TS. Lý Quí Trung và bài học 10 nghìn giờ

Có một triết lý trong cuốn sách mang tên Những kẻ xuất chúng của Malcolm Gladwell mà TS. Lý Quí Trung - Giáo sư kiêm nhiệm Cố vấn cao cấp Đại học Western Sydney (Australia), rất tâm đắc: không ai đẻ ra đã giỏi, cần thực tập trau dồi nghiên cứu tới 10 nghìn giờ.

Và trong 10 nghìn giờ ấy, mỗi người phải thực tập, làm thật và trải nghiệm thật…

Bìa cuốn sách Chỉ có đam mê của TS. Lý Quí Trung. (Nguồn: Nhà xuất bản Trẻ)

Bìa cuốn sách Chỉ có đam mê của TS. Lý Quí Trung. (Nguồn: Nhà xuất bản Trẻ)

Quan niệm về ước mơ và sự lựa chọn

TS. Lý Quí Trung chia sẻ ông là người lãng mạn trong suy nghĩ và nghề nghiệp. Ước mơ đối với ông cũng là một sự lãng mạn bởi làm cho tư duy bay bổng hơn. Ước mơ vừa quý giá lại vừa rẻ vì không tốn chi phí. Đặc biệt, từ khi có ước mơ, ông thành công.

Mỗi một giai đoạn cuộc đời, ông lại có những ước mơ khác nhau. Khi ước mơ học đại học không đạt, ông quyết định đi làm phục vụ bàn, rồi mơ làm tiếp tân khách sạn, làm tổng giám đốc khách sạn.

Từ đó, ông có ước mơ đi du học nước ngoài và trở về làm tổng giám đốc, thậm chí còn tưởng tượng mình được đi học như thế nào và trở về làm công việc mong muốn ra sao.

Dù du học tự túc nhưng có ước mơ và quyết tâm, mọi sự khó khăn với ông đều trở nên vô cùng nhỏ bé. Ông chỉ ra sự lợi hại của uớc mơ là khi có ước mơ rồi, thì những khó khăn sẽ trở thành những “stepping stones” - những bước đệm, những viên gạch để mình bước tới đích.

TS. Lý Quí Trung cũng cho rằng cuộc đời nên có nhiều sự lựa chọn. Khi đặt tên cho cuốn tự truyện Bầu trời không chỉ có màu xanh là thời điểm ông vừa chuyển nhượng thương hiệu Phở 24 nên nội dung chứa đựng cảm xúc, tình cảm, suy tư trong xuyên suốt thời gian lập nghiệp, gây dựng và bán thương hiệu.

Đối với ông, bầu trời không chỉ có màu xanh, mà còn có thể là nhiều màu sắc đẹp khác nữa. Trong bức tranh có bầu trời, bầu trời ấy màu gì là tùy người vẽ, giống như cuộc đời và tương lai của mình như thế nào là tùy mình quyết định.

Cũng theo TS. Lý Quí Trung, người hạnh phúc là người có nhiều sự lựa chọn, cũng như ý thức được mình có những lựa chọn nào và lòng dũng cảm để thực hiện quyền lựa chọn ấy.

Ông nói: “Ngày nay, các bạn trẻ có nhiều sự lựa chọn, nhưng lại chỉ chọn duy nhất một con đường thì rất phí. Đường đi có nhiều ngã rẽ. Mỗi ngã rẽ lại có một sự thú vị riêng. Dù chọn cho mình ngã rẽ nào thì chúng ta cũng sẽ hài lòng với nó”.

Không có từ “thất bại” và “rập khuôn”

Một điều đặc biệt khác là trong từ điển của TS. Lý Quí Trung không có từ “thất bại”, thay vào đó là “kết quả không được như mong muốn ban đầu”. Với ông, kể cả khi có thất bại tức đã có một thành công. Trên con đường ấy, có thêm nhiều kinh nghiệm cũng chính là một thành công.

Bản thân ông Lý Quí Trung lúc nào cũng có xu hướng nghĩ và làm những điều khác biệt. Ông khuyến khích đối tác và nhân viên làm như vậy. Nói về sự phá bỏ quy tắc rập khuôn, ông khuyến khích làm khác đi nhưng vẫn phải có hiệu quả. Ví dụ trong một năm làm việc, ông không cần có những bài báo cáo dài và quá nghiêm túc, nhưng vẫn nắm được hết tình hình và chi tiết.

Ông nói: “Thời đại ngày nay không còn giống như trước. Thay đổi là liên tục, nên kế hoạch kinh doanh cần được cơ cấu để có thể điều chỉnh được liên tục. Sự uyển chuyển là vô cùng cần thiết. Phá vỡ quy tắc là làm mới một cách tốt hơn, chứ không phải phá vỡ một cách vô kỷ luật”.

Ngoài lĩnh vực kinh doanh và giáo dục, Lý Quí Trung còn có rất nhiều sở thích như vẽ tranh, chơi piano, đánh golf... Ông nhấn mạnh, kỹ năng đa nhiệm rất cần thiết với xu thế mới vì môi trường kinh doanh thời nay có nhiều biến động, cộng với cách mạng công nghệ, AI, blockchain, metaverse… khiến chúng ta bắt buộc phải đa nhiệm.

Theo ông, các bạn trẻ bây giờ phải học nhiều hơn một thứ. Khởi nghiệp ngày nay phải phối hợp giữa công nghệ và kinh doanh. Sự đa nhiệm cần thiết không chỉ cần trong kỹ năng mà còn trong tư duy. Mỗi người phải sẵn sàng đảm nhiệm nhiều thứ cùng một lúc. Bởi, nếu làm nông dân hay kỹ sư, quản trị, mà có tư duy suy nghĩ như một doanh nhân thì sẽ tốt hơn rất nhiều.

Năm 2021, TS. Lý Quí Trung vinh dự được Đại học Western Sydney trao bằng Tiến sĩ danh dự vì những đóng góp cho sự phát triển của nhà trường và cộng đồng. Đến thời điểm hiện tại, ngoài Việt Nam, chưa có người nước ngoài nào khác được trường đại học thuộc top 1,2% thế giới này trao bằng Tiến sĩ danh dự...

Con đường tìm về hạnh phúc

Để có được những thành công như hiện tại, TS. Lý Quí Trung đã phải mất nhiều năm để trả lời câu hỏi “Mình muốn cái gì?”.

Ông kể, khi sang Australia thử mở nhà hàng, ông lại cảm thấy đây không phải cái mình muốn. Thời điểm này, ông luôn cần tìm dự án nào đó có ý nghĩa, chứ không cần to lớn. Đó chính là việc giảng dạy, đóng góp cho trường đại học, mở ra những cơ hội giáo dục cho các bạn trẻ. Ông đã tìm thấy niềm vui vì công việc ấy có ý nghĩa và đúng với cảm xúc cũng như mong muốn của ông.

Nói về lẽ sống, TS. Lý Quí Trung muốn sống có ích cho xã hội và sẽ không cảm thấy an yên khi thấy mình vô dụng. Ông chia sẻ: “Nếu ngồi trên một đống tiền, ăn đồ ngon, ở nhà đẹp mà không đóng góp được gì thì tôi cảm thấy rất đau khổ. Thành công thì ai cũng thích, nhưng chưa chắc đã thực sự là điều mình muốn”.

Đặc biệt, để có được sự cân bằng trong cuộc sống, ông tập trung vào những việc đem lại niềm vui và hạnh phúc.

Khi chơi golf, ông chơi với 101% năng lượng: tắt điện thoại, thưởng thức trận golf với bạn bè, hay dịch một cuốn sách về luật golf. Khi vẽ tranh, đánh đàn, hay hát, ông hoàn toàn thả mình trong cái không gian ấy. Có những thứ không cần dành thời gian quá nhiều, nhưng với sự tập trung khi làm thì có thể giỏi rất nhiều việc.

Gửi gắm tới những người trẻ, TS. Lý Quí Trung nói: “Tương lai rất rộng mở ở phía trước, đừng bao giờ quên rằng chúng ta có rất nhiều lựa chọn.

Dù là lựa chọn nào đi nữa, quan trọng nhất là bạn phải cảm thấy hạnh phúc. Mục tiêu cuối cùng của con người là hạnh phúc, chứ không phải công việc. Công việc cũng chỉ là một phần trong cuộc sống mà thôi”.

Lý Quí Trung sinh năm 1966 tại Sài Gòn, tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Quản trị nhà hàng, khách sạn tại Đại học Western Sydney vào năm 1993. Sau đó, ông tiếp tục lấy bằng Thạc sĩ du lịch tại trường Đại học Griffith vào năm 1994.

Năm 2003, ông nhận học vị Tiến sĩ hàm thụ chuyên ngành quản trị kinh doanh tại Mỹ. Năm 2009, ông được phong hàm Giáo sư tại Đại học Griffith và trở thành người châu Á đầu tiên, trẻ tuổi nhất nhận danh hiệu đó tại ngôi trường này.

Sáng lập chuỗi cửa hàng Phở 24 từ năm 2003, Lý Quí Trung đã tiếp tục “xuất khẩu” phở Việt ra nước ngoài bằng việc mở hệ thống các nhà hàng món ăn Việt tại Australia sau khi đã bán thương hiệu nổi tiếng này. Bên cạnh đam mê kinh doanh, ông còn là nhà hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, diễn giả có tầm ảnh hưởng và tác giả của nhiều cuốn sách được yêu thích.

QUỲNH ANH

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ts-ly-qui-trung-va-bai-hoc-10-nghin-gio-189898.html