Từ 1-3: Những người làm nghề, công việc gì được về hưu trước tuổi?

Tại Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH, Bộ LĐ, TB&XH đã ban hành danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Theo đó, từ 1-3, những người làm một trong 1838 nghề, công việc sẽ được về hưu trước tuổi.

Theo Khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được về hưu trước tuổi nhưng không quá 5 năm.

Bên cạnh đó, người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm được về hưu trước tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp nêu tại khoản 1 Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 sửa đổi bởi Bộ luật Lao động 2019.

Cụ thể, trường hợp không bị suy giảm khả năng lao động: Lao động nam từ đủ 55 tuổi 3 tháng, nữ từ đủ 50 tuổi 4 tháng và có đủ 15 năm trở lên làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

Trường hợp bị suy giảm khả năng lao động có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Những người làm công việc nặng nhọc nguy hiểm sẽ được nghỉ hưu sớm (ảnh minh họa)

Những người làm công việc nặng nhọc nguy hiểm sẽ được nghỉ hưu sớm (ảnh minh họa)

Trong đó, danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mới được ban hành kèm theo Thông tư 11/2020 gồm 1838 nghề, công việc trong các lĩnh vực như khai thác khoáng sản; cơ khí, luyện kim; hóa chất; vận tải; xây dựng giao thông và kho tàng bến bãi; điện; sản xuất xi măng; da giày, dệt may…

Thời gian người lao động làm nghề, công việc tại danh mục đã được ban hành trước đây vẫn được tính vào thời gian làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cho đến ngày 1-3.

Người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện: Bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ LĐ,TB&XH ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại; Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh bệnh nghề nghiệp.

Ngoài ra, người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại được người sử dụng lao động bồi dưỡng bằng hiện vật, được người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng một lần.

Đồng thời, người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được người sử dụng lao động cung cấp đầy đủ trang thiết bị, phương tiện bảo vệ cá nhân đúng chủng loại, đối tượng, sổ lượng, bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Người sử dụng lao động không được phát tiền thay cho việc trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân; không buộc người lao động tự mua hoặc thu tiền của người lao động để mua phương tiện bảo vệ cá nhân. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát người lao động sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân; tổ chức thực hiện biện pháp khử độc, khử trùng, tẩy xạ bảo đảm vệ sinh đối với phương tiện bảo vệ cá nhân đã qua sử dụng ở những nơi dễ gây nhiễm độc, nhiễm trùng, nhiễm xạ.

H.L

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tu-1-3-nhung-nguoi-lam-nghe-cong-viec-gi-duoc-ve-huu-truoc-tuoi-post459032.antd