Truyền thuyết mẹ Âu Cơ và bảo vật quốc gia

Tưởng nhớ và tôn vinh mẹ Âu Cơ, trong tâm thức người dân đất Tổ, nếu như mùng 7 tháng Giêng là ngày 'Tiên giáng' trần thì các ngày 10, 11/2 và một số ngày lễ khác trong năm tính theo âm lịch là những ngày 'Tiên thăng' về trời…

Bức tượng bảo vật quốc gia Tổ mẫu Âu Cơ. ẢNH: TẤN HÙNG

Bức tượng bảo vật quốc gia Tổ mẫu Âu Cơ. ẢNH: TẤN HÙNG

Đền mẫu Âu Cơ (xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) là một địa chỉ quen thuộc với người Việt khi về dâng hương đất Tổ cố đô Phong Châu xa xưa. Bên cạnh di tích thì những truyền thuyết về tổ tiên chúng ta được đồng bào nơi đây lưu giữ bằng những câu chuyện lý thú, mà hầu hết đã được sưu tầm và xuất bản thành sách để phục vụ du khách.

Nhìn vào bản đồ Việt Nam sẽ thấy dòng sông Đà bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng Trung Quốc chảy vào nước ta, khi vừa qua khỏi tỉnh Hòa Bình thì bị dãy núi Ba Vì chắn phía hữu ngạn, phải đổi dòng lao lên phía bắc chạm chân núi Đá Chông. Tại đây, sông bồi đắp phù sa màu mỡ bên bờ tả ngạn tạo nên bãi soi trù phú, nay thuộc xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Đặc biệt, tại động Lăng Xương vùng bãi bồi này ven sông, tương truyền Âu Cơ đã được sinh ra với mây lành che chở trong hương thơm ngào ngạt, lớn lên thông minh xinh đẹp và đã có cuộc kỳ ngộ với Lạc Long Quân - con trai của Kinh Dương Vương, cũng nơi bãi cát phù sa.

Hai vị thủy tổ Lạc Long Quân - Âu Cơ gặp nhau, quấn quít bên nhau, bén duyên chồng vợ, hạ sinh một bọc trăm trứng nở trăm con tạo nên dòng giống Rồng Tiên. Khi thấy đàn con đông đúc khôn lớn, cha Lạc Long Quân sau nhiều đêm trăn trở bèn nói với mẹ Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, tuy khí âm dương hợp lại mà thành trăm con, nhưng chung hợp thật khó vì dòng giống bất đồng”. Hiểu được thiện ý của chồng, vì tương lai nòi giống, mẹ Âu Cơ đưa 50 con lên non còn cha Lạc Long Quân dẫn 50 con về phía biển mưu sinh.

Giếng phượng trong đền thờ Âu Cơ. ẢNH: TẤN HÙNG

Đàn con cùng mẹ Âu Cơ khi đi ngược lên một vùng núi cao, phía dưới có sông dài đồng rộng bèn dừng lại khai khẩn, đào giếng lấy nước, gieo cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, săn bắt thuần dưỡng thú rừng. Vùng đất ấy cũng nằm bên sông Đà, hiện nay là xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Từ lâu nhân dân nơi đây đã lập đền thờ Âu Cơ.

Theo công trình nghiên cứu của “nhà Phú Thọ học” Nguyễn Khắc Xương, trong tâm thức người dân Hiền Lương, mùng 7 tháng Giêng là ngày “Tiên giáng” trần, còn các ngày lễ khác trong năm tính theo âm lịch là 10 và 11/2, 12/3, 13/8 và 25 tháng Chạp là những ngày “Tiên thăng” về trời. Lễ hội Đền mẫu Âu Cơ diễn ra vào mùng 7 Tết cổ truyền hàng năm, mở đầu là lễ tế thành hoàng làng và rước kiệu, rước lễ vật từ đình Đức Ông về đền mẫu Âu Cơ nhằm tri ân công đức Tổ mẫu Âu Cơ, cầu mong Tổ mẫu phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, ấm no hạnh phúc. Tiếp theo phần lễ là nghi thức tế nữ quan, một nét đặc trưng lễ hội đền mẫu, với đội tế gồm các cô gái thanh tân trong trang phục áo dài, đầu đội khăn kim tuyến, thắt lưng dải lụa, chân đi hài thêu, cùng chủ tế nữ mặc bộ lễ phục màu đỏ thực hiện nghi thức tế lễ truyền thống…

Nhà thơ Ngô Kim Đỉnh ở Phú Thọ cho biết, bức tượng mẫu Âu Cơ thờ trong đền vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia có niên đại thế kỷ XIX. Bức tượng vừa có giá trị lịch sử và nghệ thuật, vừa có giá trị văn hóa tâm linh. Và bên cạnh đền Hùng thì đền Mẫu Âu Cơ cùng nhiều di tích lịch sử - văn hóa khác ở Phú Thọ, mà tiêu biểu là đền thờ Lạc Long Quân, Mẫu Tam Giang Thượng, Quách A Nương, Mộ Chu Thượng, Mộ Chu Hạ,… cũng lưu giữ những câu chuyện thú vị về nòi giống Tiên Rồng.

Vào năm 1991, đền thờ Tổ mẫu Âu Cơ đã được Bộ VH-TT công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đến ngày 23/1/2017, Bộ VH-TT-DL đã chứng nhận Tín ngưỡng thờ mẫu Âu Cơ - đền mẫu Âu Cơ được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Và ngày 31/1/2020, bức tượng Âu Cơ thờ trong chánh điện được Thủ tướng Chính phủ công nhận báu vật quốc gia.

Tấn Hùng

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/truyen-thuyet-me-au-co-va-bao-vat-quoc-gia-75641