Truyền thông về vấn đề xóa đói, giảm nghèo trên báo Đảng

Báo chí là phương tiện truyền thông quan trọng trong lĩnh vực xóa đói giảmnghèo. Thời gian qua, các cơ quan báo chí của hai tỉnh Bắc Kạn và Yên Bái đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác truyền thông về xóa đói giảm nghèo.

Truyền thông về xóa đói, giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng của báo chí truyền thông. Ảnh minh họa

Trong tình hình mới, hệ thống báo Đảng địa phương cần phải không ngừng cải tiến về nội dung và hình thức để truyền thông hiệu quả vấn đề xóa đói giảm nghèo.

Để xóa đói, giảm nghèo

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng và thực hiện xuyên suốt theo quan điểm tập trung phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo bằng nhiều chương trình, mục tiêu quốc gia. Đến nay, công tác giảm nghèo ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, được thế giới công nhận và đánh giá cao. Những kết quả đó có được, một phần cũng là nhờ việc tuyên truyền của các cơ quan báo chí nhất là hệ thống báo Đảng.

Trong bất cứ giai đoạn nào, báo chí luôn là lực lượng hết sức quan trọng, là kênh thông tin cầu nối kịp thời giữa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội đối với người dân. Ngoài ra, báo chí còn có nhiều phát hiện vấn đề và giúp các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng, soạn thảo chính sách cho phù hợp với thực tiễn; đấu tranh chống tiêu cực.

Hệ thống báo Đảng tại Bắc Kạn và Yên Bái đã tích cực tuyên truyền về xóa đói giảm nghèo; phản ánh chân thực, khách quan về trách nhiệm và quyền lợi của người tham gia thụ hưởng các chính sách, chế độ, pháp luật về xóa đói giảm nghèo, đưa tiếng nói của nhân dân đến với Đảng, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân. Trong đó, tuyên truyền về vấn đề xóa đói giảm nghèo luôn được cơ quan chủ quản và Ban Biên tập đặc biệt coi trọng.

Hệ thống báo chí ở hai địa bàn khảo sát đều phản ánh rất rõ tính địa phương, nội dung thông tin đa dạng, phong phú, kịp thời, hiệu quả.

Tỉnh Bắc Kạn, với điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, do đó, mục tiêu xóa đói giảm nghèo vì người nghèo, từng bước ổn định cuộc sống bao giờ cũng được Đảng bộ chính quyền tỉnh đặt lên hàng đầu và trở thành chương trình rộng khắp ở Bắc Kạn.

Ngoài ra, các báo cũng lồng ghép những nội dung tuyên truyền, kêu gọi ủng hộ các Quỹ “Vì người nghèo”, xây dựng chuyên mục “Vòng tay nhân ái”, tạo điều kiện giúp đỡ các hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ vốn sản xuất, giúp đỡ các địa phương khó khăn xây dựng cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục; tạo niềm tin trong nhân dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội.

Vấn đề xóa đói giảm nghèo được phản ánh trên báo Đảng đại phương với tần suất, đậm đặc, sâu rộng và có thường xuyên hay không là do sự quan tâm của Ban biên tập. Qua khảo sát cho thấy, tờ báo nào ban biên tập, phóng viên quan tâm, có xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyền truyền về XĐGN thì tin, bài viết về các nội dung xóa đói giảm nghèo được phản ánh đều đặn và thường xuyên trên các số báo và chất lượng tin bài cũng tốt hơn, đa dạng và phong phú hơn.

Mô hình xóa đói giảm nghèo bằng cách nuôi trâu ở Bắc Kạn. Ảnh: TL

Góp phần đẩy lùi đói, nghèo

Nhìn chung, hệ thống báo Đảng ở Yên Bái và Bắc Kạn đều rất chú trọng hướng tới cung cấp thông tin, giải thích và phản biện các chủ trương, chính sách, pháp luật về xóa đói giảm nghèo, đồng thời là kênh hữu hiệu phản ánh những bức xúc của người dân với các cơ quan... Từ đó, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời khắc phục và điều chỉnh các chính sách để thật sự đi vào cuộc sống.

Hệ thống báo Đảng khu vực miền núi nói chung, Báo Bắc Kạn và Báo Yên Bái nói riêng thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền để người dân hiểu biết và chấp hành các chính sách, pháp luật về lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, nhưng người dân có quyền đòi hỏi chất lượng phục vụ các dịch vụ và thụ hưởng các quyền lợi một cách tốt nhất.

Đồng chí Liêu Văn Bảy, Phó Tổng Biên tập Báo Bắc Kạn cho biết: Thực tế, thời gian qua, báo chí đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc cải tiến nội dung, hình thức truyền thông. Việc tuyên truyền về giảm nghèo đã được thực hiện một cách đồng bộ, có trọng tâm, đa dạng về phương thức, phù hợp với từng nhóm đối tượng, vùng miền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo ở các vùng khó khăn... Nhờ đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân, các cấp chính quyền, đoàn thể trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình giảm nghèo, khơi dậy ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo...

Truyền thông tác động trực tiếp và gián tiếp đã giúp người nghèo có được cơ hội tự vươn lên, tạo thu nhập để phát triển, vượt qua tình trạng nghèo đói, tự giải quyết những nhu cầu thiết yếu của cá nhân và gia đình. Kết quả giảm nghèo đạt bình quân giảm 2%/năm đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo cũng như việc nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân để chủ động tiếp nhận các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng vươn lên thoát nghèo. Cuộc sống người dân được cải thiện góp phần vào thành công không nhỏ trong công cuộc xóa đói giảm nghèo trên cả nước nói chung và 2 tỉnh Yên Bái, Bắc Kạn nói riêng./.

Lưu Thị Bích Ngọc

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/truyen-thong-ve-van-de-xoa-doi-giam-ngheo-tren-bao-dang-n6971.html