Từ 200 năm trước, vua Minh Mạng đã rất mạnh tay dẹp nạn thuốc phiện, thậm chí áp dụng hình phạt nghiêm khắc này

Ngay từ thời vua Minh Mạng đã có hình phạt cực kỳ nghiêm khắc dành cho tội phạm ma túy.

Việc mua bán, sử dụng trái phép các chất ma túy là một trong những tội danh bị xử phạt nặng. Căn cứ theo quy định Điều 251 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), người mua bán trái phép chất ma túy bị phạt tù với nhiều khung khác nhau, với mức cao nhất là tử hình. Điều này cho thấy hệ thống pháp luật hiện tại cực kỳ nghiệm khắc với loại hình tội phạm này. Chẳng phải chỉ trong thời hiện đại, từ xa xưa, cụ thể thời vua Minh Mạng (đời vua thứ 2 của triều Nguyễn, từ 1820 đến 1841) đã có những hình phạt dành cho tội mua bán, sử dụng chất ma túy.

Ảnh minh họa vua Minh Mạng.

Thực trạng "cái chết trắng" dưới thời vua Minh Mạng

Châu bản Minh Mạng và Đại Nam thực lục chính biênlà hai sử liệu chứa đựng nhiều thông tin quan trọng về tội danh buôn thuốc phiện thời xưa.

Thời ấy, vấn nạn thuốc phiện nhũng nhiễu, hoành hành khiến cuộc sống người dân khổ sở. Lợi dụng giao thương, người Thanh đem thuốc phiện sang nước ta buôn bán. Vua Minh Mạng lên ngôi, gắng sức triệt phá nạn này mà dụ bầy tôi rằng:

"Những phường du côn lêu lổng lúc mới hút cho là phong lưu, rồi chuyển thành thói quen, thường thường nghiện mà không thể bỏ được. Quan thì bỏ cả chức vụ, dân thì phá hết sản nghiệp, thậm chí gầy mòn thành tật. Tổn thương cơ thể sinh mệnh".

Bởi hại thế nên vua đã định rõ nghiêm cấm thuốc phiện.

Ảnh tư liệu.

Không chỉ do người Thanh mang sang nước ta bán mà người Việt khi ấy cũng đi buôn về. Những sự kiện ghi lại trong Đại Nam thực lục còn rõ như năm 1831, thuyền lậu thuốc phiện của người Thanh cập bến Nghệ An, Hà Tiên. Rồi thì một năm sau đó, thuyền buôn gạo ở Gia Định chở đi, khi về đầy ắp thuốc phiện. Không chỉ một nơi, vấn nạn buôn bán thuốc phiện từ Bắc vào Nam đều có.

Ảnh tư liệu.

Hút thuốc phiện vốn đã hại, việc nấu bán lại càng nguy độc hơn. Chẳng thế mà vua dụ Bộ Hình rằng: "Người hút trộm thuốc phiện, tuy hại đến việc quan, bỏ công việc, mất hết gia sản, tổn hại sức khỏe, nhưng làm hại một thân, một gia đình họ mà thôi. Còn như đứa nấu, bán thuốc phiện là mưu đồ lợi lớn, dụ dỗ nhiều người, đến nỗi tập nhiễm thành thói quen, cái hại lan ra rộng, thì thiết xử tội như nhau, thực chưa được phân biệt".

Chưa dừng lại ở đó, vua Minh Mạng đã nhấn mạnh, việc nghiện thuốc phiện "đã mắc phải bả độc nghiện ngập rồi thì không thể dứt bỏ được, thậm chí ruột héo, gan khô, khuynh gia, bại sản! Thuốc phiện nó làm mê mẩn lòng người, có quan hệ đến phong tục không phải là nhỏ".

Xử thắt cổ và tịch thu gia sản

Vua Minh Mạng quy định rõ ràng,phàm là các quan lại, quân dân, ai hút vụng thuốc phiện, tang vật từ 1 cân trở xuống, đều phạt 100 trượng, phát lưu 3.000 dặm; tang vật từ 1 cân trở lên thời nghĩ xử theo lệ chứa giấu thuốc phiện và tịch thu nha sản, trích Đại Nam thực lục chính biên, Quốc Sử quán triều Nguyễn.

Trong Châu bản Minh Mạng, tập 85, theo Án sát sứ Phú Yên Lê Khiêm Quang, năm Minh Mạng thứ 21, có vợ chồng Nguyễn Công Trí nấu hút thuốc phiện. Sau khi khám xét nhà, phát hiện dụng cụ hút thuốc phiện và 1 lạng nha phiến, liền lập biên bản xét xử. Y khai bị bệnh nặng, uống thuốc không khỏi, nhờ người mua giúp 2 lạng thuốc phiện sống, đem nấu chín, hút khoảng 2 phần, còn lại cất giấu trong nhà, khi nào bệnh tái phát mới hút. Xét theo lệ mới quy định, Nguyễn Công Trí bị đánh 100 gậy và thích chữ, đày đến địa phận Hải Dương, tang vật gồm dụng cụ hút và nha phiến xin mang tiêu hủy.

Ảnh tư liệu.

Với kẻ làm nghề nấu thuốc phiện và tàng trữ, buôn bán thuốc phiện sống, chín không tới một cân trở xuống, phát đi sung quân ở nơi biên giới xa xôi. Từ 1 cân (tương đương 0,4kg ngày nay) trở lên sẽ xử giảo giam hậu, nghĩa là treo cổ nhưng giam lại đợi xử, tịch biên gia sản sung công.

Chưa kể, nếu người trong nhà và hàng xóm ở gần biết có người hút thuốc phiện mà không ngăn cấm, trình báo thì đều bị phạt 100 trượng. Còn nếu ai cáo giác đúng mà quan bắt được tang vật đều có thưởng. Chẳng hạn như năm Canh Thìn 1821, ai tố cáo được thưởng 20 lạng bạc, năm Kỷ Hợi 1839 ai tố giác được thưởng 60 quan. Mức thưởng, cáo giác các vụ buôn lậu với người nước ngoài cũng được thưởng cao hơn các vụ trong nước. Như vậy, chế tài và luật xử phạt của vua Minh Mạng thời ấy có tính răn đe và thưởng phạt rõ ràng.

Dẫu vậy, vấn nạn thuốc phiện chưa vãn, triều đình sớm đã có cái nhìn "chiếu tướng" với các thương nhân người Thanh. Cụ thể, khi thuyền buôn neo tại cửa biển, sẽ có quan coi đồn cửa biển kiểm tra, thông báo quy định và yêu cầu ký cam kết. Nếu ai mang thuốc ra giao nộp ngay thì được miễn tội.

Ảnh tư liệu.

Năm 1831, vua ban lệnh nếu có thuyền buôn lâu thuốc phiện, bắt ngay lập tức người và tang vật và lệnh này được nhắc lại vào năm 1834 một lần nữa. Nếu khách buôn, thương nhân ngoại quốc biết rõ lệnh mà vẫn cố ý giấu, thu được tang vật từ một cân trở xuống, chủ thuyền bị xử giảo giam hậu, từ một cân trở lên xử giảo lập quyết, nghĩa là xử thắt cổ chết ngay lập tức. Tang vật mang sung công. Người cùng thuyền biết mà không báo bị đánh 100 trượng, bỏ tù 3 năm.

Ngoài thuốc phiện, đánh bạc và mại dâm cũng là vấn nạn được vua Minh Mạng rất chú trọng dẹp bỏ. Với nhiều luật định và chế tài nghiêm minh nhằm ngăn chặn tệ nạn độc hại, vua Minh Mạng là một vị vua anh tài, đi đầu trong việc chăm lo đời sống nhân dân và giữ gìn kỷ cương phép nước, bảo tồn phong tục của triều Nguyễn.

- Video: Những cổ vật mang lời nguyền chết chóc ám ảnh nhất lịch sử. Nguồn: Tiền phong/CNN/The Sun.

Theo Báo Tổ quốc

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/tu-200-nam-truoc-vua-minh-mang-da-rat-manh-tay-dep-nan-thuoc-phien-tham-chi-ap-dung-hinh-phat-nghiem-khac-nay/20231009060144180