TS Lê Thị Minh Lý: Phải truyền thông cặn kẽ để Nghị định Quản lý và tổ chức lễ hội đi vào đời sống

Nghị định Quản lý và tổ chức lễ hội (Nghị định 110/2008/NĐ-CP) vừa được Chính phủ ban hành ngày 29/8/2018. Đây là Nghị định đầu tiên của Chính phủ về một lĩnh vực 'nóng' như công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Để làm rõ hơn những ý nghĩa, giá trị của Nghị định Quản lý và tổ chức lễ hội, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam.

TS Lê Thị Minh Lý: Nghị định Quản lý và tổ chức lễ hội ra đời là vô cùng cần thiết và hữu ích

+ Thưa bà, Chính phủ vừa ban hành Nghị định Quản lý và tổ chức lễ hội. Đây là Nghị định đầu tiên của Chính phủ về lĩnh vực khá là “nóng” này. Bà đánh giá như thế nào về ý nghĩa của việc ra đời Nghị định?

- Nghị định Quản lý và tổ chức lễ hội (gọi tắt là Nghị định) ra đời là vô cùng cần thiết và hữu ích. Vì trong lĩnh vực quản lý di sản văn hóa phi vật thể của chúng ta, lĩnh vực khó khăn nhất, nổi cộm nhất chính là lễ hội. Nguyên nhân quản lý khó khăn vì xuất phát lễ hội của chúng ta có một thời gian dài bị gián đoạn do chiến tranh hoặc do câu chuyện chưa nhìn nhận đúng.

Sau thời gian bị dừng lại như thế, đến lúc phục hồi trở lại thì có những lễ hội phục hồi được những giá trị cốt lõi của di sản nhưng cũng có những lễ hội bị sai lệch. Tôi có thể lấy ví dụ như trường hợp Chém lợn ở Ném Thượng, Bắc Ninh, hay một số trường hợp lễ hội bị sai lệch đi.

Hoặc có những lễ hội tiếp tục được thực hành nhưng không tính đến việc cần cho nó môi trường sống, sự phù hợp với cuộc sống đương đại nên đã diễn ra nhiều cái mà người ta cho là phản cảm. Có thể ngày xưa, trong cộng đồng nhỏ thì không có vấn đề gì nhưng bây giờ, trong cộng đồng lớn thì bị cho là phản cảm. Hoặc là không quản lý được số đông như Hội Gióng ở Sóc Sơn….

Cho nên, cần một Nghị định để tăng cường vai trò quản lý của nhà nước, nâng cao vai trò ý thức của cộng đồng đối với việc thực hành lễ hội. Làm thế nào để vừa giữ được giá trị cơ bản của di sản, mặt khác phải thích ứng với đời sống đương đại, với nhu cầu của phát triển bền vững. Đó là giá trị mà Nghị định hướng đến.

Nghị định tăng cường vai trò quản lý của nhà nước, nâng cao vai trò ý thức của cộng đồng đối với việc thực hành lễ hội

+ Có ý kiến cho rằng, Nghị định ra đời, những lễ hội sai lệch sẽ không còn “đất sống”. Bà có kỳ vọng về điều này?

- Có chứ! Ví dụ, Nghị định đã phân biệt rõ lễ hội truyền thống, lễ hội mới. Đó là ưu điểm. Để mọi người thấy cơ quan quản lý không đánh đồng tất cả các lễ hội với nhau mà sẽ xử lý những lễ hội nào không có giá trị truyền thống, những lễ hội nào bây giờ mới tạo dựng. Và từ đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ quản lý được. Không thì sẽ dẫn đến thương mại hóa và phát triển tràn lan lễ hội

+ Lần đầu tiên có quy định về tạm dừng lễ hội, theo bà, điều này cần triển khai như thế nào?

- Câu chuyện tạm dừng lễ hội cần đặt trong hoàn cảnh từng lễ hội cụ thể, cần có những quy định, những điều khoản lễ hội như thế nào thì sẽ bị tạm dừng. Theo tôi, Nghị định đã làm được điều này khá chặt chẽ. Nhưng khi vận dụng thì cần phân biệt. Ví dụ, với lễ hội mới phục dựng, nhưng không trên cơ sở giá trị cốt lõi của di sản mà hiệu quả không mang lại tích cực cho bảo vệ di sản, không tích cực trong gắn kết cộng đồng thì dừng là đúng. Còn những lễ hội có giá trị nhưng bị sai lệch một số thực hành nào đó thì mình phải cân nhắc. Phải có xử phạt đi kèm với khắc phục. Ví dụ như khi lễ hội được khắc phục, tạo dựng lại được giá trị cơ bản thì sẽ lại cho tiếp tục thực hành chứ không có nghĩa xóa sạch của người ta đi. Vì vậy, trước khi tạm dừng nhà quản lý phải có điều khoản cơ bản để xác định cho rõ tại sao bị tạm dựng, dừng trong bối cảnh như thế nào.

+ Theo bà, yếu tố cần và đủ nào để Nghị định quản lý và tổ chức lễ hội đi vào đời sống?

- Với một nghị định mới ra đời, điều đầu tiên là phải quảng bá, truyền thông cho mọi người hiểu cặn kẽ, tránh sự ngộ nhận.

Một là ngộ nhận mà có phản ứng ngay với những Nghị định. Phải truyền thông cặn kẽ qua mạng lưới văn hóa cơ sở, nâng cao nhận thức cho người dân thông qua hệ thống văn hóa thôn, xã. Bên cạnh đó, phải nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ quản lý văn hóa. Nếu không, dễ sa vào dùng Nghị định như một công cụ để áp chế người dân. Nếu bản thân nhà quản lý hiểu không đầy đủ thì sẽ xử phạt người dân và gây mâu thuẫn. Vì vậy, cả hai bên cùng phải hiểu một cách thấu đáo để Nghị định thực sự đi vào đời sống.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý, không có văn bản nào là hoàn hảo tất cả. Vì vậy, trong quá trình triển khai, vận dụng, khi phát hiện thiếu thực tế thì chúng ta hoàn toàn có thể bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh.

+ Vâng, xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Hồng Hà (thực hiện)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/ts-le-thi-minh-ly-phai-truyen-thong-can-ke-de-nghi-dinh-quan-ly-va-to-chuc-le-hoi-di-vao-doi-song-362462.html