Truyền thông cộng đồng: Không chỉ dành cho các nước đang phát triển

Phát thanh cộng đồng vẫn là một nguồn thông tin quan trọng và là nền tảng để trao đổi, đưa tiếng nói đến các nhóm địa phương - ngay cả ở các nước phát triển.

Radios Libres en Périgord (RLP - radio miễn phí tại Périgord) là một đài phát thanh cộng đồng ở miền Trung nước Pháp. RLP mới kết thúc một chương trình kéo dài một tuần tập trung vào việc chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc trong khu vực. Là một phần của sáng kiến, UNESCO đã tham gia vào một chương trình thảo luận về tiềm năng của truyền thông cộng đồng và đài phát thanh trong việc thúc đẩy sự khoan dung.

“Đài phát thanh địa phương chính là nơi gặp gỡ của người dân và các nhóm cộng đồng”, ông Mirta Lourenço, Trưởng bộ phận phát triển truyền thông của UNESCO cho biết: “Phát thanh luôn là một diễn đàn công cộng, nơi công dân có thể nêu ra các vấn đề, trao đổi quan điểm của họ và tìm ra điểm chung”.

Nhờ các tình nguyện viên, RLP có thể phát sóng một loạt các chương trình liên quan đến địa phương, đặc biệt là các hoạt động văn hóa và giáo dục của cộng đồng, cuộc chiến chống phân biệt đối xử, các vấn đề môi trường và xã hội. Thêm đó là các chủ đề liên quan đến việc cải tạo đô thị của các khu nghèo hơn trong khu vực. Đài địa phương này cũng cố gắng nâng cao nhận thức của người dân về những vấn đề liên quan đến người di cư và dân tộc thiểu số.

Đài phát thanh địa phương này đang đối phó hiệu quả với những khó khăn. Sự đóng góp từ các thành viên và một số cơ chế tài trợ công cộng đang giúp họ vượt qua hạn chế tài chính. Vấn đề nhân viên chủ yếu được giải quyết với sự trợ giúp của các tình nguyện viên và thanh niên tham gia thực hiện nghĩa vụ công vụ của họ. Một kế hoạch chuyển đổi theo hướng phát sóng kỹ thuật số, cũng như sự hiện diện trực tuyến thông qua phương tiện truyền thông xã hội, và một trang web chuyên dụng, cũng sẽ góp phần giữ cho đài phát thanh có thể tiếp cận hiệu quả hơn với khán thính giả của mình.

Mặc dù các hình thức truyền thông khác - đặc biệt là phương tiện kỹ thuật số - đã đạt được thành tựu đáng kể trong những thập kỷ qua, đài phát thanh vẫn tiếp tục là phương tiện phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Mặc dù hầu hết các nỗ lực của UNESCO tập trung vào các quốc gia tiềm tàng nhiều rủi ro hoặc đang phát triển, Tổ chức này cũng cam kết thúc đẩy đa nguyên truyền thông và đa dạng ở tất cả các quốc gia thành viên.

Quỳnh Hoa

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/tam-nhin-unesco/truyen-thong-cong-dong-khong-chi-danh-cho-cac-nuoc-dang-phat-trien-146543.html