả?", tôi ngơ ngác.

"Ba tôi ấy. Ông ấy và mẹ tôi, sinh ra một bầy cừu trắng". Phan nuốt nước bọt, cổ họng nảy lên một cái nhẹ. "Sau đó hai người chia tay, rồi mỗi người lại sinh thêm một đám cừu trắng nữa. Chẳng hiểu sao lại lọt mỗi tôi là cừu đen. Một con cừu đen giữa bầy".

Phan nhắm mắt. Có vẻ như đã hết sức lực. Trông hắn như vừa trải qua một trận bệnh tả tơi. Hắn xoay người, mặt úp vào bụng tôi, và một tay vòng qua níu lấy lưng tôi. Cử chỉ có vẻ tuyệt vọng. Ngoài trời, những tiếng lao xao đã hóa ra âm thanh rào rào như hàng ngàn con cào cào gặm lúa. Trời mưa.

Tôi khom người xuống, vòng tay ôm Phan vào lòng. Những lúc như thế này, trong tôi nảy sinh một cảm giác gần như là tình yêu. Hắn mỏng manh, yếu đuối và buồn. Và dễ vỡ. Hắn bấu víu như một chú mèo con, tay chân lỏng khỏng quơ quào bằng những động tác mù quáng. Phan bám lấy tôi. Tôi ôm hắn, dẫu hắn có vẻ quá to so với vòng tay của tôi. Cằm tôi đặt trên tóc hắn. Màu đen, rối, và ấm áp.

Con cừu đen chẳng để làm gì.

"Ông ấy sẽ không chu cấp nữa". Phan ngẩng lên, nhìn tôi. Tôi phản chiếu hoàn toàn trong đôi mắt đen của hắn. Chỉ có tôi, duy nhất.

"Chắc tôi sẽ bị đói".

Tôi phì cười. Phan có vẻ thật ngây ngô. Tôi cúi xuống môi hắn. Chúng tôi hôn nhau. Chúng tôi đã hôn nhau rất nhiều lần. Nhưng sao chưa bao giờ chúng tôi thử yêu nhau? Sao chưa bao giờ hắn thử nói yêu tôi?

***

"Hội chứng. Mày đang ở trong một hội chứng. Nightingale Syndrome". Linh gật gù. Nó nhìn tôi vẻ như chẩn bệnh làm tôi phát cáu.

"Thôi đi!". Tôi nạt. "Tao không phải nạn nhân tâm lý để cho mày chẩn đoán".

"Thừa nhận đi. Mày cảm thấy muốn che chở hắn, đúng không? Muốn quan tâm chăm sóc hắn, đúng không?".

Tôi ậm ừ, nhay đi nhay lại cái ống hút trong miệng.

"Mà kết lại là sao chứ? Một gã lêu lổng hay âu lo vẩn vơ. Tính tình được chăng hay chớ. Ích gì nào?".

Tôi thấy giận mình hết sức. Tự nhủ lần sau, nhất định có cạy răng cũng không nói bất cứ điều gì cho Linh nghe nữa.

"Coi nè, tài sản của mày trước giờ có những gì, một con mèo què, một con chó con quặt quẹo ốm lên bệnh xuống, một con chuột đồng trụi lông. Lần này là con cừu đen vô tích sự".

"Phan không phải cừu đen. Hắn giống như sơn ca...".

"Cũng thế thôi. Con chim ích kỷ cả đời chỉ hót ban đêm. Nó sẽ chết đói sau vài tuần. Chọn hay lắm".

Tôi thở dài: "Tao có chọn gì đâu".

Thường trong những cuộc nói chuyện kiểu này, tôi luôn là người bị công kích. Linh là một sinh vật mạnh mẽ và có lý trí. Mọi chuyện đối với nó luôn được phơi bày rành rẽ dưới ánh nắng mặt trời, bị phân tích dưới kính hiển vi siêu lượng. Với tư cách bạn thân, nó rành rẽ tôi từng chi tiết cuộc đời và hễ có dịp là đem ra đay nghiến ở mọi góc độ, mọi khía cạnh dù nhỏ nhặt nhất.

Tôi không phiền. Với tư chất một kẻ yêu bản thân, tôi không thích làm khổ mình bằng cách tự giày vò sau khi thực hiện những quyết định, hành động sai lầm. Thay vì vậy, tôi để người khác làm việc đó. Như vậy, về mặt quan điểm cá nhân, tôi ít ray rứt. Hơn nữa, việc để cho đầu óc tranh đấu nội tâm, điều đó tự thân đã là một việc có chất hành xác vượt quá khả năng của tôi.

Florence Nightingale, người phụ nữ sống cách đây mấy trăm năm, bỏ cả cuộc đời mình để chữa lành vết thương của những người khác, có bao giờ nghĩ rằng tên mình có ngày được sử dụng như một hội chứng?

Và bà có khi nào nghĩ đến việc chăm sóc vết thương cho chính mình?

***

"Em không phải là một cô gái nghiêm túc". Tôi nói với Hoài. Một cô gái nghiêm túc không công nhận mình là bạn gái của người này, nhưng lại đi hôn một người khác.

Tôi muốn kết thúc thẳng thắn với anh. Dù thật ra cũng không phải chuyện đại sự gì lắm để có một kết thúc lâm ly. Anh hơi chưng hửng, và chắc sẽ buồn tí chút cho tới lúc hết ngày. Sau đó, một list dài những cô gái khác sẵn sàng lao vào anh, chết cháy trong cái vẻ trang nhã quyến rũ như ánh sáng đèn lấp lánh.

Suy cho cùng, anh muốn có một cô gái nghiêm túc để hẹn hò. Cả hai chúng tôi hẳn đã nhầm lẫn về nhau trầm trọng. Cũng không có gì để nuối tiếc.

Thật ra, thỉnh thoảng tôi có nghĩ đến Hoài trong một thoáng tiếc nuối, nhớ lại gương mặt anh trong ánh đèn vàng của những quán cà phê, bên tai vẳng tiếng hát vẩn vơ của những ca sĩ không tên.

Cuối cùng vẫn là ấn tượng trước một cái gì quá đẹp, quá phi thực tại, và quá nhạt nhẽo...

***

Tôi nhẩm cho Phan nghe một điệu nhạc mình thích, mà không nhớ tựa, vì tôi muốn Phan đàn cho mình nghe. "Đó sẽ là bài nhạc của mình và hắn". Tôi nghĩ.

Kể từ nay, trong tôi đã có một quyết định, một công nhận hiển nhiên, là giữa tôi và Phan đã diễn ra một cái gì không thể thoái lui được. Và tôi cần một cột mốc đánh dấu. Phòng cho những ngày sắp tới. Những ngày không có dự báo thời tiết nào đoán nổi, sẽ chỉ có chúng tôi, đối mặt với những cơn thịnh nộ của cuộc đời.

Giọng tôi hát nghe buồn cười. Nhưng Phan không cười, hắn nghĩ ngợi với một vẻ nghiêm nghị hiếm có.

"Tristesse của Chopin. Phương thích à?".

Rồi hắn dạo ngón tay trên những phím đàn, cái lưng cong cong. Những ngón tay mảnh dẻ, và móng tay luôn cắt sạch sẽ. Hắn có thể bê bối, nhưng không bao giờ để móng tay dài. Đó là điều làm tôi ngạc nhiên. Hình ảnh hắn chăm chú cắt giũa tỉ mẩn từng chiếc móng tay, có vẻ là một cảnh tượng lạ lùng và buồn cười.

Bản nhạc đã vang lên. Tôi ra phía sau, vòng tay ôm cổ hắn. Chúng tôi đang dắt díu nhau tiến về phía trước, không phải vì một cam kết mãnh liệt cả đời, mà chỉ là một điệu nhạc nhất thời, đã lỡ bắt đầu, chỉ còn cách chơi cho đến kết thúc.

Tôi sẽ cùng Phan chơi hết bản nhạc của chúng tôi, vì đơn giản là đường lui đã bị bịt kín.

Hai con người cô độc cạnh nhau, trong căn nhà nhỏ, cạnh một cây dương cầm ẩm mốc và không chỉnh dây lâu ngày, thỉnh thoảng lại vang lên một âm thanh lạc điệu vô nghĩa.

Chuyện này có gì vui?

Nhưng trong một chuyện buồn, đôi khi lại có thể rút ra một cái gì hay hay, giống như một giai điệu buồn thì thường đẹp.

Bích Khoa

Nguồn Tiền Phong: http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/200849/20081206182301.aspx