TS Nguyễn Đức Thành: Giảm thuế cho doanh nghiệp tốt hơn là tung gói cứu trợ

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trong trường hợp của Việt Nam, việc chủ động cắt giảm các chi phí bắt buộc và hoãn/giảm thuế đối với doanh nghiệp có giá trị kích thích và hỗ trợ kinh tế hiệu quả hơn so với cứu trợ hoặc tài trợ trực tiếp.

TS Nguyễn Đức Thành: Chặn suy thoái cần giảm chi phí bắt buộc sẽ hiệu quả hơn tài trợ trực tiếp

TS Nguyễn Đức Thành: Chặn suy thoái cần giảm chi phí bắt buộc sẽ hiệu quả hơn tài trợ trực tiếp

Trao đổi với PV Tạp chí Thời Đại về các chính sách cũng như biện pháp cấp bách để ngăn chặn đà suy giảm kinh tế trong nước, TS Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng VEPR đã chia sẻ nhiều vấn đề đáng lưu tâm.

- Tình hình kinh tế trong nước từ nay đến cuối năm được dự báo sẽ rất khó khăn, ông đánh giá thế nào về những nhận định này?

Việt Nam hiện đang gặp nhiều rủi ro và thách thức trong một môi trường kinh tế thế giới bất ổn và tương lai bất trắc.

Sự tái bùng phát của COVID-19 tại nhiều nước đi kèm với các biện pháp phong tỏa đã kéo dài thời gian đứt gãy của chuỗi cung ứng; xung đột địa chính trị giữa các nước lớn có thể khiến một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam đối diện những rủi ro bất ngờ.

Bên cạnh đó, điểm yếu của kinh tế Việt Nam còn đến từ các rủi ro nội tại như mất cân đối tài khóa lớn, tốc độ và mức độ đầu tư phát triển, đặc biệt là hạ tầng, bị chững lại; sức khỏe hệ thống ngân hàng - tài chính; sự phụ thuộc nặng nề của tăng trưởng vào khu vực FDI và thiếu tự chủ công nghệ và nguyên liệu; chất lượng lao động thấp; hiệu quả đầu tư công thấp...đang gây khó khăn cũng như làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

- Giảm là còn bao nhiêu, thưa ông?

Theo đánh giá trước đây của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế cả năm của Việt Nam năm nay sẽ đạt khoảng 4-5%. Tuy nhiên, theo đánh giá của cá nhân tôi thì khả năng cao nền kinh tế chỉ đạt mức tăng trưởng 3,8% cho cả năm 2020.

Ở một khả năng thấp hơn, nền kinh tế có thể chỉ tăng trưởng ở mức 2,2% do những diễn biến xấu đi của bệnh dịch COVID-19.

- Theo ông, Chính phủ đã nhận diện đúng và đủ nguy cơ suy thoái hay chưa?

Chính phủ đã nhận định được những nguy cơ về sụt giảm và suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, nhận định chính xác hay chưa thì cũng rất khó đánh giá.

Chính phủ hiện đã triển khai liên tiếp các gói hỗ trợ cho người dân cũng như doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Các gói hỗ trợ lớn có thể kể đến như gói hỗ trợ thuế 180.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp, gói 62.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ lao động mất việc, hay gói 18.000 tỷ đồng với mục đích cho vay trả lương người lao động...

Việc đưa các gói cứu trợ trên đối với người dân, doanh nghiệp là rất kịp thời. Tuy nhiên, nhiều gói cứu trợ hiện chưa được giải ngân hiệu quả, thủ tục còn phiền hà và khó thực hiện.

Đơn cử như gói hỗ trợ thuế 180.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp không hỗ trợ được nhiều doanh nghiệp thua lỗ.

Việc phân bổ hay điều tiết các gói hỗ trợ này cần được xem xét kỹ hơn nữa. Do vấn đề giải ngân hiện tại đang gặp khó nên tôi nghĩ rằng Chính phủ nên kéo dài hơn thời gian thực hiện các gói cứu trợ kể trên.

Cần giảm các nguồn thu trực tiếp để bớt gánh nặng cho doanh nghiệp và người lao động - Ảnh minh họa

- Nhiều chuyên gia kinh tế có đánh giá cần hy sinh những mục tiêu kinh tế khác như lạm phát để chặn đà suy thoái. Theo ông biện pháp này có khả thi?

Để điều tiết kinh tế vĩ mô có nhiều giải pháp khác nhau. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi những chỉ số kinh tế quan trọng đều cần phải giữ ổn định.

Tôi chỉ lấy ví dụ nếu vì chặn đà suy thoái nói chung mà không kiềm chế và thả nổi lạm phát thì sẽ gây hiện tượng "suy thoái chồng suy thoái", và việc này sẽ khiến những người điều hành kinh tế gần như mất kiểm soát.

- Cụ thể là sao, thưa ông?

Chúng ta cần hiểu rõ rằng thời điểm này khi đối diện với việc suy thoái kinh tế ví như "nhà đang khó" cần giữ ổn định các cột trụ đang có, cùng với đó là dồn lực sửa chữa gia cố lại những cột trụ đang yếu.

Do đó, việc dùng các biện pháp thả nổi lạm phát, hay nới lỏng tiền tệ là không nên ở thời điểm nhạy cảm này.

- Theo ông, với tình hình như hiện nay đâu là biện pháp cần thiết nhất hiện nay để chặn đà suy thoái kinh tế?

Sau khi rà soát các giải pháp thì ở thời điểm này đầu tư công đang là giải pháp có thể chủ động nhất thời điểm này. Hiện dư địa ở lĩnh vực này vẫn còn.

Theo thống kê của các chuyên gia kinh tế thì dư địa còn khoảng 700.000 tỷ đồng để ra theo kế hoạch từ đầu năm.

Tuy nhiên, giải ngân đầu tư công đang gặp nhiều vấn đề như chậm hay kém hiệu quả gây lãng phí nguồn lực. Đó cũng chính là lý do mà tôi không muốn nhấn mạnh vào đầu tư công là giải pháp sống còn lúc này.

- Không là sống còn, nhưng cũng là ưu tiên hàng đầu, thưa ông?

Nếu có tập trung vào đầu tư công chỉ nên đầu tư trọng tâm vào những dự án lớn, dự án trọng điểm quốc gia đã được phê duyệt và được bố trí sẵn vốn thực hiện.

Theo tôi, trong trường hợp của Việt Nam hiện nay việc cần thiết nhất là chủ động cắt giảm các chi phí bắt buộc như phí, lệ phí và hoãn/giảm thuế đối với doanh nghiệp. Những việc làm này sẽ có giá trị kích thích và hỗ trợ kinh tế hiệu quả hơn so với cứu trợ hoặc tài trợ trực tiếp.

Chính quyền không nên lạm dụng các nguồn thu mà làm "tổn thương" đến người dân hay doanh nghiệp ở thời điểm khó khăn này. Đây là giải pháp phù hợp và sống còn để ngăn chặn đà suy thoái kinh tế.

- Xin cảm ơn ông!

Hơn 30 triệu lao động bị mất việc, giảm lương vì COVID-19

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 6/2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

Trong tổng số 30,8 triệu người bị ảnh hưởng, có 28,7 triệu người có việc làm; 897,5 nghìn người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động (không tham gia hoạt động kinh tế).

Khu vực Dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 với 72,0% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực Công nghiệp và xây dựng với 67,8% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản là 25,1%.

Bình An

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/ts-nguyen-duc-thanh-giam-thue-cho-doanh-nghiep-tot-hon-la-tung-goi-cuu-tro-113760.html