TT Huế: Tiêu hủy hàng chục con lợn rừng bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi

Sau khi phát hiện dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở đàn lợn rừng được nuôi ở khu nghỉ dưỡng trên địa bàn, lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiêu hủy hàng loạt, đồng thời triển khai cấp bách các giải pháp nhằm khống chế, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Lập chốt xử lý dịch tả lợn Châu Phi ở xã Phong Sơn (huyện Phong Điền).

Ngày 27/3, ông Trịnh Đức Hùng – Chủ tịch UBND huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) cho biết, sau khi có kết quả xét nghiệm 6 con lợn rừng trong khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Alba Thanh Tân (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) chết dương tính với dịch tả lợn Châu Phi, UBND huyện đã chỉ đạo lực lượng thú y tiêu hủy toàn bộ những con còn lại.

Trước đó, vào ngày 20/3 có 9/47 con lợn rừng của khu nghỉ dưỡng này xuất hiện dấu hiệu bị bệnh nên đơn vị này đã thông báo cho cơ quan chức năng.

Cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu đi xét nghiệm, cho kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Đến ngày 23/3, cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy 38 con lợn còn lại. Đồng thời, tiến hành các biện pháp tiêu độc, khử trùng tại khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Alba Thanh Tân, các lối ra vào, lập chốt kiểm dịch tạm thời.

Trước đó, vào ngày 18/3, 3/5 con lợn nuôi của vợ chồng ông Tạ Hồng Uẩn và bà Hà Thị Hồng ở thôn Hiền An (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền), sau khi đi xét nghiệm đều dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu độc, khử trùng và tiêu hủy 5 con lợn của gia đình ông Tạ Công Uẩn.

Nhiều tuyến đường ở xã Phong Sơn được tiêu độc, khử trùng.

Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Văn Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, sau khi phát hiện lợn chết và dương tính với dịch tả lợn châu Phi ở Thừa Thiên Huế, Chi Cục thú y đã đến tiêu độc, khử trùng và lập các chốt kiểm dịch có lực lượng trực 24/24 để phòng dịch bệnh lây lan. Đồng thời, các địa phương chưa phát dịch bệnh cũng được kiểm soát chặt chẽ.

Đến nay, địa bàn Thừa Thiên Huế đã lập trên 10 chốt kiểm dịch như quốc lộ 1A tại xã Phong Thu (huyện Phong Điền) và xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc), các huyện biên giới để tránh dịch lây lan ra diện rộng, phối hợp với các lực lượng có liên quan túc trực, kiểm soát theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Văn Hưng thông tin thêm.

Cán bộ thú y kiểm soát, phun thuốc các xe vận chuyển lợn đi qua Thừa Thiên Huế ở xã Phong Thu.

Để khống chế dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ lây lan trên diện rộng, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai các giải pháp cấp bách khống chế, ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Đối với những địa phương đã phát hiện có dịch tả lợn châu Phi, phải kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra khỏi địa bàn huyện có dịch bệnh, đặc biệt thực hiện nghiêm việc cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra vào vùng dịch theo đúng quy định của Luật Thú y.

Các cơ sở chăn nuôi lợn nằm trong vùng dịch đã được cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật còn hiệu lực đối với các bệnh khác, có nhu cầu vận chuyển lợn ra khỏi phạm vi vùng dịch phải được cơ quan thú y lấy mẫu, xét nghiệm có kết quả âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi và hướng dẫn tuyến đường vận chuyển ra khỏi vùng có dịch. Thành lập ngay các chốt kiểm dịch tạm thời, để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với lợn và sản phẩm lợn ra vào địa bàn có dịch.

Cán bộ túc trực 24/24 tại chốt kiểm dịch động vật trên QL1A (xã Phong Thu, huyện Phong Điền).

Đồng thời, bố trí các lực lượng thú y, công an và các lực lượng liên quan để tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn. Vệ sinh, tiêu độc khử trùng ổ dịch hàng ngày và tiêu độc các phương tiện vận chuyển, con người ra vào khu vực có dịch. Tăng cường giám sát phát hiện bệnh, báo cáo thông tin nhanh cho Ban chỉ đạo chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản cấp huyện để xử lý dập tắt dịch kịp thời, không để dịch lây lan rộng.

Hà Oai

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/tt-hue-tieu-huy-hang-chuc-con-lon-rung-bi-nhiem-dich-ta-lon-chau-phi-post294529.info