Truyền thống gia đình vun đắp nên tấm gương trinh sát Biên phòng dũng cảm

Cơ quan chuyên môn Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã làm hồ sơ đề nghị tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, đề nghị Trung ương Đoàn tặng Huy hiệu 'Tuổi trẻ dũng cảm' cho trinh sát Biên phòng Nguyễn Đình Tài. Sự dũng cảm của anh bắt nguồn từ truyền thống một gia đình có nhiều đóng góp cho cách mạng.

Hai người cha của Đại úy Tài đang tập luyện cho anh.

Đại úy quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Nguyễn Đình Tài sinh năm 1983, nhập ngũ tháng 2/2002 thuộc Tiểu đoàn trinh sát 12, Bộ Tham mưu, Quân khu 4. Tháng 3/2015, Nguyễn Đình Tài được điều động về công tác tại Đội đặc nhiệm Phòng PCMT&TP, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An. Quá trình công tác từ đó đến nay anh luôn tích cực, cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn, tham gia đấu tranh thành công nhiều chuyên án, vụ án, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, trật tự an toàn xã hội khu vực biên phòng.

Khi chúng tôi đến thăm Đại úy QNCN Nguyễn Đình Tài tại Bệnh viện TƯ Quân đội 108, đón chúng tôi là vợ anh - chị Đinh Thị Phương Thúy (SN 1984), giáo viên dạy nhạc cấp II tại xã nhà và 2 người cha của anh - 2 người lính. Bố đẻ Đại úy Tài là ông Nguyễn Đình Hải (SN 1953), một thương binh chống Mỹ. Còn bố vợ anh là ông Đinh Văn Quý (SN 1950) cũng là bộ đội chống Mỹ. Hai người cha và người vợ anh Tài thay phiên nhau thực hiện các động tác vật lý trị liệu, tập cho đôi chân cứng đờ của anh mau bình phục.

Hai người lính đã kinh qua trận mạc, đầy bản lĩnh, sẵn sàng chống chọi với những sóng gió cuộc đời này luôn lạc quan với bệnh tình của con. Hai ông là chỗ dựa, là nơi an ủi, điểm tựa cho Đại úy Tài và vợ anh vượt những ngày gian nan, bi đát nhất khi Đại úy Tài hôn mê bất tỉnh vì 2 phát đạn do băng nhóm buôn bán ma túy bắn vào bụng. Qua 2 lần mổ, hiện sức khỏe của Đại úy Tài cơ bản ổn định, song theo thông báo của bệnh viện, vết thương của anh sẽ để lại di chứng lâu dài. Sau khi tỉnh lại, biết về di chứng của đôi chân, Đại úy Tài cho biết, khi vết thương lành, anh sẽ nỗ lực hết mình, tập luyện để có thể tiếp tục bước đi bằng đôi chân của mình.

Đại úy Tài là con thứ 3 trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Hiện vợ chồng anh vẫn ở chung với gia đình ông Hải ở thôn 5, xã Thái Thịnh, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Bà nội Đại úy Tài là Mẹ Việt Nam Anh hùng Thái Thị Yêm (90 tuổi). Mẹ Yêm sinh được 7 người con 4 trai, 3 gái, cả 4 con trai đi bộ đội, hai người con là liệt sĩ và một người con rể hiện là đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Kon Tum. Hai liệt sĩ con mẹ Yêm là Nguyễn Đình Chất và Nguyễn Đình Long.

Liệt sĩ Nguyễn Đình Chất (SN 1952) nhập ngũ tháng 5/1972 khi vừa tròn 20 tuổi, chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị. Liệt sĩ Chất hy sinh tháng 12/1972 trong trận đánh khốc liệt ở Ái Tử, khi chưa lập gia đình. Thi thể của liệt sĩ được đồng đội bọc trong tấm tăng, trong đó ghi rõ tên, tuổi, đơn vị, quê quán rồi chôn cất ở nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Lăng, Quảng Trị. Năm 1993, ông Hải đã đưa di hài liệt sĩ mang về chôn cất tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà.

Liệt sĩ Nguyễn Đình Long (SN 1960) nhập ngũ tháng 8/1978, là trinh sát pháo binh, hy sinh năm 1984 tại Vị Xuyên, Hà Giang sau khi bị đạn pháo Trung Quốc câu trúng hầm. Khi hy sinh, liệt sĩ Long đã có vợ và một cô con gái. Năm 1989, ông Hải và cha đã lặn lội lên Vị Xuyên cất bốc mộ liệt sĩ mang về.

Ông Nguyễn Đình Hải nhập ngũ tháng 12/1972, trước khi anh trai ông hy sinh vài ngày. Vào chiến trường nên khi anh trai hy sinh ông Hải không biết, sau nhận được thư nhà ông mới biết tin. Ông Hải ở Trung đoàn 335, Sư đoàn 31, Quân khu 4, chiến đấu ở bên Lào, chống phỉ Vàng Pao. Năm 1973 ông Hải bị thương vào chân, đầu gối, tay và mặt, thương tật 32%, là thương binh loại 4/4. Ông xuất ngũ năm 1977.

Ông Hải cho biết, cha mẹ ông là cụ Nguyễn Đình Huyến (SN 1927, đã mất) và Mẹ Việt Nam Anh hùng Thái Thị Yêm (SN 1929) vào Đảng từ năm 1949. Cụ Huyến trước là Bí thư Thanh niên xã Thanh Thịnh, sau đó đi làm công nhân quân giới, sản xuất vũ khí cho quân đội, sau về quê làm cán bộ lương thực rồi nghỉ hưu. Mẹ Thái Thị Yêm là cán bộ phụ nữ xã. Gia đình ông là hậu duệ của Cương Quốc công Nguyễn Xí - tướng giỏi của Vua Lê Lợi. Nhà thờ tổ hiện ở Nghi Hợp, Cửa Lò, Nghệ An. Dòng họ Nguyễn Đình xã Thanh Thịnh trải qua 10 đời, hiện có 800 người, nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Thanh Thịnh là xã biên giới giáp Lào. Trước dân số thưa, chỉ có người Kinh, giao thông đi lại khó khăn, sau khi làm thủy điện Bản Vẽ, mấy bản người Thái được chuyển về đây tái định cư nên dân số đông. Là vùng trung du, đời sống của người dân địa phương chỉ trông vào ruộng lúa, đồi chè, cây keo làm nguyên liệu công nghiệp. Gia đình ông Hải chỉ có dăm sào ruộng nhưng vợ chồng ông chắt chiu, dành dụm nuôi 3 người con ăn học, nên người. Hiện 2 người con đầu của ông công tác ở ngành Tòa án, Thi hành án dân sự tại tỉnh Kon Tum.

Ông Hải tâm sự, Tài đi đánh án hàng tháng trời, thỉnh thoảng mới tạt về nhà vào cuối tuần dù Thanh Thịnh chỉ cách Vinh hơn 50 cây số. Lần nào con đi công tác ở Kỳ Sơn, Quế Phong… là cả nhà lo lắng, phấp phỏng. Biết Tài đánh án ma túy nguy hiểm nhưng công việc Đảng, Nhà nước giao nên vợ chồng ông vẫn luôn động viên con hoàn thành nhiệm vụ.

Lam Hạnh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/v%C3%AC-bien-gioi-bien-dao-que-huong/truyen-thong-gia-dinh-vun-dap-nen-tam-guong-trinh-sat-bien-phong-dung-cam-401858.html