TS Nguyễn Tùng Lâm: Cần đổi suy nghĩ kiến thức chỉ duy trì qua bài tập về nhà

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: Cách giao bài tập cần thay đổi để học sinh hứng thú hơn, không áp lực.

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang đến rất gần, câu hỏi có nên giao bài tập dịp nghỉ Tết cho học sinh hay không vẫn đang nhận được những ý kiến trái chiều. Phần đa ý kiến đều cho rằng việc giao bài tập là tốt, tuy nhiên, nếu giao không có sự cân đối về số lượng, tính chất các dạng bài thì việc này sẽ chiếm quá nhiều thời gian vui chơi của học sinh.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Hà Huy Giáp, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Chính trị Tư tưởng (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang) cho rằng, đối với học sinh tiểu học thì không nên giao bài tập cho các em dịp nghỉ Tết. Vì sau khoảng thời gian học tập liên tục tại nhà trường, nghỉ Tết sẽ là khoảng thời gian để các em thư giãn và có những hoạt động trải nghiệm hướng về truyền thống của gia đình, quê hương.

Chưa kể, các nội dung, hoạt động trải nghiệm tìm hiểu về ngày Tết, truyền thống ngày Tết Nguyên đán cũng là những kiến thức hết sức cần thiết đối với học sinh tiểu học hiện nay.

“Năm nay, tỉnh Bắc Giang cho học sinh nghỉ Tết Nguyên đán 7 ngày. Sau Tết, trong những buổi học đầu năm mới, giáo viên nên tổ chức cho học sinh các hoạt động học tập nhẹ nhàng kết hợp với trải nghiệm thực hành để tạo sự thu hút, lôi cuốn học sinh quay trở lại hoạt động học tập”, ông Hà Huy Giáp nói.

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) thì, chúng ta cần thay đổi quan niệm về việc học.

Phụ huynh và giáo viên vẫn có quan niệm, nghỉ học dài ngày, học sinh chơi nhiều sẽ dễ dàng quên kiến thức. Vì vậy, giáo viên phải giao một số lượng bài tập để giữ nhịp thói quen học hành của học sinh. Nguyện vọng và mục đích không sai nhưng cần thay đổi cách thực hiện.

Hiện nay, chúng ta đang trong quá trình đổi mới giáo dục, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin, biết vận dụng các phương pháp học tập để hoàn chỉnh các tri thức và kĩ năng nền tảng,... Học sinh không chỉ học bằng sách vở, học trên lớp mà có thể học ở mọi lúc, mọi nơi bằng rất nhiều phương tiện số hóa.

Vì vậy, chúng ta cần thay đổi quan điểm “kiến thức chỉ có thể duy trì bằng cách giao bài tập về nhà cho học sinh”.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm lấy ví dụ, một số quốc gia trên thế giới có quy định sau một vài tuần tổ chức học tập trên lớp, học sinh sẽ có một khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Học sinh có thể tận dụng khoảng thời gian này để tham gia các hoạt động trải nghiệm bên ngoài, làm những điều bản thân thích nhằm phát huy những năng lực tiềm ẩn bên trong, thích ứng với cuộc sống.

“Trong các dịp nghỉ Tết, nghỉ lễ học sinh cần được tạo điều kiện để hòa mình vào cuộc sống, được học những điều bản thân cảm thấy hứng thú. Những em thích âm nhạc thì các em được luyện tập, thích khám phá thiên nhiên thì có thời gian đi trải nghiệm thực tế, muốn phát triển thể lực thì tham gia các môn thể thao,.. mỗi người sẽ có cách học phù hợp để phát triển bản thân.

Điều này rất cần sự thấu hiểu từ phía phụ huynh và các thầy cô giáo, là những người tạo điều kiện để học sinh có những ngày nghỉ Tết ý nghĩa”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nói.

Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng, thay vì giao các tập đề để học sinh ngồi giải trong 1-2 tuần nghỉ Tết, các thầy cô có thể gợi ý, định hướng học sinh tham gia các hoạt động ý nghĩa trong khoảng thời gian này, đi nhiều nơi, thúc đẩy phát triển trí tuệ, sức khỏe, cảm xúc.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Thùy Linh

Cách giao bài tập cần thay đổi để học sinh hứng thú hơn, không áp lực. Giáo viên dựa vào kinh nghiệm quan sát thực tế để đặt ra vấn đề mang tính tìm hiểu, gần gũi, không nhất thiết học sinh phải làm đúng, làm đủ. Sau khoảng thời gian nghỉ Tết, bắt đầu quay lại với nhịp học, có thể có những kiến thức học sinh quên nhưng sau 1, 2 buổi là có thể nhớ lại.

Bên cạnh đó, các thầy cô cần sắp xếp, bố trí thời gian để các em trình bày, chia sẻ về những trải nghiệm trong dịp Tết.

“Tùy theo đặc trưng của từng bộ môn, sự hiểu biết kiến thức và tâm lý lứa tuổi của từng cấp học, giáo viên sẽ đưa ra những gợi ý phù hợp. Và quan trọng, phải có sự thống nhất với học sinh việc sau Tết mỗi em sẽ phải trình bày bài thu hoạch, những hiểu biết, trải nghiệm của mình. Đây cũng như một sự cam kết học tập trong điều kiện học sinh nghỉ ngơi.

Phụ huynh cũng cần đồng hành, giúp đỡ con, tránh tạo áp lực không cần thiết, để con được tận hưởng một kỳ nghỉ Tết đúng nghĩa. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên khuyến khích con bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ của mình”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Ủng hộ quan điểm không giao bài tập về nhà dịp nghỉ Tết, Giáo sư Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng đây là thời gian gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, tìm hiểu phong tục, tập quán truyền thống. Vì vậy, nguyên tắc chung là không nên quá nặng nề chuyện bài tập về nhà, khiến học sinh áp lực, sợ học và biến Tết thành nỗi ám ảnh.

Giáo sư Đinh Quang Báo gợi ý, với những học sinh nhỏ tuổi, giáo viên có thể giao nhiệm vụ cho các em như tìm hiểu về món ăn ngày Tết, giúp đỡ ông bà, cha mẹ, dọn dẹp nhà cửa, có ý thức giữ gìn môi trường sống,...

Anh Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/ts-nguyen-tung-lam-can-doi-suy-nghi-kien-thuc-chi-duy-tri-qua-bai-tap-ve-nha-post232464.gd