TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Các cây xăng - vấn đề về địa vị pháp lý

Nhiều cây xăng ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt là ở TP. Hồ Chí Minh đóng cửa ngừng bán, xăng dầu. Hậu quả là việc đi lại, cũng như công chuyện làm ăn của đông đảo người dân gặp muôn vàn khó khăn.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng đặt vấn đề là các cây xăng có quyền thích thì bán hàng, không thích thì đóng cửa ngừng bán hay không?

Vấn đề đặt ra là các cây xăng có quyền thích thì bán hàng, không thích thì đóng cửa ngừng bán hay không? Câu hỏi đặt ra có vẻ đơn giản, nhưng câu trả lời lại hoàn toàn không đơn giản như vậy.

Không ít người cho rằng, bán hay không bán là quyền của các ông bà chủ các cây xăng. Bán xăng dầu thì cũng như bán sắt thép, thích thì bán, không thích thì hoàn toàn có thể đóng cửa đi chơi. Nếu lợi ích đã không khuyến khích được người ta bán hàng, thì pháp luật cũng không nên can thiệp vào. Đặc biệt, khi các cây xăng lại thuộc quyền sở hữu của các tư nhân.

Những người này còn cho rằng, ở đâu trên thế giới thì cung ứng xăng dầu cũng chỉ là một hoạt động kinh doanh đơn thuần. Đã là một hoạt động kinh doanh đơn thuần thì hãy để cho thị trường điều tiết và hãy để cho các doanh nhân quyền tự do lựa chọn. Nhà nước không nên can thiệp vào.

Nhiều người khác lại cho rằng, bán xăng dầu là cung cấp một loại hàng hóa thiết yếu cho đông đảo quần chúng nhân dân. Ở một nước mà người người, nhà nhà đều đi xe máy như ở nước ta, thì số lượng khách hàng của các cây xăng là hàng chục triệu người.

Như vậy, bán lẻ xăng dầu đáp ứng cả hai tiêu chí của một dịch vụ công: Thứ nhất, cung cấp một loại hàng hóa thiết yếu. Thứ hai, phục vụ đông đảo công chúng. Đã là một dịch vụ công thì bán lẻ xăng dầu phải tuân thủ đầy đủ 3 nguyên tắc của dịch vụ công. Đó là, bảo đảm tính liên tục của dịch vụ (nghĩa là không thể đóng hoặc mở cửa các cây xăng tùy thích); bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng của mọi người dân; giá cả phải phù hợp.

Tác giả của bài viết này ủng hộ loại ý kiến thứ hai. Trên thực tế, mặc dù không có một sự ghi nhận chính thức về mặt pháp lý, Nhà nước Việt Nam đang cố gắng bảo đảm cả 3 nguyên tắc nói trên của dịch vụ công đối với việc cung ứng xăng dầu. Nhà nước không chỉ can thiệp để việc cung ứng xăng dầu không bị đứt đoạn, mà còn điều chỉnh thuế, phí và quỹ bình ổn giá để giá cả không bị đẩy lên quá cao. Còn việc bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng của mọi người dân, thì ở nước ta đây là chuyện đương nhiên. Vấn đề đặt ra là nước ta chưa có một khung pháp lý rõ ràng, mạch lạc về dịch vụ công, cũng như hàng hóa công. Chính vì vậy, việc các cây xăng có quyền đóng cửa hay không vẫn là một câu hỏi còn bị bỏ ngỏ.

Tất nhiên, để bảo đảm tính liên tục của dịch vụ, các cơ quan chức năng cần tìm hiểu lý do tại sao các cây xăng phải đóng cửa. Theo một số nguồn tin, các cây xăng phải đóng cửa vì mức chiết khấu quá thấp. Nếu đây là nguyên nhân chính, thì cần tập trung xử lý nguyên nhân này. Rõ ràng, nguyên nhân này là không hề đơn giản. Việc nâng mức chiết khấu chắc chắn sẽ làm cho giá xăng dầu tăng lên tác động tiêu cực đến đầu vào của rất nhiều sản phẩm, dịch vụ và các chỉ tiêu của việc ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, chỉ có Nhà nước mới có thể đảm nhận được phép cân đối nhạy cảm và khó khăn này.

Cuối cùng, xin trở lại với ý kiến cho rằng, cung ứng xăng dầu là hoạt động kinh doanh đơn thuần, rằng trên thế giới, các nhà nước không can thiệp mà để cho thị trường điều tiết. Tôi không nghĩ là ý kiến này chính xác. Một nước coi trọng thị trường tự do như nước Mỹ, thì vai trò điều tiết của Nhà nước vẫn vô cùng lớn. Khi xăng dầu tăng giá, Nhà nước Mỹ không ra lệnh cho các doanh nghiệp phải hạ giá, mà tìm cách bán xăng dầu từ kho dự trữ quốc gia để tăng cung và hạ giá.

Chính phỉ Mỹ còn trực tiếp thương lượng với các nước xuất khẩu dầu để các nước này tăng sản lượng, nhằm hạ giá xăng dầu. Mặc dù, thực tế cho thấy việc này không phải bao giờ cũng thành công.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ts-nguyen-si-dung-cac-cay-xang-van-de-ve-dia-vi-phap-ly-202237.html