TS.Nguyễn Văn Khải sẵn sàng cùng đi lấy mẫu, đo các thành phần hóa học từ dầu nhớt của công ty Thanh Hà tới vòi nước các gia đình!

TS. Nguyễn Văn Khải đề nghị phải đo lại bắt đầu từ dầu nhớt trong kho của công ty cổ phần Gốm sứ Thanh Hà đến vòi nước của các hộ dân.

Những ngày đầu tháng 10, sự cố nhà máy nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Có thể nói, sự cố đã làm ảnh hưởng đến hàng vạn hộ dân, cuộc sống của hàng triệu người bị đảo lộn. Nước sạch bị nhiễm dầu còn có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân.

Nguồn nước của công ty cổ phần kinh doanh nước sạch Sông Đà bị phát hiện nhiễm dầu thải.

Nguồn nước của công ty cổ phần kinh doanh nước sạch Sông Đà bị phát hiện nhiễm dầu thải.

Trước đó, xác định đây là một vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, Chủ tịch UBND thành phố đã thành lập ngay tổ công tác do Giám đốc sở Xây dựng làm trưởng đoàn, cùng sự tham gia của đại diện sở Y tế, sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (sở Y tế), Công ty cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông.

Giám đốc sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục khẳng định, các cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đã lấy nhiều mẫu nước tại nhiều vị trí khác nhau để xét nghiệm. Căn cứ vào kết quả xét nghiệm theo QCVN 01:2009/BYT, xác định: Các mẫu xét nghiệm đều có hàm lượng Styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép (20mg/l) theo QCVN 01:2009/BYT từ 1,3 đến 3,65 lần (tại các vòi hộ gia đình, hàm lượng Styren thấp hơn tại nhà máy và các điểm chứa trung gian).

Các chỉ tiêu giám sát nước độ A: 8/8 mẫu nước đạt quy chuẩn đối với 14/15 chỉ tiêu giám sát. Chỉ tiêu mùi vị là không đạt.

TS. Nguyễn Văn Khải.

Từ kết quả xác minh, kết quả giám định xác định mùi khét có trong nguồn nước tại các nhà dân trong toàn bộ khu vực cấp nước của nhà máy ở các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông là do chất Styren có từ dầu thải gây ra. Kết hợp với mùi nồng nặc của chất clo (kết quả xét nghiệm có hàm lượng 0,8mg/l - nằm trong giới hạn cho phép theo TCVN).

Là một trong những hộ dân bị bắt buộc dùng nguồn nước từ nhà máy nước sông Đà từ năm 2012 (trước đây dùng nguồn nước khác- PV), TS. Nguyễn Văn Khải (Khải ozone), chuyên gia vật lý học ngụ tại phố Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho đến nay vẫn bày tỏ sự khó chịu của mình vì ống nước đã vỡ ít nhất 21 lần, còn bị mất nước thì rất nhiều lần.

TS. Nguyễn Văn Khải cho biết: “Sáng ngày 24/10, một số nghiên cứu sinh Việt Nam ở nước ngoài đến trực tiếp nhà tôi bày tỏ sự không đồng tình với kết quả đo đã được công bố. Bởi, styren là chất không có trong dầu thải mà trong dầu thải gốc có mazut, trong mazut có lưu huỳnh, tại sao không đo tất cả các thành phần hóa học của nước do nhà máy nước sông Đà bán chảy vào bể của các chung cư hoặc ở đầu vòi các nhà dân. Cụ thể, trong các sách giáo khoa ở phổ thông, hóa học đại cương, hóa dầu viết về xăng, dầu hỏa, nhựa đường, cao su, dầu diezen, mazut… đều không nói tới styren. Hơn nữa, trong dầu nhớt gốc thải có dầu mazut mà trong mazut chỉ có lưu huỳnh, vậy tại sao không xác định trong nước của dân dùng có lưu huỳnh hay chất độc hại nào khác không?”.

Theo TS. Khải, bùn cặn trong các bể lớn của các chung cư, ta thấy một là màu đen, hai là màu hơi nâu và ba là có những sợi đen (giống như chỉ cháy), số lượng này rất lớn, mùi khét nặng, thậm chí nồng nặc, điều đó chứng tỏ rằng trong nước đã có nhiều chất độc hại, các chất đó không phải styren vì styren không màu, hơi thơm dìu dịu. Nguyên nhân gây ra nhiều bùn như thế chứng tỏ nước bị nhiễm độc, bị bẩn nhiều lần. Trước hết, là do 20 lần vỡ đường ống nước sông Đà, bùn đất đi vào, thậm chí lavabo trong bệnh viện còn có giun; Thêm nữa là do tùy tiện nối các đường ống khiến cho bùn đất tràn vào.

“Dầu nhớt này thường được dùng cho các máy thủy lực, trong các lò đốt, hoặc dùng trong các máy khoan cắt, máy biến thế điện, cho máy sấy… Còn riêng ở công ty cổ phần Gốm sứ Thanh Hà dùng cho lò đốt, máy thủy lực. Vậy, đầu tiên phải đo các thành phần hóa học ở nhà máy Gốm sứ Thanh Hà trước khi sử dụng và sau khi sử dụng và phải có nhiều cơ sở, các viện đo, sau đó so sánh các kết quả đo. Từ đây, ta có thể xác định được là nước có bị đổ thêm gì vào hay không, cũng như độ sạch của nước chạy tới các gia đình. Bởi, quá trình nước di chuyển lên Hòa Bình có thể đã bị pha tạp thêm hoặc đổ lẫn thêm gì đó chứ không chỉ có styren”, TS. Khải bày tỏ.

TS. Nguyễn Văn Khải đề nghị đo lại dầu nhớt.

TS. Khải cho hay: “Ngày hôm kia tôi dùng nước để rửa mặt, nhưng đến sáng hôm qua có rỉ mắt chứng tỏ nước vẫn còn độc, nên tôi khuyến cáo người dân không nên dùng nước rửa trên mắt”.

Từ những phân tích trên, TS. Khải mong muốn: “Tôi đề nghị phải đo lại bắt đầu từ dầu nhớt trong kho của công ty cổ phần Gốm sứ Thanh Hà gồm: Dầu chưa sử dụng – màu giống như màu mật ong; Dầu đã qua sử dụng; Dầu còn rớt trên lá cây, mặt đất trên bờ suối ở xã Phú Minh; Nước đầu vào của nhà máy nước sông Đà; Nước đầu ra của nhà máy nước sông Đà; Nước chảy vào các bể của các khu chung cư; Nước ở các vòi nước của các hộ gia đình ở các khu chung cư. Việc đo lại này sẽ có một điều lợi là phát hiện ra bể còn các chất độc hại, bùn dơ”.

“Tôi sẵn sàng đi cùng các cơ quan chuyên môn lấy mẫu, cùng đo đạc xác định thành phần của nước sông Đà và các chất độc hại đã lẫn vào nước, tất nhiên miễn phí. Đồng thời, tôi cũng khuyên các gia đình phải mang nước đi đo 1 tháng/lần”, TS. Khải thẳng thắn.

Thanh Lam

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tsnguyen-van-khai-san-sang-cung-di-lay-mau-do-cac-thanh-phan-hoa-hoc-tu-dau-nhot-cua-cong-ty-thanh-ha-toi-voi-nuoc-cac-gia-dinh-a453957.html