TT Trump bị chỉ trích 'phủi sạch tay' với người Kurd trước Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Donald Trump vấp phải những chỉ trích giận dữ từ các cựu binh và cựu tướng lĩnh Mỹ khi quay lưng với người Kurd để đồng minh đơn độc đối phó Thổ Nhĩ Kỳ.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 9/10 mở cuộc tiến công vào lãnh thổ do người Kurd kiểm soát ở phía bắc Syria. Chiến dịch mà Ankara chờ đợi từ rất lâu cuối cùng cũng được thực hiện sau khi được quân đội Mỹ "bật đèn xanh".

Theo AFP, với quyết định lui quân của Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã bỏ mặc đồng minh từng kề vai sát cánh trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), để người Kurd đơn độc đối phó với lửa đạn chiến tranh.

Thị trấn Tal Abyad tại Syria chìm trong khói đen sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đánh bom thị trấn, phát động chiến dịch tiến công người Kurd. Ảnh: AFP.

Thị trấn Tal Abyad tại Syria chìm trong khói đen sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đánh bom thị trấn, phát động chiến dịch tiến công người Kurd. Ảnh: AFP.

Mở đường cho hậu họa

Bước ngoặt mới trên chiến trường Syria khiến nhiều cựu binh Mỹ tức giận về quyết định của Tổng thống Trump.

Joseph Votel, cựu tư lệnh Mỹ tại Trung Đông, chỉ trích ông Trump quay lưng với những người đồng minh gắn bó trong thời gian dài với quân đội Mỹ. Người Kurd là lực lượng nòng cốt trong tổ chức Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF), đóng vai trò then chốt trong chiến dịch đánh bại IS tại Syria kéo dài gần 5 năm.

"Chính sách quay lưng này đe dọa phá vỡ những thành quả sau 5 năm đánh IS và làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín và thể diện của nước Mỹ, đặc biệt trong những cuộc chiến trong tương lai khi chúng ta cần đồng minh mạnh", tướng Votel viết trên The Atlantic.

"SDF đã giải phóng hàng nghìn km2 và hàng triệu người khỏi vòng kìm kẹp của IS. Trong suốt quá trình chiến đấu, lực lượng này đã tổn thất gần 11.000 người", ông cho biết chỉ có 6 quân nhân và 2 thường dân Mỹ thiệt mạng trong chiến dịch.

Trong khi đó, Mark Hertling, từng là tư lệnh quân đội Mỹ tại châu Âu, lo ngại quyết định của ông Trump "mở đường cho thảm họa" xảy đến với nước Mỹ trong tương lai.

"Người Kurd của lực lượng SDF, những đối tác đáng tin cậy của chúng ta trong cuộc chiến chống IS, đang bị tấn công bởi một đồng minh trong NATO là Thổ Nhĩ Kỳ. Mối quan hệ Mỹ - NATO sẽ gánh chịu hậu họa lâu dài và gây bất lợi cho an ninh tại châu Âu cũng như thế giới", Hertling dự báo.

SDF là lực lượng chủ lực cho những chiến dịch lớn trong cuộc chiến chống IS. Họ đã trải qua nhiều trận chiến ác liệt, bao vây các thành phố lớn và giành lại quyền kiểm soát từ tay IS. Các quan chức Lầu Năm Góc đánh giá người Kurd và SDF thiện chiến và có ý chí chiến đấu cao hơn quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội Iraq, cũng như những lực lượng khác trong cuộc chiến với IS.

Tướng 4 sao lục quân Mỹ, Joseph Votel, từng giữ chức Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trung tâm của quân đội Mỹ từ năm 2016 đến tháng 3/2019. Ảnh: AFP.

"Mỹ đã giúp người Kurd đủ rồi"

Nhiều nghị sĩ Mỹ cũng lên tiếng phản đối quyết định quay lưng với đồng minh người Kurd. Thượng nghị sĩ Martha McSally, cựu phi công không quân Mỹ từng có 6 đợt triển khai đến Trung Đông, nói quyết định của ông Trump "đơn giản là quá sai".

"SDF, những đồng minh người Kurd của chúng ta, đã phải trả giá nặng nề cho cuộc chiến. Họ mới thật sự là những người đánh bại IS", bà trả lời trên Fox Radio.

"Khi quân đội Iraq sụp đổ, người Kurd mới là dân tộc gánh hết sự tàn độc trong cuộc chiến của IS chống lại văn minh nhân loại, chứ không phải người Thổ Nhĩ Kỳ hay nước Mỹ", Ruben Gallego, một cựu binh tại Iraq và đang giữ ghế nghị sĩ tại Hạ viện Mỹ, nhận định.

"Ngoài Israel, đồng minh mạnh nhất và đáng tin cậy nhất của chúng ta tại Trung Đông chính là người Kurd. Chúng ta vừa đánh mất người đồng minh này. Việc bỏ mặc người Kurd đã nhắc nhở chúng ta cần hiểu rõ rằng 'Nước Mỹ trước tiên' chính là 'Nước Mỹ đơn độc'", ông chỉ trích chính sách chung của Tổng thống Trump.

Đáp lại những chỉ trích trong dư luận, Tổng thống Trump ngày 9/10 nhấn mạnh quyết định của ông nhằm chấm dứt sự can dự của nước Mỹ tại Syria. Ông đồng thời cho rằng Mỹ không thể làm gì hơn để giải quyết mối quan hệ thù địch đã kéo dài nhiều thế kỷ giữa người Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd.

"Họ đang chiến đấu để tự bảo vệ đất đai của mình", ông Trump nói Mỹ đã viện trợ cho người Kurd đủ rồi.

"Họ không giúp chúng ta trong Thế chiến II. Họ cũng không giúp chúng ta trong chiến dịch Normandy. Trong khi đó, chúng ta đã chi ra những khoản tiền khổng lồ để giúp người Kurd về đạn dược, vũ khí và cả tiền bạc nữa", ông trả lời truyền thông Mỹ.

"Dù gì thì chúng ta vẫn thích người Kurd", ông nói.

Không phải toàn bộ cộng đồng quân nhân Mỹ đều phản đối quyết định của Tổng thống Trump. Một bộ phận trong giới quân sự cũng ủng hộ nước Mỹ thoát ly khỏi khu vực với xung đột kéo dài 2 thập kỷ qua.

Dan Caldwell, cố vấn cấp cao tại tổ chức Cựu binh Quan tâm cho Nước Mỹ (CVFA), cho rằng ông Trump đã lấy lợi ích của đất nước làm ưu tiên hàng đầu.

"Không có lợi gì cho chúng ta nếu kẹt lại trong cuộc xung đột quá dai dẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd tại Syria, vốn đã tồn tại từ trước sự trỗi dậy của khủng bố IS và cuộc nội chiến Syria", ông nhận định.

Xe thiết giáp Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra chung ở phía bắc Syria gần thị trấn Akcakale của Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 9. Ảnh: Reuters.

Thanh Danh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/tt-trump-bi-chi-trich-phui-sach-tay-voi-nguoi-kurd-truoc-tho-nhi-ky-post999766.html