Từ 0 đến I: Bước nhảy vọt! (Bài 1)

BPO - Trước yêu cầu cấp bách về xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, năm 2018, Bình Phước bắt tay xây dựng chính quyền điện tử từ việc ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 12-9-2018. Tại thời điểm đó, việc xây dựng chính quyền điện tử được coi là bước đột phá quan trọng trong cải cách hành chính. Từ một nghị quyết đã được cụ thể hóa bằng hàng triệu động lực, Bình Phước từng bước xóa vùng lõm về công nghệ thông tin, vươn lên vị trí top đầu cả nước.

CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ, CÔNG DÂN SỐ

Nghị quyết số 07 của Tỉnh ủy đã tạo sức lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân, các cấp chính quyền trong tỉnh, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, từ đó gắn với vai trò, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên trong thực thi nhiệm vụ, quyết tâm đưa nghị quyết vào cuộc sống chứ không phải hô hào khẩu hiệu. Chính quyền điện tử, công dân điện tử và bây giờ là công dân số đã không còn là khái niệm xa vời với các cơ quan công quyền, người dân Bình Phước.

Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ với tinh thần trách nhiệm cao, thân thiện, không còn thái độ cửa quyền, nhũng nhiễu là vấn đề tiên quyết tạo nên hệ thống hành chính ở Bù Đăng trơn tru, thông suốt

Xây dựng chính quyền điện tử ở địa bàn khó

Năm 2018, định nghĩa “chính quyền điện tử” khi đó còn khá mới mẻ với người dân, thậm chí với cả cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh. Đặc biệt, ở các xã vùng sâu, xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), người dân đã quen với thủ tục hành chính bằng giấy tờ thủ công, viết tay với tâm lý phải mang đến tận nơi, đưa tận tay cho cán bộ thì mới an tâm. Mặc dù đã được tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhưng khi đó người dân vẫn nghĩ “không làm cũng chẳng ai ép”.

Thế nhưng, với cách làm linh hoạt, những địa phương vùng sâu, xa lại trở thành điểm sáng trong xây dựng chính quyền điện tử với tỷ lệ hồ sơ trực tuyến có ngày đạt 100%. Điển hình như ở xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, nơi có 53% số dân là đồng bào DTTS, lãnh đạo xã không ngồi chờ mà chủ động thay đổi ý thức của người dân. Các tổ tuyên truyền được thành lập, trong đó Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng, đảng viên, cán bộ, công chức và đoàn thanh niên là thành viên. Mỗi tổ đều bố trí công chức biết tiếng đồng bào để thuận tiện giao tiếp. “Thuận lợi lớn nhất là tỷ lệ người dân trên địa bàn xã sử dụng điện thoại thông minh đạt cao. Vì vậy, giải pháp của xã là đến từng nhà tạo tài khoản, hướng dẫn từng người làm những thủ tục đơn giản như đăng ký giấy khai sinh cho con đến thủ tục phức tạp như đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Được hướng dẫn bằng cách “cầm tay chỉ việc” nên người dân đều vui vẻ, việc đào tạo công dân điện tử cũng trở nên dễ dàng hơn. Đến nay, tỷ lệ người dân biết lên mạng tìm hiểu thông tin và tương tác với chính quyền ngày một nhiều hơn” - ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh vui vẻ nói.

Xây dựng chính quyền điện tử ở địa bàn khó, huyện Lộc Ninh đã chủ động khắc phục những rào cản về trình độ dân trí, trang thiết bị, đường truyền internet, khoảng cách địa lý cũng như điều kiện sử dụng thiết bị điện tử trong thực hiện các giao dịch với chính quyền bằng các hình thức linh hoạt, nhạy bén. Vì vậy, các chủ trương, nghị quyết từ tỉnh đưa xuống đều được huyện cụ thể hóa bằng những cách làm riêng, phù hợp và được nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Các nhiệm vụ, giải pháp trong quá trình triển khai, huyện đều gắn với vai trò, trách nhiệm của đảng viên, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, từ đó tạo tinh thần tiên phong và lan tỏa. Khi hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, huyện đang bắt tay chuyển đổi số trên nền tảng hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin được đầu tư khá đồng bộ, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 toàn huyện luôn đạt gần 80%. Huyện đã và đang thực hiện các bước trong chuyển đổi số ở hầu hế các lĩnh vực từ quản lý nhà nước đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…

Ông Hồ Quang Khánh,
Phó chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh

Thủ tục hành chính (TTHC) là vấn đề hầu hết người dân đều có tâm lý e ngại mỗi khi có việc cần giải quyết vì còn rườm rà, mất nhiều thời gian. Thậm chí, khi nói tới TTHC, có không ít người ngán ngẩm và coi đó như bị “hành là chính”. Để hiểu hết TTHC, các quy định của pháp luật là điều không đơn giản, ngay cả với những người có hiểu biết về pháp luật. Nhưng đó là câu chuyện đã cũ ở Bình Phước.

Tôi không nghĩ nộp hồ sơ trên mạng lại đơn giản như thế. Sau khi được hướng dẫn thực hiện các TTHC trên điện thoại thông minh, tra cứu dịch vụ công trực tuyến, tôi thấy quy trình sử dụng rất thuận tiện, đặc biệt là việc tra cứu thông tin rất nhanh, thái độ phục vụ của cán bộ ở đây cũng như các quy trình giải quyết hồ sơ thủ tục rất chu đáo và nhanh gọn. Tôi không cảm thấy ngại khi đi làm TTHC như trước nữa.

Ông Đinh Gia Thái,
thôn 5, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng

Không còn nền hành chính cửa quyền, nhũng nhiễu

Thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và bây giờ là bắt tay chuyển đổi số, tỉnh đã có bước đi dài và nhanh hơn so với lộ trình của Chính phủ. Đó là sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, người đứng đầu với tinh thần “khó ở đâu thì gỡ ở đó, không bàn lùi”. Khó khăn về trang thiết bị, đường truyền internet, trình độ dân trí cũng như điều kiện sử dụng các thiết bị điện tử không phải là rào cản nếu quyết tâm của đội ngũ cán bộ, công chức đủ lớn. Để đạt mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử và tiến tới chuyển đổi số trở thành điểm sáng thì vai trò của từng cán bộ, công chức trong hệ thống hành chính nhà nước là hết sức quan trọng. Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ với tinh thần trách nhiệm cao, thân thiện, không còn thái độ cửa quyền, nhũng nhiễu với người dân, doanh nghiệp là vấn đề tiên quyết tạo nên hệ thống hành chính trơn tru, thông suốt, mà trên hết là xây dựng hình ảnh thân thiện của chính quyền trong mắt nhân dân.

Công chức Bộ phận một cửa thị xã Bình Long hướng dẫn người dân, doanh nghiệp kết nối lên Cổng dịch vụ công của tỉnh để tra cứu và nộp hồ sơ trên môi trường mạng

Tại thị xã Bình Long, mỗi ngày bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tiếp rất nhiều lượt công dân đến làm TTHC, một số người dân chưa hiểu hết các quy trình thực hiện. Do vậy, cán bộ, công chức ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn còn hướng dẫn, giải đáp thắc mắc ban đầu, thậm chí viết thay đơn cho những trường hợp không biết chữ, người già hoặc đồng bào DTTS; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp kết nối lên cổng dịch vụ công của tỉnh để tra cứu và nộp hồ sơ trên môi trường mạng. Chính từ sự chủ động này mà việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử của thị xã có nhiều thuận lợi.

Từ đầu năm đến nay, thị xã tiếp nhận 19.423 hồ sơ. Trong đó, mức độ 3, 4 là 10.145 hồ sơ. Đó là động lực để 5/6 xã, phường trên địa bàn thị xã bắt tay chuyển đổi số và phấn đấu trở thành điểm sáng trong xây dựng hình ảnh chính quyền năng động, hiện đại. Chính cán bộ, đảng viên trực tiếp giải quyết công việc có vai trò quyết định sự thành công của một nghị quyết.

Ông Nguyễn Anh Đức,
Phó chủ tịch UBND thị xã Bình Long

Một nền hành chính minh bạch sẽ giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí trong giải quyết TTHC. Thống kê sơ bộ, đến nay, sau gần 3 năm xây dựng chính quyền điện tử, người dân và doanh nghiệp tại tỉnh đã giảm hơn 40% thời gian giải quyết TTHC, tiết kiệm chi phí xã hội hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Từ đó, tạo động lực cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ kinh tế - xã hội, chính trị của tỉnh.

Ngân Hà - Thanh Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/127137/tu-0-den-i-buoc-nhay-vot-bai-1