TS Trần Công Tâm - một trí thức đích thực

Anh không chỉ là nhà khoa học, anh còn là người viết có trách nhiệm. Anh đã để lại nhiều bài viết có lý, có tình, mà theo tôi, xứng đáng là những tiểu luận đầy giá trị về lịch sử, văn hóa, kinh tế và chính trị, góp phần mở mang tri thức đến nhiều tầng lớp trong xã hội để tiếp tục công cuộc 'Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh' mà cụ Phan Chu Trinh đã mở đường.

TS Trần Công Tâm (Ảnh: Ging Công Thể)

TS Trần Công Tâm (Ảnh: Ging Công Thể)

Tôi vinh hạnh được quen biết anh cũng chưa thật lâu, nhưng tình cảm đến tự nhiên mà gần gũi lạ, như là bạn tâm giao từ rất nhiều năm trước. Những năm gần đây, hễ có dịp anh ghé thăm Huế hay mỗi khi tôi ra Hà Nội, anh em vẫn thường gặp nhau để hàn huyên, chuyện trò. Mặc dù anh lớn tuổi hơn tôi rất nhiều, là vai chú, nhưng anh không cho tôi xưng hô “chú- cháu” mà chỉ xưng “tôi - anh” như cùng trang lứa, cả khi nói chuyện ngoài đời hay khi trao đổi trên mạng xã hội.

Tôi biết đó là vinh dự rất lớn cho tôi, bởi trong thâm tâm, tôi luôn nghĩ chỉ là người học trò của anh mà thôi. Anh Trần Công Tâm, một người con của đất Gò Công, sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, một trí thức đích thực, một nhân cách lớn, vừa mới qua đời lúc rạng sáng nay, ngày 31/10/2019 trong vòng tay gia đình tại Hà Nội, hưởng thọ 72 tuổi.

TS Trần Công Tâm (phải) và tác giả bài viết

Với một “gia tài” lớn là những bài viết đầy chất học thuật và chính luận về các vấn đề lớn của đất nước, từ chính trị, kinh tế đến lịch sử, văn hóa xã hội; từ xứ Đàng Trong đến Đàng Ngoài; từ Âu – Á đến các vấn đề toàn cầu, chắc nhiều người nghĩ anh xuất thân từ ngành kinh tế chính trị hay lịch sử văn hóa. Nhưng thực ra, anh Trần Công Tâm là vị Tiến sĩ Vật lý, từng công tác ở Viện Khoa học Việt Nam trước đây (nay là Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Anh từng đảm nhận trọng trách quản lý các nhà khoa học Việt Nam sang học tập nghiên cứu tại Viện Liên hợp Nghiên cứu Hạt nhân Dubna, là cơ quan nghiên cứu khoa học hàng đầu trong lĩnh vực hạch tâm nguyên tử và các hạt cơ bản của Liên Xô, nơi đã đóng góp nhiều tri thức lớn cho nhân loại như: phát hiện về chuyển dịch không phát bức xạ trong các hạt nhân meso (nonradiative transitions in mesoatoms) năm 1959; phản hạt hyperon-trừ-sigma (antisigma-minus hyperon) năm 1960; quy tắc cộng hưởng hình thành của các phân tử muon trong deuterium (regularity of resonant formation of muonic molecules in deuterium) năm 1988 và tìm ra các nguyên tố mới bổ sung vào bảng tuần hoàn như: flerovium, moscovium, oganesson, copernicium…

Nói như thế để biết anh vốn xuất thân là nhà khoa học kỹ thuật, vốn được xem ngành đào tạo ra những người khô khan, nặng “công thức” và tính toán. Nhưng hoàn toàn ngược lại, đọc những bài viết của anh, lại ngỡ anh như một sử gia hay kinh tế gia, hay nhà bình luận sắc sảo về các vấn đề quốc tế đương đại. Cá nhân tôi nghĩ rằng, anh là tổng hợp các khoa học đó.

Với vốn sống cực kỳ phong phú hơn 30 năm ở các nước Đông Âu, am tường sâu sắc về lịch sử, văn hóa, con người ở các nước mà anh đã trải nghiệm một cách chân thực từ Đông Âu đến Trung Á, Đông Á, nhất là trong giai đoạn các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ và các nước trong các cuộc cách mạng chuyển mình theo dòng thời đại, anh Trần Công Tâm đã cống hiến và để lại cho bạn đọc nhiều bài viết có lý, có tình, mà theo tôi xứng đáng là những tiểu luận, những luận văn đầy giá trị về lịch sử, văn hóa, kinh tế và chính trị, góp phần mở mang tri thức đến nhiều tầng lớp trong xã hội để tiếp tục công cuộc “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” mà cụ Phan Chu Trinh đã mở đường.

Nhưng vượt trên tất cả, anh là một trí thức đích thực, một nhân cách lớn. Là một học giả rất uyên thâm, hành trang rất đầy đặn, nhưng anh cực kỳ khiêm tốn, rất ít nói về bản thân mình, luôn công tâm trong mỗi bài viết, trong từng comment, không bao giờ chê bai mà chỉ góp ý, trao đổi tận tình và chí lý. Anh luôn có thái độ khách quan, đường hoàng, tôn trọng và lịch sự với tất cả mọi người, dù có người không thích hoặc có những lời lẽ khiêu khích hay khiếm nhã. Anh là một trong những người viết có trách nhiệm, góp phần khẳng định giá trị nhân văn của mạng xã hội như là một thiết chế xã hội để chống lại những tư tưởng hủ lậu muốn đi ngược dòng chảy văn minh nhân loại.

Anh Trần Công Tâm ơi, anh mất đột ngột quá. Mới hôm nào, ngày anh ra viện, anh còn nhắn tin cho em, dặn: “ráng giữ gìn sức khỏe”, mà nay anh đã rời bỏ gia đình và nhân thế với bao dự định còn dang dở. Dẫu biết “Đời là vô thường” nhưng sự ra đi của anh khiến bao trái tim đau buồn và tiếc nhớ. Vô cùng thương tiếc anh! Xin được thắp một nén hương lòng bái biệt Anh Trần Công Tâm, cầu nguyện Hương Linh Anh sớm về miền cực lạc.

Huế, ngày 31/10/2019

Nguyễn Đính

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/ts-tran-cong-tam-mot-tri-thuc-dich-thuc-371340.html