TS Vũ Đình Ánh: Tăng thuế VAT từ 10% lên 12% là 'lựa chọn nhạy cảm'

Theo TS. Vũ Đình Ánh, việc Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế, trong đó có điều chỉnh tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10 lên 12% vào năm 2019 là lựa chọn nhạy cảm, có tác động xã hội rất lớn!

Tại buổi tọa đàm về những điểm nhấn trong sửa đổi 5 luật thuế được Cổng thông tin Chính phủ phối hợp với Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức sáng 12/9, TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế cho rằng: Ý nghĩa của việc sửa đổi 5 luật này rất to lớn.

Những năm qua, tỷ lệ huy động thuế và phí chiếm gần 21% trong tổng số GDP và mục tiêu đặt ra là đạt 22-23% trong tổng GDP, tuy nhiên hiện Việt Nam đang thực hiện cắt giảm nhiều thuế suất như thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế và thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) dẫn đến nguy cơ việc thu thuế không đảm bảo được mức đã đề ra do đó phải cơ cấu lại nguồn thu ngân sách.

Theo TS. Vũ Đình Ánh: "Do tác động của các cam kết quốc tế, trước đây nếu thuế xuất khẩu và nhập khẩu chiếm 1 tỷ trọng đáng kể trong tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) và tổng thu thuế và phí thì nay chúng ta bãi bỏ các hàng rào thuế quan, giảm thuế xuất xuất nhập khẩu và các loại thuế liên quan tới hoạt động xuất nhập khẩu để thực hiện các hiệp định thương mại. Từ đó chúng ta mở cửa thị trường không chỉ tạo điều kiện cho hàng hóa, sản phẩm ở nước ngoài vào thị trường trong nước, đồng thời cũng là tạo điều kiện cho chính các doanh nghiệp trong nước vươn ra các thị trường khu vực và quốc tế.

Nhưng chúng ta cần phải đánh giá 1 cách cẩn trọng những tác động của việc sửa đổi luật thuế đối với nền kinh tế, ở đây là tổng thu ngân sách và tổng thu thuế".

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, trong việc sửa đổi bổ sung lần này, Bộ Tài chính lựa chọn 2 là sắc thuế trực thu và gián thu, có thể nói đây là 2 sắc thuế điển hình là TNCN và TNDN.

"Với xu thế chung thì tôi hoàn toàn tán thành việc điều chỉnh thuế TNCN và TNDN để làm sao ít nhất không tác động tiêu cực đến sự cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và thậm chí cả hộ gia đình trong bối cảnh chúng ta mở cửa hội nhập", vị chuyên gia chia sẻ.

Tuy nhiên, vị này cũng cho hay, thuế gián thu có nhiều lựa chọn để điều chỉnh kể cả về quy mô lẫn cơ cấu trong tổng thu thuế và phí hằng năm ngay từ bây giờ.

Ông Ánh phân tích: "Chúng ta hoàn toàn có thể căn cứ vào Nghị quyết của Bộ Chính trị như: mở rộng đối tượng chịu thuế; giảm bớt các ưu đãi hỗ trợ không thiết thực, nhất là trong bối cảnh gần đây khi ban hành 1 chính sách mới lại có những yêu cầu về ưu đãi, hỗ trợ thuế kèm theo rất nhiều; chống thất thu thuế bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến quy mô ngân sách, quy mô thu thuế và phí mà còn tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp với nhau.

Và lựa chọn cuối cùng mới là việc điều chỉnh thuế suất. Tuy nhiên tôi cho rằng, việc lựa chọn điều chỉnh thuế suất thuế VAT là lựa chọn rất nhạy cảm, có tác động xã hội rất lớn!".

Vì vậy, ông Ánh cho rằng, quan trọng nhất là việc lựa chọn mức điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh và lý do thuyết phục nhất trong việc điều chỉnh tăng thuế VAT như thế nào cho hợp lý?

Trả lời câu hỏi: Vậy mức điều chỉnh mà Bộ Tài chính đưa ra là tăng từ 10% lên 12% liệu có phù hợp hay không, nhất là trong bối cảnh hiện nay? TS Ánh khẳng định rằng chưa đủ cơ sở để có kết luận về mức điều chỉnh của Bộ Tài chính như trên là là phù hợp hay không.

Tuy nhiên ông Ánh cũng khẳng định rằng: "Việc điều chỉnh chính sách thuế có nhiều cách để làm chứ không chỉ điều chỉnh thuế suất, nhất là với sắc thuế có phạm vi tác động rộng tới xã hội như thuế VAT.

Do đó, tôi cho rằng chúng ta cần cân nhắc với các chính sách khác chứ không phải chỉ tập trung vào điều chỉnh thuế suất thuế VAT. Rất cần đánh giá sự tác động từ điều chỉnh thuế VAT từ 10 lên 12% và trong các văn bản quy định của chúng ta cũng đã có bởi khi chúng ta ban hành 1 văn bản pháp lý thì phải đánh giá sự tác động, nhất là điều chỉnh tới 5 luật thuế thì càng cần đánh giá cụ thể hơn.

Đầu tiên phải đánh giá chức năng của thuế, mà thực tế là thuế VAT, đó là tác động trực tiếp đến thu nhập vì việc điều chỉnh thuế VAT tăng sẽ tác động đến phân phối lại thu nhập của chúng ta như thế nào, vì vậy cần có đánh giá 1 cách định lượng, cụ thể.

Hai là đánh giá về sự điều tiết nền kinh tế. Việc điều chỉnh tăng thuế VAT lên 12% thì tác động đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của các gia đình, đến các biến số vĩ mô về tăng trưởng kinh tế, cán cân kinh tế, thương mại, thậm chí cả năng lực cạnh tranh… như thế nào?

Ba là đánh giá đến tác động quy mô thu NSNN. Thuế, phí là khoản thu quan trọng trong NSNN, thuế VAT đóng góp xấp xỉ 30% trong tổng thu về thuế hiện nay. Do vậy, phải đánh giá được những tác động cụ thể trên thì mới đưa ra quyết định vì sao mới điều chỉnh thuế VAT".

Hải Yến

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/ts-vu-dinh-anh-tang-thue-vat-tu-10-len-12-la-lua-chon-nhay-cam-post236689.info