TS Lê Cảnh Nhạc: Công tác Dân số có những vấn đề rất 'nóng', phải nhìn vào tương lai xa mới thấy được

Chiều 16/3, Tiến sĩ Lê Cảnh Nhạc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ (Bộ Y tế), Tổng biên tập Báo Gia đình & Xã hội đã có trao đổi với báo giới về các vấn đề quan trọng công tác dân số tại buổi 'Giao lưu báo chí truyền thông với những vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội'.

Buổi giao lưu này nằm trong chuỗi các sự kiện của Hội báo Toàn quốc 2018.

TS Lê Cảnh Nhạc cho rằng công tác dân số không phải là vấn đề mà người ta có thể nhìn thấy ngay được như các vấn đề về y tế, giáo dục, môi trường...

"Công tác dân số là vấn đề của 20 năm, 30 năm, thậm chí 50 năm. Trong hơn 50 năm qua, công tác dân số tập trung vào vấn đề giảm sinh. Vấn đề này đụng đến cuộc sống của người dân và báo chí cũng hết sức quan tâm. Trước đây, công tác dân số gán với cụm từ “dân số kế hoạch hóa gia đình”, TS Lê Cảnh Nhạc cho biết.

TS Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, Tổng biên tập báo Gia đình & Xã hội phát biểu tại buổi "Giao lưu Báo chí truyền thông với những vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội". Ảnh: Q. Thành

TS Lê Cảnh Nhạc đặt vấn đề: "Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng nêu công tác dân số trong tình hình mới chuyển trọng tâm từ “Kế hoạch hóa gia đình” sang “Dân số và phát triển” đặt ra một loạt câu hỏi; Tại sao lại chuyển trọng tâm? Nội hàm của dân số và phát triển là gì? Đây là những vấn đề mới, quan trọng, tác động đến tương lại đất nước. Báo chí nhìn thấy được những vấn đề đó, nêu bật ra được những vấn đề đó thì rất quý báu không chỉ đối với mỗi người dân mà còn đối với Đảng, Nhà nước.

Thành công của công tác dân số là đưa mức sinh về mức sinh thay thế và duy trì hơn 10 năm qua. Đó là một mục tiêu mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều mong muốn.

Hiện nay công tác dân số phát sinh nhiều vấn đề mới đầy thách thức. Trước hết là quy mô dân số lớn. Mức sinh không đồng đều. Ở miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ mức sinh còn cao, trung bình mỗi phụ nữ sinh 2,5 con, thậm chí 3 con. Nhưng có những vùng như ở miền Đông Nam Bộ, bình quân mỗi phụ nữ chỉ sinh 1,6 con, thậm chí tại TP Hồ Chí Minh mức sinh bình quân là 1,35 con. Vậy thì chúng ta phải làm sao để có mức sinh đồng đều toàn quốc?

Về cơ cấu dân số có 2 vấn đề nổi lên; mất cân bằng giới tính khi sinh và tốc độ già hóa dân số nhanh. Việt Nam là một trong 5 quốc gia có tốc độ già hòa dân số nhanh nhất thế giới. Chúng ta chuyển từ dân số đang già sang già chỉ 18 đến 20 năm trong khi các nước phát triển họ có hàng trăm năm để chuẩn bị. Trong quản lý làm sao để có những đối sách chăm sóc người cao tuổi? ứng phó với già hóa dân số ra sao?

Mất cân bằng dân số khi sinh là một vấn đề hoàn toàn mới. Vấn đề này tác động đến những khía cạnh khác của xã hội".

"Giao lưu báo chí truyền thông với những vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội'' nằm trong chuỗi sự kiện của Hội báo toàn quốc 2018.

Việt Nam là một trong những nước có mật độ dân số cao nhất thế giới, cao gấp 7,5 lần mật độ dân số chuẩn theo khuyến cáo của Tổ chức Lương thực Thế giới. Dân số phân bố không đồng đều. TS Lê Cảnh Nhạc cho rằng tất cả nhưng vấn đề đó rất "nóng" và phải nhìn vào tương lai xa mới thấy được, ngành dân số rất mong báo chí tiếp tục vào cuộc phân tích, mổ xẻ.

Nói về sự thay đổi trong công tác dân số, TS Lê Cảnh nhạc cho biết: "Trước đây, chúng ta tập trung truyền thông vấn đề kế hoạch hóa gia đình, chỉ xoay quanh vấn đề mấy con. Bây giờ, những vấn đề; quy mô dân số, cơ cấu dân số, một độ dân số, phân bố dân cư, chất lượng dân số… Tất cả những vấn đề đó phải gắn kết với phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng".

TS Lê Cảnh Nhạc khẳng định vai trò của báo chí vô cùng lớn trong truyền thông vận động xã hội. Công tác dân số từ trước đến nay và sau này vẫn là cuộc vận động xã hội rộng lớn và nếu như không có sự tham gia của báo chí, không có sự vào cuộc của truyền thông thì sẽ thất bại.

Q.Thành (ghi)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/dan-so/ts-le-canh-nhac-cong-tac-dan-so-co-nhung-van-de-rat-nong-phai-nhin-vao-tuong-lai-xa-moi-thay-duoc-20180316191000229.htm