Truyền thống sẽ 'chết'?

Tục ngữ có câu 'công cấy là công bỏ, công làm cỏ mới là công ăn'. Nếu coi văn hóa truyền thống là lúa, thì những thứ phản văn hóa và xấu độc là cỏ.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Để lúa phát triển được thì phải dẹp bỏ loài cỏ - dẹp bỏ bằng mọi cách.

Khi nói đến giá trị truyền thống là nói đến những gì đúng đắn, tốt đẹp và tích cực. Những giá trị ấy làm rung động trái tim, khối óc và kích thích sức sáng tạo vì sự phát triển chung của xã hội.

Trong dòng chảy văn hóa dân tộc, mỗi lời nói, hành động của cá nhân, cộng đồng đều trở thành những viên gạch xây đắp làm dày và đẹp hơn cho giá trị truyền thống.

Yêu nước cũng là một giá trị truyền thống, được hun đúc từ thời dựng nước và giữ nước. Theo thời gian, giá trị ấy không giảm mà càng tăng lên. Trong mọi cuộc chiến, mọi biến cố của đất nước… tinh thần yêu nước càng tỏa sáng.

Ngày nay trong sự hội nhập đa phương, sâu rộng tới từng lĩnh vực cuộc sống khiến các giá trị truyền thống bị đảo lộn. Không chỉ Việt Nam mà Trung Quốc, Nhật Bản hay các nước phương Tây cũng sớm nhận diện “cơn địa chấn” đảo lộn văn hóa. Nhưng họ không dại gì từ bỏ giá trị truyền thống, bởi đó là điểm tựa cho sự phát triển trong tương lai.

Trong cuộc cách mạng 4.0, song hành với những điều tích cực là những thông tin được coi là xấu độc, trái với các giá trị truyền thống. Ngày càng nhiều video có nội dung nhảm nhí, giật gân với mục đích lôi kéo nhiều người hiếu kỳ vào xem để thu lợi nhuận.

Các video này luôn đi ngược với những chuẩn mực văn hóa. Hành động nhố nhăng, lời ăn tiếng nói thô tục, tán dương cách ăn chơi trụy lạc, hướng dẫn người xem đến những thứ vô lý, như cháo gà phải để cả lông, nhảy thì phải “bay – lắc”…

Rồi đến cách nói năng méo mó, mà nếu người có văn hóa nghe được thì phải ngượng chín mặt. Những từ viết tắt trên mạng xã hội như “vl, vcl, vcc…” được những cái miệng hồn nhiên nói ra một cách giòn giã, tỉnh bơ. Nói nhiều thành quen, nghe nhiều thành thuộc nên chính những người nói ra những từ rất vô văn hóa cũng không nhận biết đó là ngôn ngữ xấu độc.

Trong khi rác văn hóa xếp thành ụ đống, trở thành thứ ô nhiễm kìm hãm sự phát triển xã hội, thì văn hóa truyền thống – được coi là sức mạnh mềm của một quốc gia lại èo uột, thiếu sức sống.

Các thư viện vắng người đọc, sân khấu truyền thống vắng khách xem… dù những người làm công tác văn hóa đã rất cố gắng. Đầu tháng 11, cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2020 khép lại để lại nhiều câu hỏi về số lượng và chất lượng của các thí sinh tham gia, dù giải thưởng đã nâng lên tầm quốc gia.

Rồi trung tuần tháng 11, tại Hà Nam đã bế mạc cuộc thi Tài năng diễn viên chèo. Dù mang tính toàn quốc, nhưng cũng chỉ quy tụ được 57 trích đoạn của 64 diễn viên trẻ thuộc 11 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp.

Nhiều người cho rằng để giá trị văn hóa truyền thống có sức sống, thì dù là quản lý hay đưa ra một cuộc thi, giới thiệu ra nước ngoài… buộc phải vượt qua mọi cứng nhắc kiểu hành chính. Truyền thống sẽ “chết” nếu cứ đóng khung trong một vài hoạt động thi thố, trong khi nó cần thẩm thấu trong mọi lĩnh vực đời sống.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/truyen-thong-se-chet-edfNe3oGR.html