Truyền thống đấu tranh anh dũng và bài học về phát huy sức mạnh toàn dân

Nhân kỷ niệm 160 năm Ngày khởi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ nhất (1858-2018), sáng 31-8, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Phong trào kháng Pháp xâm lược nửa cuối thế kỷ 19-Bài học cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc'.

Hơn 250 đại biểu, đại diện các cơ quan, đơn vị và các tướng lĩnh, sĩ quan, nhà khoa học trong và ngoài quân đội dự hội thảo. Nhiều tham luận sâu sắc đã làm sáng tỏ thêm truyền thống đấu tranh anh dũng và những bài học kinh nghiệm của phong trào kháng Pháp nửa cuối thế kỷ 19.

Làm rõ nguyên nhân Pháp xâm lược nước ta

Báo cáo đề dẫn hội thảo, lãnh đạo Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, khẳng định: Ngày 1-9-1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công bán đảo Sơn Trà, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử đấu tranh giữ nước, dân tộc Việt Nam phải đương đầu với thế lực ngoại xâm đến từ phương Tây, hơn hẳn về phương thức sản xuất, giữ ưu thế tuyệt đối về vũ khí và khoa học quân sự. Đội quân xâm lược mưu đồ chiếm Đà Nẵng, làm bàn đạp tiến công kinh đô Huế, buộc triều đình nhà Nguyễn đầu hàng, nhanh chóng kết thúc chiến tranh, sớm áp đặt ách đô hộ lên đất nước chúng ta, tiến hành khai thác thuộc địa phục vụ cho “chính quốc”. Tuy nhiên, phải mất gần 40 năm (1858-1896), thực dân Pháp mới cơ bản bình định, áp đặt được chế độ cai trị lên đất nước Việt Nam. Trong gần 4 thập kỷ đó, suốt từ Nam chí Bắc, từ đồng bằng đến cao nguyên, miền núi, ở đâu có dấu giày của thực dân xâm lược, ở đó có đấu tranh phản kháng. Các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp nửa cuối thế kỷ 19 đã ghi vào lịch sử dân tộc những chiến công oanh liệt, tinh thần chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do, để lại những bài học cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phân tích rõ nguyên nhân dẫn đến Pháp xâm lược Việt Nam, Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, cho rằng: Nửa cuối thế kỷ 19, các nước tư bản phương Tây bước vào giai đoạn phát triển cực thịnh, chuẩn bị bước sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Sự phát triển đó gắn liền với quá trình thực dân hóa các châu lục chậm phát triển. Trong lúc này, ở các nước phương Đông vẫn cơ bản là kinh tế tự nhiên, tự cung tự cấp; các nhà nước phong kiến đã suy yếu, trở thành bảo thủ, phản động, không có khả năng tổ chức lực lượng, thúc đẩy sự phát triển của khoa học kỹ thuật nói chung và kỹ thuật nói riêng, đang là mục tiêu cho các cuộc xâm lược tìm kiếm, mở rộng thuộc địa. Việt Nam cũng không ngoại lệ, ngay từ giữa thế kỷ 17, bằng nhiều con đường, thực dân Pháp đã tìm cách can thiệp vào nước ta, ngày càng ráo riết và trắng trợn. Đến giữa thế kỷ 19, Pháp đã thâm nhập vào nội địa Việt Nam, đặt được cơ sở ở nhiều địa phương để chờ thời cơ hành động. Trong khi đó, do hạn chế của một vương triều quân chủ chuyên chế, bảo thủ, không thu phục được nhân dân, độc tôn Nho giáo; triều Nguyễn đã không có khả năng đưa đất nước tiến kịp sự phát triển của thế giới. Nhà Nguyễn cũng thấy được hiểm họa của ngoại xâm, nhưng không có chiến lược, sách lược phù hợp để bảo vệ đất nước. Đây là nguyên nhân chính khiến thực dân Pháp xúc tiến kế hoạch xâm lược Việt Nam.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo. Ảnh: ĐĂNG TIẾN.

Để làm rõ vấn đề này, các tham luận tập trung phân tích việc đẩy mạnh chinh phục thuộc địa của các nước phương Tây và mô hình nhà nước quân chủ chuyên chế lỗi thời, kìm hãm sự phát triển lịch sử mà triều đình nhà Nguyễn đang cố duy trì; từ đó tìm ra những tác động đến cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, tự do Tổ quốc của nhân dân ta trong nửa cuối thế kỷ 19. Một số tham luận còn đi sâu phân tích về công cuộc cải cách của đất nước Nhật Bản, về chính sách đối ngoại của Xiêm (Thái Lan), nhằm cung cấp cái nhìn đối sánh, góp thêm luận cứ để đánh giá toàn diện về thời đại và đất nước Việt Nam trong nửa sau thế kỷ 19.

Những cuộc đấu tranh bi tráng và bài học toàn dân đánh giặc

Ngay khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, được sự ủng hộ của nhân dân, quan quân triều đình đã dũng cảm chống lại đội quân xâm lược, bước đầu làm thất bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, buộc chúng phải chuyển hướng, tiến công vào Gia Định, đánh chiếm Nam Kỳ. Trước sự phản kháng quyết liệt và tinh thần chiến đấu anh dũng của nhân dân Việt Nam khiến kẻ xâm lược không đạt được kế hoạch đề ra; chúng luôn phải đối mặt với “những trung tâm kháng chiến ở khắp mọi nơi”. Bằng hình thức đấu tranh vũ trang là chủ yếu, với mọi vũ khí có trong tay, nhân dân ta đã đoàn kết, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, sáng tạo trong chiến đấu, quyết tử vì nền độc lập của dân tộc.

PGS, TS Vũ Quang Hiển, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Với việc ký kết Hiệp ước Pa-tơ-nốt (1884) đánh dấu sự đầu hàng toàn bộ của triều đình nhà Nguyễn; đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của nhà nước phong kiến độc lập Việt Nam trước sự tiến công của thực dân Pháp. Tuy vậy, bất chấp sức mạnh của kẻ thù và sự đàn áp của triều đình Huế, phong trào kháng Pháp của nhân dân ta lại bùng lên mạnh mẽ. Dưới ngọn cờ Cần Vương, hàng loạt các cuộc khởi nghĩa điển hình như: Hương Khê (1885-1896), Ba Đình (1886-1887), Bãi Sậy (1885-1889) và cuộc khởi nghĩa nông dân do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo (1884-1913) đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia, trên quy mô rộng lớn, lập nhiều chiến công, gây cho đội quân xâm lược và tay sai những thiệt hại nặng nề, ghi dấu vào lịch sử dân tộc bản hùng ca về chiến đấu chống ngoại xâm, nhưng tất cả đều không đi đến thành công, bị thực dân dìm trong “biển máu”. Đây là thời kỳ bi tráng, đầy đau thương, là giai đoạn đặc biệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Đại tá Lê Thanh Bài, Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử kháng chiến chống Pháp, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho rằng: Trên nhiều góc độ, các đại biểu về dự hội thảo đã khắc họa từng cuộc khởi nghĩa, từng giai đoạn đấu tranh của dân tộc ta trong nửa cuối thế kỷ 19; qua đó khẳng định các cuộc đấu tranh đều có chung cội nguồn của tinh thần yêu nước, ý chí giữ gìn độc lập tự do; có quy mô rộng lớn với lực lượng tham gia đông đảo, biết dựa vào làng xã để gây dựng và phát triển phong trào; biết lợi dụng điều kiện địa lý hiểm yếu và dùng chiến thuật du kích để đối phó với thực dân Pháp và tay sai; cho dù thực dân Pháp có đàn áp dã man, nhưng không bao giờ tắt hẳn. Thực tế đó khẳng định truyền thống yêu nước, ý chí chống giặc ngoại xâm là sợi dây cốt lõi, là yếu tố căn bản, nếu biết phát huy sẽ nâng sức mạnh của toàn dân tộc lên gấp bội, là cội nguồn thắng lợi trong mọi công cuộc chống ngoại xâm.

Các tham luận cũng làm rõ những hạn chế và cũng là nguyên nhân thất bại của cuộc kháng chiến chống Pháp nửa cuối thế kỷ 19, đó là: Thiếu sự tổ chức và lãnh đạo, chỉ huy thống nhất; hậu cần thiếu thốn, trang bị vũ khí thô sơ nên chưa thể mở những trận đánh lớn để tiêu diệt quân địch và đặc biệt là chưa thúc đẩy, động viên khai thác triệt để sự ủng hộ của nhân dân nên chưa thể mở rộng phong trào trên quy mô cả nước để giành thắng lợi. Bao trùm lên tất cả các nguyên nhân trên là do thiếu một tổ chức, một đường lối lãnh đạo đáp ứng yêu cầu lịch sử.

Những hạn chế về thời đại, về vai trò lãnh đạo là nguyên nhân cơ bản nhất làm cho cuộc kháng chiến chống xâm lược của nhân dân ta nửa sau thế kỷ 19 thất bại, thể hiện rõ sự lỗi thời, bất lực của ý thức hệ phong kiến và bộc lộ rõ rệt tình trạng khủng hoảng lãnh đạo trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp nửa cuối thế kỷ 19. Từ thực tiễn lịch sử, các tham luận đã rút ra những bài học về vai trò lãnh đạo; về phát huy lòng yêu nước, ý chí giữ vững độc lập, tự do, về tinh thần đoàn kết, kiên cường, bền bỉ; bài học về chiến lược và sách lược xây dựng, củng cố nền quốc phòng… Những bài học đó vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

TRỊNH DŨNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/truyen-thong-dau-tranh-anh-dung-va-bai-hoc-ve-phat-huy-suc-manh-toan-dan-548388