TS Phạm Sỹ Thành: Mỹ muốn đạt được nhiều điều hơn là thu hẹp thâm hụt thương mại với Trung Quốc

Vị chuyên gia kinh tế cho rằng thông qua trừng phạt thương mại, ông Trump đang muốn ngăn Trung Quốc rút ngắn khoảng cách phát triển với Mỹ trong 5-10 năm tới.

Chia sẻ tại buổi công bố báo cáo kinh tế quý II của VEPR, TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) nhận định cuộc chiến Mỹ - Trung hiện nay không đơn thuần là xung đột thương mại. Mỹ muốn nhiều hơn vài tỷ USD thu được do áp thuế hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Chiến lược của Mỹ

Kể từ ngày 23/3, khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang cho đến đầu tháng 7, việc áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đã chính thức có hiệu lực. Như vậy, sau khi tuyên bố điều tra xâm phạm sở hữu trí tuệ với Trung Quốc, Mỹ điều tra xong trong vòng 3 tháng. Mỹ cũng đưa ra những trừng phạt rất mạch lạc dựa trên hệ thống các ngành. Danh mục bị cấm cũng rất rõ ràng.

Theo TS Phạm Sỹ Thành, có thể thấy các suy tính của Trump và cố vấn của ông mang tính chiến lược, không đơn giản chỉ là phản ứng mang tính dân túy, gây căng thẳng thương mại. Mục tiêu của ông Trump là "đi đòi lại quyền lợi" cho nước Mỹ. Trung Quốc không phải là đối tượng duy nhất. Ông Trump sẵn sàng gây chiến với các nước EU - lâu nay vẫn được gắn mác là đồng minh của Mỹ và cả khối Bắc Mỹ. Rất có thể Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy này.

Theo quan sát của ông Thành, Trump không thích các cơ chế đa phương vì cho rằng cơ chế đó không hiệu quả ở thời điểm hiện tại nữa. Từ lời nói đến hành động của Trump đều mong muốn rút ra khỏi cơ chế đa phương ấy càng nhiều càng tốt và thiết lập lại cơ chế song phương.

Số liệu cho thấy đến 6/7 đạo luật áp thuế chính thức có hiệu lực, Mỹ áp thuế 25% đối với 50 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ - "chứ không phải đánh thuế để mang về cho Mỹ 50 tỷ USD", ông Thành nhấn mạnh. Như vậy, theo vị chuyên gia thực tế hàm ý thương mại của cuộc chiến này không lớn.

Ảnh: Reuters.

Nhìn vào danh mục hàng hóa Mỹ đang đánh thuế, ông Thành chỉ ra hầu hết là các ngành công nghệ cao mà Trung Quốc chưa làm chủ được. Nói cách khác, Mỹ thông qua các biện pháp cân bằng thương mại và trừng phạt để ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc trong các lĩnh vực bán dẫn, big data và công nghệ 4.0. Thực chất, Mỹ lo ngại Trung Quốc sẽ phát triển rất nhanh với việc xâm phạm sở hữu trí tuệ và ép buộc chuyển giao công nghệ.

"Rõ ràng nhóm cố vấn và ông Trump muốn ngăn Trung Quốc rút ngắn khoảng cách với Mỹ trong vòng 5 – 10 năm tới. Mỹ muốn điều đó xảy ra chứ không phải muốn thu về vài tỷ USD thương mại", TS Phạm Sỹ Thành nhận định.

Một điểm đặc biệt khác theo quan sát của ông Thành, sau năm 2016, 2017 vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Mỹ tăng trưởng vượt bậc sau đó sụt giảm không "phanh".

Ông Thành cho rằng ngoài nguyên nhân can thiệp yêu cầu thắt chặt đầu tư ra nước ngoài của chính quyền Trung Quốc còn có bàn tay của Ủy ban quản lý vốn đầu tư nước ngoài của Mỹ. Đích thân cố vấn của Tổng thống Trump đã liệt kê một loạt biện pháp trao quyền cho ủy ban này.

Năm 2017, Ủy ban này đã dừng 8 tỷ USD liên quan đến các hoạt động mua bán sáp nhập của doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ. Các doanh nghiệp Trung Quốc phải bán tháo 10 tỷ USD tài sản và có thể bán thêm 1 tỷ USD nữa trong năm nay. Điều này dẫn đến đầu tư 6 tháng gần đây của Trung Quốc vào Mỹ thấp nhất trong vòng 10 năm qua, giảm đến 90%.

"Có thể thấy rõ ý định của Mỹ trong việc chặn đứng của Trung Quốc đối với việc tiếp cận công nghệ Mỹ (cả ở trên đất Mỹ và đất Trung Quốc) thông qua hoạt động bắt buộc chuyển giao công nghệ bất bình đẳng", vị chuyên gia nhận định.

Chưa kể, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Mỹ rất thấp nhưng Trung Quốc lại là quốc gia chịu giám sát của Ủy ban quản lý vốn nước ngoài của Mỹ là lớn nhất. Tổng đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ chỉ khoảng 20 – 30 tỷ USD nhưng số thương vụ đình chỉ chiếm tới 8 – 10 tỷ USD. So sánh tương quan có thể thấy chính phủ Mỹ đưa Trung Quốc vào danh sách đen liên quan đến đầu tư công nghệ và ăn cắp kỹ thuật.

Trung Quốc đang bị động

Trong khi Mỹ tấn công với chiến lược rõ ràng, Trung Quốc tìm cách trả đũa bằng cách đánh vào các mặt hàng mà Mỹ có khả năng chịu tổn thất nhất là đậu tương, cao lương - những hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu áp đảo.

"Nhưng nhìn cách Trung Quốc bị động chống trả có thể thấy nước này mới chỉ đơn thuần trả đũa được vào các mặt hàng mang tính chính trị hơn là chiến lược", Giám đốc chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc phân tích. Ông cho rằng hành động này tương tự việc Trung Quốc cấm nhập khẩu chuối của Philippines và cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản trước đây.

"Hành động của Trung Quốc chỉ mang mục đích gây răn đe đối tượng chịu trừng phạt, sẽ bị hóa giải triệt tiêu trong thời gian ngắn, khác với những hành động mang tính chiến lược mà Mỹ chọn để trừng phạt Trung Quốc", TS Thành nhận định. Theo ông Thành, một bên tấn công ngành chiến lược, một bên tấn công ngành chỉ để dành phiếu bầu, rõ ràng Mỹ đang nắm thế chủ động hơn trong cuộc chiến này.

Câu hỏi đặt ra liệu Trung Quốc chọn có chọn được ngành tấn công chiến lược vào Mỹ và Trung Quốc có làm tổn hại nền kinh tế Mỹ hay không?

Theo VCES, những ngành chiến lược mà Trung Quốc có thể khiến Mỹ thực sự tổn thương là ICT. Số lượng nghiên cứu cho thấy, đoàn ICT lớn nhất của Mỹ phụ thuộc hơn 51% vào các chi tiết sản xuất bởi Trung Quốc và các hãng vận chuyển của nước này.

Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nếu Trung Quốc dịch chuyển tấn công về thuế đơn thuần sang tấn công các công ty mà nước này đang buôn bán với tập đoàn công nghệ Mỹ sẽ tạo ra bất ổn lớn. "Chúng tôi nghĩ rằng các tài phiệt ngành công nghệ thông tin của Mỹ có vai trò quan trọng hơn nhiều so với nhóm nông dân", ông Thành bày tỏ.

Vị TS cho rằng vị thế Trung Quốc trong vai trò là nguồn cung lớn nhất đang bị lung lay cùng với việc không thể nắm được công nghệ nguồn trong sản xuất đến 2025 là tử huyệt mà quốc gia này có thể sẽ phải đề phòng.

Nguy cơ Việt Nam "sa chân" vào cuộc chiến?

Đánh giá về tình hình Việt Nam, theo vị chuyên gia, ảnh hưởng trong vòng xoáy chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là điều không thể tránh khỏi.

Căng thẳng thương mại sẽ làm suy giảm thương mại toàn cầu và làm tổn hại sự phục hồi kinh tế đang rất yếu. Hiện nay, các chuyên gia không biết chắc cuộc căng thẳng thương mại này sẽ mở rộng đến đâu và khéo dài bao lâu. Trong trường hợp kịch bản tăng trưởng chỉ 3,1% xảy ra sẽ tác động đến kinh tế toàn cầu, đặc biệt các nước dựa chủ yếu vào xuất khẩu như Việt Nam.

Việc Mỹ mở rộng của chiến thương mại với nhiều nước và tìm cách bảo vệ mình sẽ dẫn đến sự xáo trộn về môi trường đầu tư kinh doanh. Khi Mỹ bảo vệ mình các nước khác hành động tương tự. Tiền lệ về trả đũa thương mại sẽ được tạo ra có thể đưa chủ nghĩa bảo hộ trở thành xu thế lớn.

Xu hướng thiết lập các quan hệ song phương của ông Trump sẽ khiến các thể chế thương mại theo hướng đa phương đang rất thịnh hành hiện nay bị lung lay. Khi quay về cơ chế song phương, các nước nhỏ có nguy cơ chịu thiệt trên bàn đàm phán thương mại. "Đây là tác động mà các nước hiện bên ngoài cuộc chiến cần phải lường trước", TS Thành nhấn mạnh.

Đặc biệt, Giám đốc VCES lưu ý đến việc thay đổi chuỗi sản xuất toàn cầu kéo theo từ cuộc chiến thương mại. "Nghe có vẻ xa vời khi nhiều người cho rằng thay đổi một nhà máy từ nơi này sang nơi khác cần thời gian nhưng thực tế, chỉ cần chính sách của một nước lớn thay đổi, các tập hoàn sẽ điều chỉnh để thích nghi ngay. Việc này đã xảy ra rồi, ở cả Mỹ, Trung Quốc và Việt Nam", ông Thành chỉ ra. Mới đây, tập đoàn gia công iPhone lớn nhất cho Apple tại Đài Loan là Foxconn đã chuyển hướng đầu tư hàng tỷ USD sang Mỹ.

Điều này cùng với sự phát triển nhanh của robot khiến cho những điều tưởng như lợi thế của các nước đang phát triển về thâm dụng lao động sẽ mất đi trong vài năm.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại, nếu sắc lệnh yêu cầu các công ty trong đó có Samsung dời sang Mỹ mới được ưu đãi sẽ là lỗ hổng lớn đối với các nước đang sử dụng thâm dụng lao động là lợi thế như Việt Nam. "Các nước nghèo, nước đang phát triển không thể bàng quan trước nguy cơ này", TS Thành nhấn mạnh.

Trực tiếp trong ngắn hạn, Việt Nam có thể ảnh hưởng bởi chương trình áp thuế chống lẩn tránh như với mặt hàng thép. Việt Nam chịu ảnh hưởng của chuỗi dịch chuyển như VCES đã phân tích trong trường hợp Samsung.

Đặc biệt, ông Thành lưu ý đến sức ép của Mỹ lên Việt Nam. Trong bài phát biểu tại Hà Nội cách đây vài hôm,ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo chuyển lời Tổng thốngTrump hi vọng Việt Nam sẽ cải thiện mối quan hệ thương mại bất bình đẳng với Mỹ.

"Điều này hàm ý rằng những căng thẳng thương mại Trung Quốc với Mỹ cũng có thể xảy ra với Việt Nam. Đây có thể là bước tiếp theo mà các nhà hoạch định chính sách như Bộ Công Thương cần phải lưu ý", Giám đốc VCES bày tỏ.

Nam Anh

Nguồn NDH: http://ndh.vn/ts-pham-sy-thanh-my-muon-dat-duoc-nhieu-dieu-hon-la-thu-hep-tham-hut-thuong-mai-voi-trung-quoc-2018071204427320p4c145.news