Truyện tranh trên thiết bị di động: Gặp khó dù giàu tiềm năng

Dù là lĩnh vực đầy triển vọng, song ở nước ta, truyện tranh trên thiết bị di động gặp nhiều khó khăn. Những đơn vị làm ăn đàng hoàng đang bị thách thức bởi phía đăng tải truyện lậu, thói quen 'đọc chùa' từ phía độc giả cũng như việc thiếu kênh thanh toán...

Truyện tranh trên thiết bị di động là lĩnh vực xuất bản đầy triển vọng. Tuần báo Xuất bản của Mỹ đưa tin Webtoon - nền tảng truyện tranh trên thiết bị di động của Hàn Quốc - đã có hơn 100 tỷ lượt xem, và trong năm 2019 đạt hơn 60 triệu người dùng hằng tháng. Top 30 truyện của Webtoon đạt 2,4 tỷ lượt đọc trên toàn thế giới.

Dù còn nhiều khó khăn, truyện tranh trên thiết bị di động vẫn có sự tăng trưởng.

Với ưu thế về nhiều mặt, truyện tranh trên thiết bị di động phù hợp với thế hệ trẻ. Tại Việt Nam, một số đơn vị đã nhanh nhạy tham gia thị trường này. Có thể kể đến hai app truyện tranh bản quyền: Comi (Comiwebtoon - app đọc truyện có nhiều tác phẩm của tác giả Việt do Comicola phát triển), và Manwa (app đọc truyện do Viettel phát triển).

Là thiết bị của Comicola - công ty thiên về nội dung truyện của tác giả Việt, app Comi có nhiều tác phẩm do họa sĩ trẻ Việt Nam sáng tác. Ở đó, có thể tìm thấy truyện của tác giả Việt đoạt giải thưởng truyện tranh quốc tế như Long thần tướng (Phong Dương Comics), Địa ngục môn (Can Tiểu Hy); truyện học đường như Badluck (Châu Chặt Chém), Orange (Thành Phong, Khánh Dương); tác phẩm của họa sĩ tên tuổi như Dũng sĩ Hesman (Hùng Lân)... Có những truyện được sáng tác, công bố trên Comiwebtoon như: Anh trai tôi là khủng long (nhóm tác giả),Tác giả, em muốn nghỉ việc (TéddiBe), Nhật kí sống sót của nữ phụ phản diện (Sâu lười, Vân MC)...

Manwa là kho ứng dụng truyện có bản quyền. Ở đó, nhiều truyện tranh giải trí được dịch, chia theo các chủ đề như lãng mạn, hài hước, hành động, phiêu lưu. Trên Manwa cũng có sách tranh (artbook) dành cho thiếu nhi.

So với các trang web lậu, lượng đọc trên các app truyện bản quyền chưa nhiều dù một số truyện có hàng trăm nghìn lượt đọc.

Các đơn vị phát triển truyện tranh trên thiết bị di động tại nước ta đang gặp nhiều khó khăn khi phải đối mặt với nhiều web đọc truyện lậu. Ông Đinh Quang Hoàng, Giám đốc điều hành Waka, đơn vị cung cấp nội dung cho Manwa - cho biết, truyện có bản quyền của Manwa vẫn bị các nền tảng, web khác đăng tải lậu và đơn vị nắm bản quyền phải thực hiện nhiều bước nhằm bảo vệ quyền bảo hộ tác phẩm. Với các nền tảng đăng truyện không có bản quyền, hướng xử lý là đưa bằng chứng, báo cáo tới App Store để gỡ truyện lậu. Nhưng với các web thì khác. Theo ông Đinh Quang Hoàng: “Báo cáo vi phạm hầu như không có tác dụng, vì báo cáo rồi mà họ vẫn tiếp tục đẩy truyện lên”.

Khánh Dương, người sáng lập Comiwebtoon cho biết, đơn vị anh đã liên hệ với các trang web đăng truyện lậu nhưng họ từ chối làm việc. Không chỉ truyện nước ngoài, ngay tác giả trong nước cũng chỉ biết nhìn tác phẩm của mình bị “xài chùa”. Một số truyện trên Comi như Địa ngục môn, Orange...vẫn bị các web ngang nhiên đăng lại. Còn họa sĩ Hoàng Anh Tuấn (tác giả bộ truyện Lớp học mật ngữ) thì chỉ có thể lên tiếng phản đối khi truyện của mình bị scan và đưa lên web hoặc YouTube.

Không chỉ những người làm web, app truyện lậu, nhiều độc giả cũng tiếp tay cho phía vi phạm bản quyền. Năm 2019, Comicola mua bản quyền một bộ truyện ăn khách của Hàn Quốc. Tuy nhiên, tác phẩm này bị một web khác đăng lại. Tiền mua bản quyền truyện tranh không hề rẻ, chưa kể chi phí dịch thuật, bắn chữ lên khung tranh, biên tập... trước khi đưa truyện đến tay bạn đọc. Comicola đã làm việc với App Store và khi tác phẩm đăng lậu bị gỡ thì Comicola lại nhận được phản hồi tiêu cực từ người đọc. Có lẽ, chính thói quen “đọc chùa” đã dẫn đến phản ứng ngược đời đó...

Ngoài việc phải đối mặt với tình trạng vi phạm bản quyền, truyện tranh trên nền tảng di động ở nước ta còn gặp khó khăn khi chưa có nhiều kênh thanh toán phù hợp. Người đọc truyện tranh di động thường là học sinh, sinh viên nhưng nhiều người không được bố mẹ cho dùng điện thoại, hoặc chưa có ví điện tử để thanh toán.

Bất chấp khó khăn, truyện tranh trên thiết bị di động vẫn có sự tăng trưởng. Như trong 5 tháng đầu năm 2020, truyện tranh trên nền tảng di động của Comi có lượng người đăng ký sử dụng tăng vọt dù mảng sách giấy gần như đóng băng. Bởi vậy, chỉ cần tìm ra cách khống chế hành vi đăng truyện lậu, mảng truyện tranh trên thiết bị di động chắc chắn có bước tiến xa.

Lâm Thu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giai-tri/971610/truyen-tranh-tren-thiet-bi-di-dong-gap-kho-du-giau-tiem-nang