Truyện Nôm bình dân -Những nụ cười hả hê khỏe khoắn

Truyện Nôm thường được viết lại từ những cốt truyện cổ tích để kể, để 'trình diễn' trong cuộc sống thường nhật, người kể đóng vai một diễn viên, còn người nghe/xem thường là trẻ em, là cháu, con. Mà kể cho người khác dễ nhớ, dễ thuộc thì tốt nhất là bằng văn vần theo một cốt truyện đơn giản, có sẵn...

Trong xã hội xưa, dù bị đè nén áp bức đủ điều, từ cường quyền, thần quyền, đến tục quyền của chế độ phong kiến hà khắc nhưng sức sống của người nông dân không hề bị tê liệt, trái lại ý chí đấu tranh, những ước mơ khát khao vẫn bùng cháy mạnh mẽ. Người nông dân có thể bị khổ sở về thân xác, đói rách về vật chất chứ không chịu gục ngã về bản lĩnh, nghèo nàn về văn hóa.

Bao nhiêu sự phản kháng, bao nhiêu hy vọng họ thể hiện, dồn tụ, gửi gắm vào những hình tượng nghệ thuật dân gian, trong đó thể loại truyện Nôm là mảnh đất màu mỡ để gieo mầm những ước mơ. Thế nên mọi thế lực hắc ám, đen tối, ác bá của cường quyền (vua quan, nhà giàu) của thần quyền (ma quỷ, yêu tinh, trằn tinh) của tục quyền (tập quán lạc hậu, định kiến) đều thất bại thảm hại trước khát vọng lớn lao của người nông dân. Truyện Nôm bình dân là thế giới những khát vọng, ước mơ đẹp nhất của con người trong xã hội phong kiến.

Truyện Nôm thường được viết lại từ những cốt truyện cổ tích để kể, để "trình diễn" trong cuộc sống thường nhật, người kể đóng vai một diễn viên, còn người nghe/xem thường là trẻ em, là cháu, con. Mà kể cho người khác dễ nhớ, dễ thuộc thì tốt nhất là bằng văn vần theo một cốt truyện đơn giản, có sẵn.

Chúng ta có hằng trăm truyện Nôm có giá trị, đó là cái bảo tàng văn hóa về tâm hồn Việt, tính cách Việt, chỉ tiếc ở ngày hôm nay còn ít được coi trọng, khám phá và phát huy những chức năng thẩm mỹ và nhân văn tuyệt vời.

Những ai đã từng sống quá nửa đời người đều thấm, ngấm trong mình vài câu chuyện, ít nhiều câu Nôm có ý nghĩa răn dạy, giáo huấn được ông bà, bố mẹ đọc/kể cho nghe từ hồi bé tý. Ngày nay lại thấy tiếc cho trẻ em sớm tiếp xúc với công nghệ văn hóa hiện đại mà ngơ ngác với những khát khao cháy bỏng từ những hình tượng thẩm mỹ lung linh sắc màu huyền thoại rất mực trong sáng, nên thơ, tinh tế trong nguồn mạch văn hóa truyền thống.

Khát vọng ngàn đời của con người bao đời nay và có lẽ mãi mãi là được sống hạnh phúc, giàu sang, vương giả, được sống trong tình yêu, được lấy người mình yêu, được sống trong hôn nhân của tự do, không bị cấm đoán, ràng buộc…

Cái mô hình gặp gỡ - tai biến - đoàn tụ, cái chi tiết thần kỳ, cái kết thúc có hậu của truyện Nôm tưởng là mòn sáo nhưng lại nói rất hay về khát vọng đó. Cái chi tiết gặp nhau rồi cảm mến ngay và thề bồi trăm năm hẹn ước tưởng là phi thực tế, phi lôgich tâm lý nhưng lại nói được rất đúng cái quyết tâm, cái hằng mong mỏi, cái ước ao, khát khao được yêu, được lấy con người lý tưởng.

Một nàng Cúc Hoa mặn mà trong "Tống Trân - Cúc Hoa", con gái một Trưởng giả giàu sang phú quý nhưng gặp chàng Tống Trân nghèo hèn đang dắt mẹ đi ăn xin thì đem lòng tương tư rồi quyết xin "nâng khăn sửa túi" cho "kẻ ăn mày".

Một nàng Ngọc Hoa trong "Phạm Tải - Ngọc Hoa" nhan sắc vẫn "mặc ai" "tường đông ong bướm", con gái một Tướng công quyền lực nhưng khi gặp Phạm Tải ăn mày là đem lòng quyến luyến. Một nàng Thoại Khanh trong "Thoại Khanh - Châu Tuấn" "chim sa cá lặn", học giỏi, con gái quan Thừa tướng gặp Châu Tuấn học trò nghèo là cảm mến và quyết làm vợ Châu Tuấn nuôi chồng ăn học thành tài…

Những Ngọc Hoa, Cúc Hoa, Thoại Khanh…không còn là nhân vật nữa mà trở thành biểu trưng cho khát vọng của người nông dân Việt được tự do yêu đương, tự do hôn nhân. Đó cũng chính là nụ cười hả hê của người dân nghèo, khi mà trên thực tế, lấy được một người vợ trong xã hội ấy thực sự là nỗi "kinh hoàng": "Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà/ Cả ba việc ấy thực là khó thay".

Đó là chuyện cực kỳ phức tạp, nộp lễ, nộp cheo, dạm ngõ, hỏi, cưới… với biết bao tốn kém lớn. Thế mà trong truyện Nôm thì hầu như người con gái, không những thế lại đều là những cô gái đẹp người, đẹp nết (không ngẫu nhiên họ đều có cái tên đẹp, thường giống nhau), xuất thân danh giá, giàu có, sang trọng tự nguyện lấy chồng nghèo, thậm chí ăn mày.

Đó chẳng phải là khát khao, là ước mơ cháy bỏng có một người vợ lý tưởng sao? Người vợ ấy lại tảo tần, vị tha, thương mẹ chồng hơn thương mình đến mức có người (Cúc Hoa) cắt cả thịt mình nuôi mẹ chồng; có người (Thoại Khanh) tự khoét mắt mình dâng Dâm thần để bảo toàn trinh tiết và cứu mẹ chồng... Đó chẳng phải là ước mơ về một người vợ tào khang, người con dâu hiền thục, giàu đức hy sinh sao?

Đó là tiếng cười hả hê của người dân nghèo như thách thức với nạn thách cưới - một hủ tục nặng nề ngày xưa: Các người cứ thách thật nặng vào, ta nay chả cần quan tâm, ta vẫn có vợ, thậm chí vợ ta còn là công chúa, là con nhà giàu, nhan sắc, tài giỏi, hiền lành và sống chết với ta đến cùng! Từ góc nhìn này ta càng hiểu hơn vì sao hình tượng nhân vật người vợ trong truyện Nôm được xây dựng theo nguyên tắc dồn tụ những đức tính tốt đẹp!

Đó là tiếng cười hả hê của những kẻ thấp cổ bé họng, những kẻ cùng đinh, dù có thế nào, cuối cùng họ cũng đạt được mục tiêu hạnh phúc cao nhất của đời mình là đỗ đạt, làm quan, thậm chí làm phò mã, không chỉ phò mã một nước mà còn "lưỡng quốc phò mã". Những Phạm Tải, Tống Trân, Phạm Công, Thạch Sanh… xuất thân nghèo hèn nhưng rồi trở thành những Trạng nguyên, Thám hoa, phò mã, tể tướng như thế!

Nụ cười hả hê trong truyện Nôm là nụ cười dân chủ, bình đẳng. Tiếng cười ấy san bằng mọi quy định cấm đoán khắt khe của lễ giáo phong kiến để đưa người nghèo lên địa vị của người xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Tiếng cười ấy tống tiễn những cái xấu cái ác xuống mồ công lý. Trong truyện "Tống Trân - Cúc Hoa", khi Tống Trân đóng giả người ăn mày vào ăn xin trong đám cưới của Đình trưởng (với Cúc Hoa) thì Đình trưởng cho Tống Trân khúc xương trâu thật to bắt gặm.

Tống Trân đưa quân về thì một việc không thể quên là "Đòi chú Đình trưởng kíp sang/ Khỏe răng bắt cắn khúc xương ba ngày". Đó chính là niềm hả hê công lý của người xưa: gieo gió gặt bão! Cũng đúng với khát vọng dân gian, "bão" mạnh hơn "gió" nên kẻ ác phải chịu lại nhiều ác hơn!!!

Ta cũng hiểu thêm tại sao những kẻ ác bá, kẻ giàu có mà tàn bạo trong truyện cổ tích hay bị "chết" nhiều lần như thế. Dân gian thấy nó chết một lần chưa xứng với tội của nó thì phải cho nó chết hai, ba lần. Trong thế giới truyện Nôm những hình tượng tiêu cực, phản động đều chết đi chết lại nhiều lần dưới tiếng cười khỏe khoắn, mạnh mẽ, lành mạnh của dân gian. Đó như là một lôgich tất yếu của sự công bằng!

Cốt của truyện "Trê Cóc" đậm chất dân gian với nhân vật chính là con vật Trê và Cóc quen thuộc với bất kỳ ai. Cóc sống trên cạn nhưng đẻ trứng dưới nước. Trứng nở ra nòng nọc, Trê nhận là con mình. Cóc kiện lên quan. Chứng lý ủng hộ Trê nhưng Trê vẫn bị giam lại. Vợ Trê chạy vạy tìm đến "thầy luật" Triều Đẩu. Triều Đẩu giới thiệu tới Thông Chiên giỏi hơn. Thông Chiên tìm chứng cứ nòng nọc giống Trê bèn trình quan Cóc vu khống. Quan tha Trê và giam Cóc. Vợ Cóc chạy thầy cứu chồng. Bạn Cóc là Ếch giới thiệu "thầy kiện" Nhái Bén. Nhái Bén tinh tường nắm được bản chất vấn đề khuyên vợ Cóc bình tĩnh, nòng nọc đứt đuôi sẽ về với cha mẹ.

Quả vậy, quan vỡ lẽ tha Cóc và phạt Trê tội lưu. Câu chuyện khoác cái áo ngụ ngôn để che cái thân nội dung sự sống diễn ra dưới thời phong kiến thật sinh động. Đó là cuộc sống của người dân trong những va vấp nảy sinh tranh chấp kiện tụng: "Muốn cho trong ấm ngoài êm/ Phải đưa lễ tốt các phiên mới đành". Truyện này minh họa phần nào cho phương ngôn: "Vô phúc đáo tụng đình" và tục ngữ: "Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ" với những cảnh hoạnh họe, đục khoét, hối lộ, "vạch lá tìm sâu", "bới lông tìm vết", bẻ cong, mưu mô, liên kết, thủ đoạn, "tạo hiện trường giả"…

Có thể coi truyện như một mô hình của cuộc sống ngày xưa được khúc xạ qua lăng kính văn hóa trào tiếu dân gian với tất cả những gì tươi non, tràn trề trong tính phập phồng đa dạng. Nhưng cái lõi đậm tinh thần nhân văn nhất của nó vẫn là khát vọng công lý: Ở hiền gặp lành; có ân báo ân; có oán báo oán.

Đó cũng là nụ chiến thắng, cười sự bất lực của bọn vua quan, bọn giàu có trước hạnh phúc của người nghèo. Không ngẫu nhiên truyện cổ tích cũng như truyện Nôm đều có một nguyên tắc kết cấu "bổ đôi, phân cực" vì nó phản ánh cái mâu thuẫn xã hội không thể dung hòa giữa một bên là người nghèo khó, cùng đinh một bên là kẻ giàu có, quyền lực. Những người nghèo đấu tranh chỉ còn bằng cách vượt thoát ra ngoài thế giới thực tại để xây dựng những thế giới của ước mơ mà trong đó họ là chủ còn kẻ thù, dĩ nhiên phải là kẻ thua cuộc, là những kẻ đáng cười, đáng chế giễu.

Nguyễn Thanh Tú

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/truyen-nom-binh-dan-nhung-nu-cuoi-ha-he-khoe-khoan-534716/