TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Văn hóa dân tộc - biết quý trọng mới nâng tầm

Sau hơn 20 năm sưu tầm tranh với gần 700 tác phẩm, ngày 20.4 tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), TS. Nguyễn Sĩ Dũng cùng giám tuyển - họa sĩ Lê Thiết Cương, VCCA giới thiệu tới công chúng triển lãm 'Bút lực' - thuộc một phần bộ sưu tập tranh Phạm Lực của ông. Không kể hàng chục lần tổ chức triển lãm chung với các nhà sưu tập trong Câu lạc bộ những người yêu tranh Phạm Lực, đây là lần thứ ba, TS. Nguyễn Sĩ Dũng triển lãm giới thiệu tranh Phạm Lực trong vai trò một nhà sưu tầm độc lập.

Thưa TS. Nguyễn Sĩ Dũng, sau hơn 10 năm kể từ triển lãm đầu tiên giới thiệu tranh sưu tầm Phạm Lực trong bộ sưu tập cá nhân, triển lãm lần này có gì khác so với hai lần triển lãm trước ông đã thực hiện?

- So với triển lãm lần thứ nhất tại Không gian sáng tạo của Cà phê Trung Nguyên và triển lãm lần thứ hai năm 2013 với tên gọi “Nối hai thế kỷ” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, thì triển lãm lần này có một sự khác biệt cơ bản. Hai lần trước tôi làm triển lãm như một người chơi tranh chia sẻ với mọi người sở thích của mình. Mọi thứ chủ yếu tự mình làm lấy: Từ đặt tên, chọn tranh, xếp đặt triển lãm. Lần này triển lãm tổ chức chuyên nghiệp hơn: Tranh được tuyển chọn bởi giám tuyển - họa sĩ Lê Thiêt Cương, có thời gian chuẩn bị kỹ từ việc lên ý tưởng, thể hiện nội dung, in sách, thậm chí chú trọng cả chi tiết liên quan như làm giấy mời, truyền thông... Triển lãm được tổ chức nhân dịp họa sĩ Phạm Lực tròn 75 tuổi, ở một không gian nghệ thuật lớn và trang trọng của Việt Nam hiện nay.

Được biết ông từng làm việc ở Văn phòng Quốc hội, công việc của người giữ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (2003 - 2016) không có nhiều thì giờ và hẳn ít tương đồng với các lĩnh vực nghệ thuật, nhất là việc sưu tầm tranh?

- Ít tương đồng, nhưng không cản trở. Một may mắn của tôi là sau khi tốt nghiệp Đại học chuyên ngành tiếng Anh, tôi được chuyển làm Nghiên cứu sinh tại trường Sư phạm Ngoại ngữ Pyatiorsk. Ở đây, tôi có 2 năm dành thời gian ngoài giờ học hội họa (trong số những môn tự chọn lúc bấy giờ như Nhạc, Vẽ, Thể thao) tại xưởng vẽ của Trường vào cuối các buổi chiều. Ngoài ra, tôi có cơ hội tiếp cận với hội họa phương Tây, có cơ hội xem tranh của các danh họa ở các bảo tàng lớn trên thế giới như: Bảo tàng Puskin, bảo tàng Hermitage Leningrad (Nga), bảo tàng Louvre (Pháp), bảo tàng Dresden (Đức)... Có lẽ nhờ vậy mà có được nền tảng để cảm nhận cái đẹp trong mỹ thuật. Tôi cũng từng mua tranh của một vài họa sĩ ở nước ngoài khi có dịp đi tham quan hoặc tới xưởng vẽ của họ, tất nhiên không phải họa sĩ nổi tiếng vì mình không có điều kiện, chủ yếu mua về để chơi, để trang trí là chính. Sau này khi đã biết họa sĩ Phạm Lực và sưu tầm tranh của ông, tôi đã cho hết những bức tranh nước ngoài mình mang về.

Cô Lán, sơn dầu trên toan, năm 1976.

Ông gặp họa sĩ Phạm Lực khi nào và điều gì ở họa sĩ khiến ông có quyết định thay đổi như vậy?

- Tôi quen họa sĩ hoàn toàn ngẫu nhiên. Vào khoảng cuối năm 1996 đầu năm 1997 gì đó, một lần dẫn quân đi đá bóng với các đơn vị khác trong Văn phòng Quốc hội, khi qua đoạn Nghi Tàm, tôi thấy một loạt tranh của họa sĩ nào đó phơi ngoài bờ đê. Tôi để ý thì thấy tranh rất lạ. Mấy hôm sau, khi có điều kiện, tôi đã tìm gặp và kết thân với họa sĩ Phạm Lực. Chúng tôi đã kết nghĩa anh em vì cùng yêu tranh và cùng có máu xứ Nghệ chảy trong huyết quản của mình. Mẹ của họa sĩ Phạm Lực là chắt của đại thi hào Nguyễn Du và họa sĩ thật sự đã lớn lên bên bờ sông Lam.

Có thời, gần 10 năm (1998-2008) hầu như trưa nào tôi cũng ăn cơm trưa với họa sĩ. Cứ đến giờ nghỉ trưa là tôi phóng xe máy lên chỗ họa sĩ, hai anh em cùng xem tranh, bình luận, nói chuyện rồi ăn cơm cùng nhau. Hồi đó tranh của họa sĩ Phạm Lực chưa được biết đến nhiều như bây giờ, cuộc sống của ông cũng khá cô đơn.

Không chỉ họa sĩ, mà chính tranh của họa sĩ khiến tôi thay đổi thì đúng hơn. Ban đầu là cảm giác về cái đẹp xuất phát từ trái tim, cũng không lý giải rạch ròi tại sao. Sau rồi mình cũng tìm cách lý giải tại sao bức tranh lại đẹp.

Tranh của Phạm Lực có cái rất là lạ, đó là càng chơi càng mê, càng mê càng thấy đẹp.

Ông có cho rằng Phạm Lực là một họa sĩ may mắn khi có một nhà sưu tập đam mê như ông, nói như chính họa sĩ thì ông đã “lôi cuốn” được nhiều người (cả trong và ngoài nước) đến với Phạm Lực. Thực tế đã có hẳn một CLB những người sưu tầm tranh Phạm Lực ở trong nước và đã đẩy giá tranh của họa sĩ lên cao?

- Thực chất người may mắn là tôi chứ không phải họa sĩ Phạm Lực. Khi gặp họa sĩ, được xem tranh và sưu tầm tranh của họa sĩ tự nhiên đời sống của tôi trở nên phong phú hơn, ý nghĩa hơn và thanh thản hơn. Tranh Phạm Lực đã giúp tôi cân bằng công việc và cuộc sống, đặc biệt khi công việc ở Văn phòng Quốc hội quá căng thẳng, khó khăn. Điểm nữa là, khi mà tranh của họa sĩ chưa nhiều người biết đến, là anh em kết nghĩa, tôi được cho phép “đào bới” kho tranh của anh và là người được chiêm ngưỡng đầu tiên những tác phẩm họa sĩ mới sáng tác. Nhờ vậy, có lẽ, nhiều bức tranh đẹp nhất của họa sĩ đang nằm trong bộ sưu tập của tôi, nhất là những bức vẽ trong thời kỳ chiến tranh - thời kỳ mà họa sĩ đã vẽ như một sự thăng hoa, như để thỏa mãn đòi hỏi phải sáng tạo, hơn là đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nhưng cũng phải khẳng định rằng ở Việt Nam cho đến thời điểm này, họa sĩ Phạm Lực là người duy nhất có một CLB gồm đông đảo vệ tinh là những nhà sưu tập tranh?

- Có thể nói như vậy. Ra đời từ 2004, có thời điểm CLB sưu tầm tranh Phạm Lực lên tới 100 người với nhiều hoạt động sinh hoạt thường xuyên. Do điều kiện và những thay đổi trong sưu tầm, hiện nay nòng cốt của CLB còn khoảng 20 người, chủ tịch CLB là nhà sưu tầm Ngô Quang Tuấn, còn tôi giữ vai trò Chủ tịch danh dự. Mục đích của CLB là tạo nền tảng công chúng cho họa sĩ sáng tạo; là nơi chia sẻ, trao đổi sở thích của mọi người về những bức tranh sưu tập, hoặc thỉnh thoảng cùng nhau tổ chức một triển lãm. Thứ ba nữa là để đảm bảo sự xác thực về tranh của họa sĩ Phạm Lực chứ không phải tranh sao chép.

Hiện nay, một số người nước ngoài, trong đó có ông John Kerry (cựu ngoại trưởng Mỹ), ông Thomas Vallely (ở Đại học Harvard), ông Tsuboi (giáo sư Nhật Bản)... đánh giá rất cao tranh của họa sĩ Phạm Lực. Những tuyệt phẩm của họa sĩ được coi là ở tầm cỡ thế giới. Theo tôi, một trong những điểm ít ỏi mà Việt Nam có thể cạnh tranh với thế giới đó là hội họa. Hiện nay hội họa Việt Nam đã bắt đầu được thế giới nhìn nhận và đánh giá tích cực. Tuy nhiên, nếu người Việt không yêu tranh Việt thì làm sao thế giới có thể yêu?! Hội họa cũng như văn hóa dân tộc, chúng ta càng yêu thì mới càng quý. Nếu người Việt không biết quý trọng giá trị văn hóa của dân tộc mình thì chưa chắc người nước ngoài họ đã chú ý và như vậy rất khó để nâng tầm giá trị văn hóa đó lên.

Như vậy rất có khả năng hội họa Việt Nam lại tiếp tục “chảy máu tranh” ra nước ngoài như đã từng, ông có cách nào giữ trọn bộ sưu tập này?

- Tôi muốn để lại di sản này trước hết cho con và sau nữa là đất nước. Có hai cách, một là làm một bảo tàng tư nhân trưng bày, hai là tặng cho Nhà nước. Tuy nhiên sự quan tâm chưa đúng mức tới di sản văn hóa đặc biệt là hội họa của dân tộc vẫn là một băn khoăn không nhỏ đối với tôi. Rất may hai con trai của tôi đều học về nghệ thuật và chúng quyết giữ bộ sưu tập này. Với số lượng tranh tương đối nhiều, có một bảo tàng trưng bày là mong muốn của tôi, nhưng với thực tế đất đai ở Hà Nội đắt đỏ như hiện nay, tôi chỉ có thể bán tranh để xây bảo tàng, song làm như vậy, xây dựng xong sẽ chỉ còn một cái bảo tàng không mà không có bức tranh nào trong đó.

Xin cảm ơn ông!

HẢI AN (thực hiện)

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/ts-nguyen-si-dung-van-hoa-dan-toc-biet-quy-trong-moi-nang-tam-602502.ldo