Từ 1/7, TP.HCM tăng thẩm quyền cho người đứng đầu

Khi mô hình chính quyền đô thị chính thức đi vào hoạt động từ 1/7, công chức phường tại TP.HCM sẽ thuộc biên chế công chức quận, tăng quyền tự quyết cho thủ trưởng các đơn vị.

"Cơ chế thủ trưởng" là cụm từ được Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đặc biệt nhấn mạnh nhiều lần trong bài phát biểu dài hơn một tiếng tại hội nghị triển khai thực hiện Nghị định số 33/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM diễn ra chiều 7/4.

Theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM là tâm huyết của ban soạn thảo gồm Bộ Nội vụ cùng lãnh đạo TP.HCM. "Đây là vấn đề mới và khó. Bộ Nội vụ và một số bộ ngành cùng lãnh đạo TP.HCM đã phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu, làm ngày, làm đêm để sớm báo cáo Chính phủ và trình Quốc hội xem xét, ban hành", ông Tuấn chia sẻ.

 Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Quang Huy.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Quang Huy.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ phân tích đổi mới hoạt động của chính quyền đô thị sẽ đẩy mạnh phân cấp giữa Trung ương và địa phương, gắn quyền hạn với trách nhiệm để nâng cao hiệu quả quản lý xã hội.

Theo mô hình chính quyền đô thị, cấp chính quyền địa phương ở TP.HCM là HĐND và UBND. UBND quận và phường được xác định là cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn quận/phường. Như vậy, thành phố có 2 cấp hành chính, không phải 2 cấp chính quyền.

Các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp quận/phường sẽ được điều chỉnh sang HĐND thành phố. Ngoài ra, chức danh chủ tịch UBND sẽ do chủ tịch thành phố hoặc chủ tịch quận chỉ định thay vì để HĐND bầu như trước đây. Công chức phường cũng sẽ thuộc biên chế công chức quận.

Ông Tuấn cho biết một khó khăn khi xây dựng mô hình này là vừa áp dụng chế độ thủ trưởng, tức là người đứng đầu quyết định, nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ (vấn đề được tập thể thảo luận và quyết theo đa số).

Để tháo gỡ, ban soạn thảo thống nhất chế độ thủ trưởng là người đứng đầu quyết định và chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, một số vấn đề cần thiết vẫn đưa ra tập thể để lấy ý kiến.

Theo ông Tuấn, chế độ chính trị Việt Nam là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Lãnh đạo cơ quan cũng thường ở trong cấp ủy. Do đó, chế độ thủ trưởng và tập trung dân chủ không mâu thuẫn mà vừa đảm bảo trách nhiệm người đứng đầu, vừa bảo đảm thảo luận công khai trong tập thể.

"Chế độ thủ trưởng theo nguyên tắc tập trung dân chủ, chứ không phải theo số đông. Số đông chưa chắc đã đúng, mà cần căn cứ theo quy định của Đảng và pháp luật. Người đứng đầu có thể đưa ra quyết định sau khi lắng nghe ý kiến các bên", Thứ trưởng Tuấn nhận định và cho biết đây là điểm mới của mô hình chính quyền đô thị.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. Ảnh: Quang Huy.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhắc lại đề án này đã được TP.HCM khởi xướng từ năm 2007 và được điều chỉnh, bổ sung năm 2013. Đến năm 2019, thành phố mới thí điểm và được Quốc hội chính thức thông qua vào năm 2020. Ông chia sẻ đây là sự ghi nhận, tin tưởng và động viên lớn của Trung ương dành cho thành phố.

Chủ tịch TP.HCM nhắc nhở từ 1/7, TP.HCM sẽ chính thức không còn HĐND cấp quận, phường nên trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp quận, phường sẽ nặng nề hơn.

"TP sẽ đổi mới phương pháp làm việc theo tinh thần phục vụ, giảm mệnh lệnh hành chính, đề cao người đứng đầu", Chủ tịch Phong quán triệt.

Thu Hằng - Quang Huy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tu-17-tphcm-tang-tham-quyen-cho-nguoi-dung-dau-post1201875.html