TS. Nguyễn Đức Kiên: 'Cần thành lập ngân hàng đất'

TS. Nguyễn Đức Kiên kiến nghị trong thời gian tới có thể hình thành một ngân hàng ruộng đất, để người dân có thể gửi ruộng đất của mình vào đó lấy lãi hàng năm, sau đó ngân hàng cho các doanh nghiệp “mượn” ruộng đất đó để sản xuất, kinh doanh lấy lãi.

Chia sẻ trong buổi hội thảo “ Tín dụng ngân hàng thúc đấy tái cơ cấu ngành nông nghiệp” do báo Nông thôn ngày nay tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết: Sau khi nghiên cứu 23 tỉnh trong cả nước về phát triển nông nghiệp, có 3 nhóm vấn đề chính nổi lên. Đầu tiên là tư liệu sản xuất của nông dân hiện nay phần lớn là nhỏ, chủ yếu là kinh tế hộ gia đình, bình quân mỗi hộ nông dân có 2,7 mảnh ruộng/1 hộ, diện tích nhỏ chưa đến 2.000 m2.

"Đặc biệt là tình trạng nhiều sổ đỏ của người nông dân đã được đem đi thế chấp trong ngân hàng để vay vốn", ông Kiên nói.

Đẩy mạnh cổ phần hóa

Ông Kiên cho biết, bây giờ chúng ta không thể còn có tư duy ngân hàng là của Nhà nước nên ngân hàng có trách nhiệm cho người nông dân vay vốn. “Hãy đối xử với ngân hàng như với một doanh nghiệp thông thường, họ có quyền yêu cầu đồng vốn bỏ ra phải mang lại hiệu quả”.

Thay vào đó hãy đặt vấn đề đưa tư duy công nghiệp vào trong nông nghiệp chứ đừng đặt vấn đề từ góc độ ngân hàng phải giảm lãi suất, giảm các tiêu chí cho vay với nông dân, với sản xuất nông nghiệp, ông Kiên đặt vấn đề.

Hiện nay dù nông dân trồng lúa, chăn nuôi hay trồng cây ăn quả thì đa số đều chưa thấy có tư duy kinh doanh vươn lên trở thành doanh nghiệp lớn, có ý thức tham gia vào chuỗi sản phẩm.

Theo đó, ông Kiên đặt câu hỏi với các chuyên gia nghiên cứu rằng: Tại sao trong sản xuất công nghiệp chúng ta sẵn sàng cổ phần hóa doanh nghiệp và đồng ý với việc chuyển tài sản cho một chủ sở hữu - người có khả năng sử dụng tài sản đó hiệu quả nhất. Vậy, tại sao trong nông nghiệp chúng ta không làm thế? Sản xuất nông nghiệp, đã đến lúc cổ phần hóa?

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Theo ông Kiên, hiện nay chính sách của chúng ta còn nửa vời, chúng ta thực hiện “dồn điển đổi thửa”, “cánh đồng mẫu lớn”, tuy nhiên vẫn không thể bỏ qua đặc tính sở hữu ruộng đất của người nông dân.

Vì thế, trong thời gian tới có thể hình thành một ngân hàng ruộng đất, để người dân có thể gửi ruộng đất của mình vào đó lấy lãi hàng năm, sau đó ngân hàng cho các doanh nghiệp “mượn” ruộng đất đó để sản xuất, kinh doanh lấy lãi. Việc này sẽ giải quyết được vấn đề ruộng đất manh mún nhỏ lẻ như hiện nay; cũng giải quyết được vấn đề nhiều vùng nông thôn hiện nay chỉ còn người già, trẻ em, sản xuất kém hiệu quả, ông Kiên đề xuất.

Lấy ví dụ cho hình thức này, ông Kiên chia sẻ: Ở Kiến An, An Lão, Hải Phòng, nhiều doanh nghiệp ở thành phố đã về nông thôn thuê đất của người nông dân để trồng ớt xuất khẩu. Yêu cầu họ đặt ra là tập hợp được trên 30ha đất tập trung, sau đó họ thuê và đưa vào sử dụng sản xuất. Cùng với đó, họ thuê luôn người nông dân làm công nhân nông nghiệp trên mảnh đất đó với mức tiền công trung bình 100.000 đồng/ngày thường, 150.000 đồng/ngày vụ mùa. Vậy là ngoài tiền cho thuê đất, nông dân còn được trả lương cho công việc hàng ngày là chăm sóc ớt trên mảnh ruộng của mình. Những người nông dân riêng lẻ đã không còn phải đối mặt với việc gồng mình lên để đi vay sản xuất nông nghiệp.

“Nói tóm lại, muốn giải quyết được vấn đề tín dụng cho nông dân, ngoài tập thể hóa trong nông nghiệp thì không còn cách nào khác. Và đó là trách nhiệm của hội nông dân, chính quyền cần tuyên truyền cho người nông dân hiểu và đưa ra phương án hợp lý để giúp họ. Nếu chúng ta không đưa ra được tư duy công nghiệp hóa vào nông nghiệp, sẽ lặp lại bài toán nông dân không tiếp cận được công nghệ, sản xuất đình đốn và có thể nông dân lại bỏ ruộng hoang như ở Thái Bình”, ông Kiên nhấn mạnh.

Chuỗi liên kết

Đồng ý với quan điểm của ông Kiên, Phó thống đốc ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhận định: Tín dụng trong nông nghiệp cần chú trọng các dự án, doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia vào chuỗi liên kết giá trị sản phẩm từ khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu. Một chuỗi liên kết có thể có nhiều thành phần tham gia nhưng quan trọng là lợi ích các bên tham gia, khi có lợi ích thì người ta sẽ tham gia. Ngân hàng như sợi dây tạo ra lợi ích cho các bên tham gia chuỗi liên kết này.

Cùng với đó, việc đưa tư duy công nghiệp vào trong sản xuất nông nghiệp là rất quan trọng. "Tập trung vốn tín dụng với cơ chế chính sách có ưu đãi phù hợp, tập trung trọng tâm như xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm”, ông Tú nói.

Cần có sự định hướng trọng tâm tín dụng cho nông nghiệp trong thời gian sắp tới. Nhận xét về những chính sách hỗ trợ tín dụng hiện nay của ngân hàng chính sách xã hội, ông Tú chỉ ra, hiện nay có tới 22 chương trình tín dụng dàn ngang, trong khi nguồn vốn còn hạn hẹn, nên trong thời gian tới ngân hàng cần thu gọn lại, xác định mục tiêu hỗ trợ trọng điểm, cần xác định ủng hộ những anh làm tốt chứ không thể những đối tượng làm không hiệu quả cũng hỗ trợ, ưu đãi mãi được, ông Tú nhấn mạnh.

Nguyễn Thoan

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/ngan-hang/ts-nguyen-duc-kien-can-thanh-lap-ngan-hang-dat-2138021.html