Truyện ngắn: Hồi xuân

Sớm nào cũng vậy, đã thành lệ, ông Biên dậy sớm, pha một ấm trà thơm. Sau hồi độc trà, ông lặng lẽ ôm khung tranh, chổi, cọ và những vật dụng cần thiết ra bờ hồ vẽ tranh. Lúc này dân thành phố cũng đã đi tập thể dục, phố xá khởi động một ngày mới tấp nập.

Ông Biên chẳng nhớ rõ mình có thói quen đó từ khi nào, chỉ mang máng từ ngày người đàn bà đó bỏ đi. Người đàn bà ấy nếu chung tình, nhẫn nại thì giờ chắc hai người còn đang hưởng hạnh phúc bên nhau. Sự thể đã không như thế. Thứ tưởng có trong tay đã vuột mất. Nuối tiếc. Hoang mang. Tạo hóa trêu ngươi, cho đấy, rồi cướp đi lúc nào không biết. Ông từng cố để học cách quên…
Sắp xếp mọi thứ xong xuôi, chuẩn bị vẽ, ông Biên hít một hơi sâu như để nạp căng năng lượng buổi sớm vào người. Tức thì, một giọng nói trong trẻo vang lên từ phía sau khiến ông giật mình:
- Bác ơi, bác vẽ gì mà sáng nào cũng ngồi đây thế?
Ông ngẩng lên, trước mắt là một cô gái mặc áo thun, rạng ngời.
- À, ờ… bác… bác vẽ tranh ấy mà.

Minh họa: Quỳnh Hoa

- Bác là họa sĩ ạ? Từ ngày cháu còn bé tẹo, theo mẹ đi tập thể dục đã thấy bác ngồi đây rồi. Giờ đã lớn, bác vẫn ngồi đây, vậy là đã... Có phải buổi sớm dễ gây cảm hứng sáng tác không ạ?
Cô gái thao thao đến bất ngờ, rạng rỡ, tươi vui. Ông thấy vui nên tiếp chuyện.
- Bác đã ngồi đây hai mươi năm rồi.
- Thế thì bác đã có một gia tài rất lớn rồi.
Một thoáng lúng túng, ông trả lời:
- À không, thực ra bác chỉ vẽ có một bức mà suốt ngần ấy năm, vẫn chưa xong.
Cô gái tròn mắt:
- Vậy ư hả bác? Thật khó nhỉ! Bác vẽ đề tài gì ạ?
- Bác vẽ vợ bác, à không, bác vẽ người đàn bà bác yêu. Giọng ông trầm hẳn, ầng ậc, nghe như nỗi buồn đang xâm lấn. Cô gái vội nói:
- Xin lỗi bác, cháu đã làm bác buồn.
Ông Biên vội xua tay. “Không sao cháu ạ”.
Ông quen rồi. Cảm giác này ông chịu bao nhiêu năm qua, giờ nhắc lại, cũng chỉ như cơn gió thổi qua, có gì mà gay gắt. Ông hỏi lại cô gái:
- Cháu là sinh viên à?
Cô gái gật, miệng vẫn nở hoa:
- Dạ vâng.
Cô bé đến gần ông hơn, ngồi xuống bên cạnh, mắt nhìn vào khung tranh và những phác họa ban đầu. Một hồi tưởng tượng.
Một hồi nghĩ suy.
- Bác định vẽ người phụ nữ với mùa Xuân?
- Sao cháu đoán được? Ông Biên tỏ ra ngạc nhiên.
- Vì là sinh viên mỹ thuật nên cháu cũng biết chút ít. Bác vẽ người phụ nữ có mái tóc dài với những gam màu tươi sáng nhẹ nhàng, một chút hồ hởi, cháu dám chắc là bác vẽ đề tài mùa Xuân.
Ông Biên cảm thấy điều gì đó thật thú vị toát ra từ cô gái. Còn trẻ mà đã có tư chất thông minh, cái nhìn sâu sắc. Cô thậm chí đọc được ý nghĩ của ông.
- Bác nghĩ gì vậy ạ?
Ông Biên giật mình, pha chút lúng túng:
- À, nghe cháu nói bác nhớ lại thời của bác ấy mà.
Cô gái hỏi lại:
- Thời của bác chắc đẹp và lãng mạn lắm nhỉ?
- Đúng vậy, lúc là chàng trai trẻ, trong bác đầy sức Xuân, nhiệt huyết. Để lúc nào đó bác sẽ kể cho cháu nghe. Bác cháu mình sẽ gặp nhau nhiều đúng không?
- Dạ, thế cũng được ạ. Cháu nghĩ đây là một cái duyên.
Cô gái chưa bao giờ thấy mình mạnh bạo trước người lạ đến thế. Như thể đã quen lâu lắm.
Ông Biên bỏ cây cọ xuống, đứng lên vươn vai, làm vài động tác thể dục. Ông cùng cô gái đi một đoạn, rồi tiến đến gần sát mép. Đến một ghế đá, cả hai dừng lại: “Bác ngồi xuống ghế nghỉ một lát đã”. Một già một trẻ ngồi bên nhau. Một mùi hương con gái từ cô gái tỏa ra. Ông Biên có cảm giác vừa lạ lẫm vừa quen thuộc, gợi lại trong ông những điều đã chìm sâu trong quá vãng. Tim ông bỗng trở nên ấm nóng, rộn ràng. Lúc này ông mới nhìn kỹ cô gái, suýt reo lên vì vẻ đẹp thầm kín, tinh tế và dung dị của cô gái. Cô gái như một đóa hoa Xuân. Mỗi chi tiết trên đóa hoa ấy là một sự phối hợp hài hòa mà chẳng họa sĩ nào nghĩ ra được. Ở cô, sắc Xuân tỏa ra thuần khiết của vẻ đẹp phương Đông, bền bỉ huyền bí. Ông tự nhủ, mình không nghĩ quá, mình có thể nhận ra điều đó.
Cô gái vừa dõi mắt ra hồ, vừa nói chuyện. Ông không thể không nhìn thấy sức Xuân căng trào trên ngực cô, không thể không nhìn thấy cặp đùi trắng như ngà với những cung đường quyến rũ kéo xuống tận gót son mềm. Tim ông bắt đầu run rẩy.
- Sao bác im lặng thế ạ? Bác đang nghĩ gì à?
Cô gái kéo ông ra khỏi dòng suy tư.
- Bác đang nghĩ về tuổi Xuân và thời gian. Hai thứ ấy chẳng song hành cùng nhau. Trong hội họa, tuổi Xuân có thể được lưu giữ rất lâu. Thời gian được hiển thị qua không gian, đường nét và màu sắc còn thời gian và tuổi Xuân hữu hạn của cuộc đời, ở đó có hạnh phúc, đau khổ, hân hoan, tuyệt vọng… lại thật khó biểu thị.
- Bác nói hay lắm, nhưng lớp trẻ chúng cháu bây giờ nghĩ khác, mọi thứ đơn giản thôi. Cháu chẳng nghĩ được rằng sau này mình theo trường phái nghệ thuật nào. Cháu sẽ vẽ những gì gần gũi, không quan tâm đến thời gian. Thực ra không có thời gian. Thời gian là do con người tự đặt ra, tự đếm rồi ghi lại. Bác đừng nghĩ nhiều cho mệt.
Ông Biên và cô gái lại cuốc bộ về vị trí cũ, đặt giá vẽ, khung tranh của ông. Giọng cô gái giòn tan trong ánh bình minh nhảy múa.
Ông và cô gái trở thành đôi bạn từ lúc nào không biết. Suốt tuần ấy, vào sáng sớm, họ đều gặp nhau nơi bờ hồ. Ông Biên có thói quen dậy sớm để chuẩn bị vừa thể dục vừa vẽ tranh. Một hôm cô gái bị cảm nhẹ không ra được, ông lẩn thẩn ra về sau khi chờ đợi cho đến lúc phố xá tấp nập, lòng ông trống trải. Hôm sau gặp lại được cô, ông mừng như tìm lại được bức tranh quý đã mất.
Cô gái vẫn đi học, đã tự thưa với ông Biên rằng mỗi tuần gặp một lần ở bờ hồ. Ông đề nghị cô về nhà mình để ông vẽ bức chân dung. Cô gái đồng ý. Vẻ thanh xuân của cô được ông vẽ lên khung tranh bằng những nét bút tài hoa khéo léo. Ở đó, không chỉ có nhan sắc, cá tính mà còn chất chứa nỗi niềm sâu lắng. Cô gái cảm động và vui mừng vì bức tranh về cô được ông họa sĩ làm thật cầu kỳ, sống động. Một vuông tranh hài hòa và rực rỡ.
Ông Biên mời một số họa sĩ tên tuổi là bạn của mình về nhà uống trà, đàm đạo nghệ thuật và chiêm ngưỡng bức tranh ông vẽ về cô gái. Họ công nhận vẻ đẹp bức tranh, nhưng chưa hoàn toàn công nhận giá trị của nó. Ông Biên cũng cảm thấy có điều gì đó chưa ổn lắm. Bức tranh vẫn chưa có thần thái riêng, nó vẫn phảng phất cái cũ kỹ, xáo mòn. Nó cũng giống như bức tranh bao năm qua ông vẽ không xong. Thực ra, ngoài bức vẽ hai mươi năm chưa hoàn thiện, ông có hoàn thành chừng năm chục bức khác để giao lưu, tặng bạn bè, dự vài triển lãm nhỏ. Nhưng vẽ tuổi Xuân, một người phụ nữ của đời mình, sao khó khăn quá đỗi.
Đêm đến ông thường thức muộn để ngắm lại, tìm cách sửa chữa để hoàn thiện. Cả cuộc đời sống vì nghệ thuật, cống hiến cho nghệ thuật, ông cũng mong mình có một bức tranh xuất sắc đạt giải cao, nhưng vẫn chưa làm được.
Căn bệnh tim quái ác quật ngã ông. Mấy tuần nằm viện ông không đi lại được, đầu óc mông lung nghĩ về bức tranh. Làm sao đây để nó có hồn? Người khác nhìn vào phải trầm trồ thán phục. Thật sự, ông thấy xấu hổ và luôn dằn vặt mình.
Ra viện, ông Biên chìm vào phiền muộn. Tuy có nhiều thời gian hơn trước nhưng lại chẳng vẽ được gì ra hồn. Soi vào gương, thấy mình già hơn, râu tóc bạc hơn.
Một buổi cô gái đến thăm. Cô ngắm kỹ lại bức chân dung mình rồi cầm cọ, tô lên mặt thêm vài đường nét rồi đem cho ông Biên xem. Bức tranh khác hẳn, một biến chuyển rõ nét như phép màu. Ông Biên bèn nhổm dậy, hết sức ngạc nhiên, như không tin vào mắt mình:
- Bức tranh này là…?
- Là của bác, cháu chỉ tô lên mặt vài đường nữa thôi.
- Cháu giỏi quá, đã làm cho bức tranh khác hẳn đi. Đúng, phải có hồn thế này chứ! Tuổi Xuân phải được vẽ thế này mới tài tình chứ! Chao ôi, vậy mà cả đời bác cứ luẩn quẩn, chẳng nghĩ ra.
- Có gì đâu, cháu chỉ cảm thấy thiếu một cái gì đó nên đã tô thêm màu vào.
- Cháu đừng trách bác già nua, kém cỏi.
- Sao bác nói thế. Cháu đâu dám…
- Đúng đấy, bác tìm tòi, tô vẽ cả cuộc đời cũng chẳng bằng cô gái trẻ là cháu. Bác đã sai, nghệ thuật không chấp nhận già nua. Nghệ thuật đòi một điểm nhấn gì đó công phá và xuất thần. Và nghệ thuật phải tô thêm và lưu giữ vẻ đẹp tuổi Xuân của đất trời, của con người.
Cô gái thưa:
- Cháu cũng nghĩ thế thưa bác. Cái Xuân cốt là ở lòng người, đừng đánh mất mình để già nua ập đến, lấn chiếm trái tim. Ta cứ trẻ thì mọi sự cũng trẻ phải không bác?
Ông không ngớt cảm ơn và thán phục tài sắc và sự thông minh của cô gái. Cuối cùng thì ông đã có một tác phẩm trong tâm tưởng. Một tác phẩm lớn. Nó giúp ông khai thông tâm trí, hiểu rõ hơn và quý trọng tuổi Xuân. Bức tranh của ông tham gia một cuộc thi uy tín của thành phố và đoạt giải. Ông xóa tên mình và ghi tên cô gái đã sửa lại tranh. Ông nghĩ cô gái là người có công làm nên giá trị của tranh. Cô gái không có cách nào từ chối, chỉ biết cảm ơn. Một nửa số tiền thưởng cô đóng góp vào quỹ Vì trẻ em nghèo.
Bạn bè không còn thấy ông Biên đóng cửa ngồi nhà nữa. Ông hoạt bát hơn hẳn, thường xuyên đến chỗ bạn bè thân thiết đàm đạo, học hỏi. Ông ăn mặc chỉn chu, mái tóc đã nhuộm đen. Ai cũng thấy ông đang hồi Xuân.
Ngày sinh nhật, cô gái ôm bó hoa và thiệp đến chúc mừng. Ông Biên đứng sững, thốt lên: “Ôi chao, cháu nhớ sinh nhật bác cơ à? Bác quên mất đấy. Cảm ơn cháu nhiều lắm!”.
Ông Biên vội về chuẩn bị lễ sinh nhật thứ sáu mươi hai của mình, tuy muộn nhưng vui. Ông mời những người bạn tâm giao nhất. Họ mừng vì sức Xuân của ông quay trở lại. Ông đang hồi xuân và trẻ lại thật, nhờ một cô gái có tài và trẻ. Xin cảm ơn cô gái, cảm ơn tuổi Xuân. Ông ngửa mặt lên trời thầm thì. Trên trời có một chùm chim én đang chuẩn bị tãi vào mây những chùm hoa nắng.

Nguyễn Quang Dũng

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/truyen-ngan-hoi-xuan-311066.html