Từ 1-1-2021 tiền lương chồng có thể chuyển sang tài khoản vợ

Lương của chồng có thể chuyển thẳng vào tài khoản ATM của vợ nếu người chồng ủy quyền hợp pháp cho vợ nhận lương thay.

Chính phủ vừa ban hành nghị định 145/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động 2019 về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Trong đó, điểm đáng chú ý là từ ngày 1-1-2021, chủ sử dụng lao động có thể chọn nhiều hình thức trả lương.

Từ năm 2021 lương chồng có thể chuyển trực tiếp sang tài khoản vợ. Ảnh: V.LONG

Từ năm 2021 lương chồng có thể chuyển trực tiếp sang tài khoản vợ. Ảnh: V.LONG

Cụ thể, Điều 54 của nghị định này cho phép người sử dụng lao động và người lao động, căn cứ vào tính chất công việc và điều kiện sản xuất, kinh doanh thỏa thuận trong hợp đồng lao động để trả lương theo thời gian, theo sản phẩm và khoán như sau:

1. Tiền lương theo thời gian được trả cho người lao động hưởng lương theo thời gian, căn cứ vào thời gian làm việc theo tháng, tuần, ngày, giờ theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, cụ thể:

- Tiền lương tháng được trả cho một tháng làm việc.

- Tiền lương tuần được trả cho một tuần làm việc. Trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tháng thì tiền lương tuần được xác định bằng tiền lương tháng nhân với 12 tháng và chia cho 52 tuần.

- Tiền lương ngày được trả cho một ngày làm việc. Trong đó, trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tháng thì tiền lương ngày được xác định bằng tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn;

Trường hợp, hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tuần thì tiền lương ngày được xác định bằng tiền lương tuần chia cho số ngày làm việc trong tuần theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

+ Tiền lương giờ được trả cho một giờ làm việc. Trong đó, trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tháng hoặc theo tuần hoặc theo ngày thì tiền lương giờ được xác định bằng tiền lương ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong ngày theo quy định tại Điều 105 của Bộ luật Lao động 2019.

2. Tiền lương theo sản phẩm được trả cho người lao động hưởng lương theo sản phẩm, căn cứ vào mức độ hoàn thành số lượng, chất lượng sản phẩm theo định mức lao động và đơn giá sản phẩm được giao.

3. Tiền lương khoán được trả cho người lao động hưởng lương khoán, căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.

Lưu ý:

- Tiền lương của người lao động theo các hình thức trả lương nêu trên được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng;

Theo đó, người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương khi chọn trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động.

Liên quan đến trả lương cho người lao động, khoản 1, điều 94 của Bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2021) cũng quy định:

Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.

Theo quy định này, lương của chồng có thể chuyển thẳng vào tài khoản của vợ nếu người chồng ủy quyền hợp pháp cho vợ mình nhận lương thay.

Trả lời về việc người được ủy quyền nhận lương, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (cơ quan soạn thảo Bộ luật Lao động) từng lý giải, việc lương của chồng chuyển thẳng vào tài khoản của vợ là hoàn toàn hợp pháp nếu có sự thỏa thuận.

“Kể cả lương của vợ cũng có thể chuyển cho tôi. Cái đó hoàn toàn do hai vợ chồng thỏa thuận để tạo ra thuận lợi. Tránh tình trạng như lương của tôi chỉ chuyển vào tài khoản của tôi, sau tôi lại chuyển cho vợ. Tôi thấy thuận lợi hơn thì lương của tôi chuyển thẳng cho vợ kiểm soát càng tốt...”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/tu-112021-tien-luong-chong-co-the-chuyen-sang-tai-khoan-vo-957040.html