TT Nga tới Pháp vì vũ khí và năng lượng

VIT - Các cuộc đàm phán về kế hoạch mua một chiếc tàu chở máy bay trực thăng của Pháp, hợp tác năng lượng và Iran sẽ là những ưu tiên chính trong chuyến thăm Pháp của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev trong 3 ngày bắt đầu từ ngày hôm nay (01/3), một quan chức Điện Kremlin cho hay.

Tổng thống Medvedev sẽ được Tổng thống Pháp Nikolas Sarkozy, một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Iran về chương trình hạt nhân của họ, đón tiếp tại Điện Elysee. Tổng thống Sarkozy đã nỗ lực cải thiện quan hệ với Moscow và Washington trong khi vẫn duy trì được ảnh hưởng mạnh mẽ của nước ông tại Liên minh châu Âu. Ông đã đề xuất một thỏa thuận ngừng bắn chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài 5 ngày trong năm 2008 của Gruzia với Nga, đã nổ ra vài tháng sau khi ông Medvedev tuyên thệ nhậm chức Tổng thống. Hai tổng thống sẽ thảo luận về kế hoạch của Nga mua một chiếc tàu tấn công đổ bộ 21.300 tấn của Pháp - thương vụ đã làm cho Washington và các đồng minh Đông Âu của NATO quan ngại. Ngoài ra, Tổng thống Medvedev còn có kế hoạch gặp gỡ Thủ tướng Pháp Francois Fillon, Thị trưởng Paris Bertrand Delanoe, Chủ tịch Thượng viện Gerard Larcher và chủ tịch Quốc hội Philippe Seguin. Một quan chức cấp cao của Điện Kremlin cho biết không có thỏa thuận cuối cùng nào về thương vụ tàu chiến lớp Mistral, một thương vụ bán vũ khí lớn đầu tiên của một quốc gia NATO cho Nga - sẽ được ký kết trong chuyến thăm này. "Hợp tác quân sự-kỹ thuật sẽ được thảo luận, bao gồm cả kế hoạch mua một chiếc tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral. Nhưng không có tài liệu nào (sẽ được ký kết) - Chúng tôi không đặt một mục tiêu nào như vậy," quan chức giấu tên này cho biết. Tàu Mistral do công ty đóng tàu DCNS của Hải quân Pháp tiếp thị và có giá trị khoảng 300-500 triệu euro (404,3 đến 673,8 triệu USD). Tàu có thể chở máy bay trực thăng, binh lính, xe bọc thép và xe tăng và Gruzia đã lo ngại rằng Moscow có thể sẽ triển khai chiếc tàu này tấn công nước này trong tương lai. Hồi tháng 9 năm ngoái, Tư lệnh Hải quân Nga, Đô đốc Vladimir Vysotsky, cho biết với tàu chiến lớp Mistral, Nga có thể đạt mục tiêu quân sự của mình trong cuộc chiến tranh với Gruzia trong vòng 40 phút thay vì 26 giờ. "Chúng tôi muốn mua loại tàu chở máy bay trực thăng này và có thể sẽ tiếp tục hợp tác với Pháp về công nghệ này," quan chức Kremlin nói và cho biết thêm Nga cũng muốn tự chế tạo ba chiếc tàu Mistral theo giấy phép của Pháp tại Nga. Các quốc gia Baltic, đã tách khỏi Liên Xô từ năm 1991 và đã gia nhập liên minh quân sự NATO, cũng tỏ ra quan ngại về thương vụ tàu Mistral và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã nêu nên vấn đề này với người đồng cấp Pháp Herve Morin. Về vấn đề Iran, quan chức Điện Kremlin này cho biết ông không hy vọng hai tổng thống sẽ "thảo luận kỹ các nội dung" về bất kỳ biện pháp trừng phạt nào, nhưng sẽ thảo luận về sự hợp tác tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nga, nước có trao đổi thương mại lớn với Iran, tuần trước đã cho biết họ sẽ không chấp nhận các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Tehran, nhưng cũng không cho biết họ sẽ ủng hộ hình thức nào. Mối quan hệ nồng ấm hơn giữa Paris và Moscow dưới thời Tổng thống Sarkozy đã giúp thúc đẩy giao thương giữa hai nước. Trong chuyến thăm này, nhà xuất khẩu khí đốt độc quyền Gazprom của Nga sẽ ký kết thỏa thuận tăng giá trị xuất khẩu khí đốt sang Pháp, quan chức Điện Kremlin trên cho biết thêm. Trong một cuộc phỏng vấn với tuần báo Paris Match của Pháp, ông Medvedev cho biết ông cũng sẽ xem xét lại kế hoạch về một hiệp ước an ninh ràng buộc, mới cho châu Âu để thay thế NATO. Đề xuất này, được ông công bố lần đầu tiên tại Đức vào năm 2008, đã thu hút ít sự quan tâm của các quốc gia châu Âu, một số quốc gia cho rằng đó là sự lặp lại những nỗ lực từ thời Liên Xô nhằm lôi kéo châu Âu khỏi ảnh hưởng của Mỹ và trao cho Moscow quyền phủ quyết về an ninh của họ.

Nguồn VITINFO: http://vitinfo.com.vn/muctin/quocte/la73631/default.htm