Từ 100 tỷ của 'Siêu sao siêu ngố' tới ảo tưởng của điện ảnh Việt

Khi thị trường rạp chiếu Việt khởi sắc với những bộ phim đạt doanh thu trên 100 tỷ đồng, những ảo tưởng về điện ảnh Việt theo đó cũng bùng lên.

100 tỷ đồng được xem là cột mốc ngầm khẳng định thành công lớn của một bộ phim Việt. Khoảng 5 năm trở lại đây, khi thị trường điện ảnh Việt khởi sắc, đã có một vài bộ phim Việt chạm vào, thậm chí vượt qua con số này. Nhưng kéo theo đó là những ảo tưởng về điện ảnh Việt ngày càng dâng cao.

Trên thực tế, so với số phim thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay, số phim thảm họa và thảm bại nhiều đến mức không đếm hết. Nói như nhà khoa học thiên tài vừa tạ thế Stephen Hawking: “Kẻ thù lớn nhất của kiến thức không phải là sự ngu dốt mà là ảo tưởng”.

Tôi cũng cho rằng sự ảo tưởng là kẻ thù lớn nhất của điện ảnh Việt ở thời điểm hiện tại.

Em chưa 18 là bộ phim Việt đạt doanh thu cao nhất từ trước đến nay với 175 tỷ đồng.

Một phim thắng, 5-7 phim chết

Câu lạc bộ “trăm tỷ” của điện ảnh Việt tính đến nay có 4 thành viên, lần lượt theo thứ tự là Em chưa 18, Siêu sao siêu ngố, Em là bà nội của anhĐể Mai tính 2. Một tác phẩm mới phát hành đầu năm 2018 có thể gia nhập câu lạc bộ này là Tháng năm rực rỡ.

Nếu tính thêm một số bộ phim có mức doanh thu 70-80 tỷ đồng, được xem là đem lại lợi nhuận ròng cho nhà sản xuất, danh sách này có thể thêm: Tèo em, Quả tim máu, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Tấm Cám - Chuyện chưa kể, Chàng trai năm ấy, Lật mặt, Nắng, Cô gái đến từ hôm qua...

Rõ ràng là nhìn vào danh sách này, ta có thể thấy điện ảnh Việt đang khởi sắc và trên đà tăng trưởng, năm sau tăng hơn năm trước. 10 năm trước, chắc chẳng ai trong ngành công nghiệp phim ảnh nước nhà dám tưởng tượng đến những con số lớn như vậy.

Tuy nhiên, với một thị trường hơn 90 triệu dân và hệ thống rạp chiếu đang được xây dựng với tốc độ chóng mặt, con số doanh thu này vẫn quá nhỏ và hoàn toàn chưa xứng tầm.

So mùa phim Tết của Việt Nam với Trung Quốc đầu năm 2018, doanh thu của điện ảnh Việt mới chỉ bằng... 1% Trung Quốc, trong khi dân số của họ chỉ gấp khoảng 14 lần nước ta.

Điều đó cho thấy thị trường điện ảnh Việt vẫn còn quá nhỏ và vẫn còn quá nhiều cơ hội để phát triển, miễn là những nhà sản xuất không quá ảo tưởng về sức mạnh của mình.

Bởi đầu tư vào điện ảnh Việt vẫn còn quá nhiều rủi ro và không ai dám nói gì về bất cứ bộ phim nào trước khi nó có suất chiếu đầu tiên. Số phim thành công và mang lại lợi nhuận chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn danh sách những phim thất bại và thảm bại lại quá dài.

Tất nhiên, tỷ lệ thuận với điều đó là nhiều bộ phim dở, ngô nghê và thảm họa đến mức khó tin.

Ba năm gần đây, số lượng phim phát hành mỗi năm ở Việt Nam khoảng từ 40-50 phim. Năm 2016 và 2017, gần như mỗi tuần đều có một phim Việt ra mắt tại rạp chiếu.

Găng tay đỏ nhanh chóng biến mất khỏi rạp chiếu hồi năm 2016.

Tuy nhiên, con số phim thắng lợi doanh thu hoặc rơi vào “điểm hòa vốn” ước lượng chỉ chiếm khoảng 30%. 70% phim còn lại đều thất bại và biến mất khỏi rạp chiếu không kèn không trống.

Cách đây hơn một năm, Minh Trần - nhà phát hành của bộ phim hành động Găng tay đỏ - bật khóc trong một cuộc họp báo khi kể: “Sau 10 ngày phát hành, nhà sản xuất không thu về dù chỉ được một đồng”.

Minh Trần đổ lỗi nguyên nhân thất bại của bộ phim là do nhà phát hành CGV không hỗ trợ phim ở các khung giờ đẹp. Tuy nhiên, CGV dù là một ông lớn cũng điều tiết rạp chiếu theo thị trường. Phim không “ăn” trong 3 ngày đầu thì sẽ bị rút dần trong những ngày tiếp theo và có thể biến mất trong dịp cuối tuần thứ 2.

Lơ mơ là mất tiền tỷ

Cũng là nước mắt rơi trong buổi họp báo, nhưng hiệu ứng của Găng tay đỏ hoàn toàn khác xa hiệu ứng của Tấm Cám - Chuyện chưa kể. Nhà phát hành còn dự định tái phát hành độc lập Găng tay đỏ vào dịp Tết 2017, nhưng sau đó phim biến mất không kèn không trống.

Thảm bại “không thu nổi một đồng” của Găng tay đỏ không phải là duy nhất. Trong năm 2017, có quá nhiều phim ra mắt và biến mất khỏi rạp chiếu đến mức ngay cả báo chí và giới quan sát thị trường điện ảnh còn không biết.

Đó là trường hợp của những SOS Sói trắng, Oán, Lời nguyền gia tộc, Nữ đại gia, Chí Phèo ngoại truyện, Dám chơi dám chịu, Kẻ trộm chó, Cạm bẫy, Giấc mơ Mỹ, Xưởng 13 hay gần đây nhất là Thử yêu rồi biết...

Diễn viên Huỳnh Đông, người góp vốn sản xuất và đạo diễn bộ phim kinh dị đầu tay Oán, phải ngậm ngùi thừa nhận sự thất bại của mình. Kinh phí sản xuất 3,5 tỷ của phim là ở mức thấp so với mặt bằng phim Việt hiện nay, nhưng vẫn quá cao so với thu nhập của một diễn viên.

Không chỉ phim kinh phí thấp, một tác phẩm được đầu tư lớn, có đạo diễn và dàn diễn viên tên tuổi như Fan cuồng cũng có thể thất bại nặng nề.

Như Huỳnh Đông chia sẻ trong bài phỏng vấn trên Zing.vn: “Thực tế, tôi đóng phim truyền hình, một tập được 6-7 triệu đồng, mà đâu phải phim nào cũng đóng chính. Số tiền đó còn chi trả cho sinh hoạt một tháng, công việc thì còn lại bao nhiêu. Như vậy phải tiết kiệm bao lâu mới đủ 3,5 tỷ đồng? Nhưng rất may là không chỉ mình tôi bỏ vốn”.

Nhưng không chỉ có những bộ phim kinh phí thấp của các đạo diễn “tay mơ” phải chịu ngay trái đắng. Ngay cả khi sở hữu đạo diễn được “bảo chứng”, nhà sản xuất có kinh nghiệm, kinh phí “triệu USD” và dàn sao tên tuổi, nhiều bộ phim vẫn “ngã ngựa” đau đớn như thường.

Trương Ngọc Ánh thất bại với 2 dự án lớn liên tiếp là Truy sátSắc đẹp ngàn cân cả về chất lượng và doanh thu. Dustin Nguyễn gục ngã với Lửa PhậtBao giờ có yêu nhau. Hàm Trần cũng chịu chung số phận với Siêu trộm, dự án điện ảnh với tham vọng phá vỡ tình trạng “phim bánh mứt Tết”.

Hai đạo diễn Việt kiều mát tay với nhiều phim thành công nhất là Charlie Nguyễn và Victor Vũ cũng lần lượt ngã ngựa khá cay đắng với Fan cuồngLôi Báo. Mức lỗ của những phim này dao động từ vài tỷ cho tới hơn chục tỷ.

Điều đáng nói, những bộ phim này thất bại không phải vì thể loại mà vì chúng đều khá nửa vời với kịch bản quá nhàm chán hoặc xa lạ với khán giả Việt.

Chỉ có phim “gái”, ngôn tình và hài nhảm là thắng?

Trong một bài phân tích về thị trường điện ảnh phim Việt năm 2017, tôi đưa ra câu hỏi tu từ: “Cứ phim ‘gái’ là thắng?”. Quả thật là vậy, cứ 10 phim Việt thành công về doanh thu thì có đến 7 phim “chick-flick” - dòng phim dành cho phụ nữ với các công thức khá đơn giản và chủ yếu đánh vào cảm xúc.

Nhận định đó tiếp tục được khẳng định “chắc nịch” qua hai phim thành công mới nhất gần đây là Siêu sao siêu ngố của Đức Thịnh và Tháng năm rực rỡ của Nguyễn Quang Dũng.

Thành công của Tháng năm rực rỡ phần nào có thể hiểu được vì phim đúng theo công thức ăn khách, dựa trên một tác phẩm gốc gây hiệu ứng mạnh mẽ và có vài thay đổi Việt hóa sáng tạo. Còn Siêu sao siêu ngố lại gây bất ngờ vì một phim theo kiểu “Phước Sang những năm 2000” lại có thể ăn khách ở thời điểm hiện tại.

Siêu sao siêu ngố không hẳn là một phim “chick” vì nhân vật trung tâm là nam giới. Tuy nhiên, phim lại nhắm đến đối tượng là nữ giới vì chất ngôn tình khá sến sẩm và kịch bản quá nghèo nàn, cũ kỹ.

Ngoài cái tên Trường Giang và những hiệu ứng gây tò mò của nam diễn viên hài này xung quanh chuyện anh tỏ tình trong một show truyền hình trực tiếp, với giới quan sát lâu năm, khó ai hiểu nổi tại sao Siêu sao siêu ngố lại có thể thu hơn 100 tỷ đồng.

Đến đây, ta có thể đặt tiếp một câu hỏi phải chăng gu và thị hiếu của khán giả Việt vẫn xoay quanh những bộ phim “gái”, phim ngôn tình, phim hài nhảm? Phải chăng điện ảnh Việt vẫn như chú kiến bò quanh miệng cốc vì qua bao năm qua khán giả Việt vẫn ưa thích những món ăn quá quen thuộc?

Thử nhìn sang thị hiếu của khán giả thế giới, ta có thể thấy sự khác biệt rất lớn. Dòng phim “chick” và “rom-com” đã gần như thoái trào tại Bắc Mỹ và chiếm một thị phần rất nhỏ, chủ yếu dành cho khán giả teen. Phim ăn khách nhất của khu vực Bắc Mỹ và nhiều nước phương Tây là dòng phim siêu anh hùng, khoa học giả tưởng, hành động hay sử thi.

Điện ảnh Việt vẫn đang loanh quanh với những bộ phim chick-flick như Siêu sao siêu ngố.

Điện ảnh Trung Quốc sau nhiều năm “hài nhảm” cũng đổi gu với những phim thành công nhất là đánh vào tinh thần ái quốc hay phô diễn sức mạnh Đại Hán mà Chiến lang 2 hay Chiến dịch biển Đỏ là những ví dụ tiêu biểu.

Điện ảnh Ấn Độ, vốn rất chuộng dòng phim mê lô và nhảy múa, cũng đã lột xác trong nhiều năm qua với những bộ phim truyền cảm hứng, phim sử thi hoành tráng hay đánh vào những thói tật xấu của xã hội đương thời mà Three Idiots, Dangal, Baahubali, Secret Superstar hay PK... là minh chứng.

Điện ảnh Hàn Quốc tạo nhiều ảnh hưởng với điện ảnh Việt với hàng loạt phim được mua bản quyền làm lại. Nhưng chúng ta vẫn đi sau rất nhiều năm khi chỉ remake những bộ phim chick, phim rom-com thành công của Hàn gần 10 năm trước mà hoàn toàn thiếu vắng những tác phẩm giàu tham vọng gần đây của nước này.

Thất bại của một loạt phim “bom tấn Việt” với tham vọng phá vỡ cái khung an toàn của thị hiếu, thể loại như Siêu trộm, Lửa Phật, Fan cuồng hay Lôi Báo gần đây càng khiến những nhà đầu tư, đạo diễn điện ảnh tên tuổi trở nên thận trọng và nhát tay với các dự án tương lai của họ.

Charlie Nguyễn quay trở lại với “rom-com” Chàng vợ của em, Victor Vũ đang hồi hộp với canh bạc Người bất tử đã tính đến công thức an toàn Mắt biếc. Nguyễn Quang Dũng sau remake phim Hàn là đến remake phim Mỹ (50 First Dates)...

Chẳng lẽ trong vài năm tới, điện ảnh Việt vẫn một màu phim “chick”, phim ngôn tình hay phim remake? Mùa phim Tết vẫn trung thành với phim “bánh mứt” như Siêu sao siêu ngố hay Về quê ăn tết? Liệu có một thế hệ đạo diễn mới phá vỡ được thị hiếu nhàm chán này của khán giả Việt?

Trailer bộ phim 'Siêu sao siêu ngố' Bộ phim hài Tết với ngôi sao Trường Giang cùng lúc sắm vai hai anh em song sinh.

Lê Hồng Lâm

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tu-100-ty-cua-sieu-sao-sieu-ngo-toi-ao-tuong-cua-dien-anh-viet-post826130.html